Dùng thuốc chữa dị ứng mắt

19-04-2022 19:07 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Nếu không dùng thuốc đúng, kịp thời, dị ứng mắt có thể gây những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến thị lực của người mắc...

“Chìa khóa” chữa trị dị ứng mắt“Chìa khóa” chữa trị dị ứng mắt

SKĐS - Dị ứng mắt xảy ra khi mắt phản ứng với chất kích thích. Những chất này gọi là dị nguyên. Khi cơ thể phản ứng với dị nguyên sẽ gây ra phản ứng dị ứng mắt.

1. Dị ứng mắt là gì?

Dị ứng mắt là một trong những tình trạng hay gặp, nhất là ở những người có cơ địa dị ứng. Dị ứng mắt (còn gọi là viêm kết mạc dị ứng), xảy ra khi mắt phản ứng với chất kích thích (gọi là dị nguyên). Khi đó cơ thể sẽ sản sinh ra histamin để chống lại những tác nhân gây ra tình trạng dị ứng này.

Tuy nhiên, phản ứng của hệ miễn dịch có thể bị sai lệch và dẫn đến các phản ứng miễn dịch với những chất nguy hiểm, kích hoạt các cơn dị ứng. Khi phản ứng dị ứng xảy ra sẽ làm cho mắt bị sưng, đỏ, ngứa, rát và chảy nước mắt.

2. Triệu chứng thường gặp

Dị ứng mắt có triệu chứng khá rõ ràng như mắt ngứa hoặc bỏng rát, chảy nước mắt, đỏ mắt. Bệnh nhân cũng có thể có gỉ xung quanh mắt hoặc không. Dị ứng mắt làm sưng tấy mi mắt hoặc sưng húp, phù mọng kết mạc...

Ngoài ra, dị ứng mắt cũng có thể xảy ra đồng thời với các tình trạng dị ứng khác như dị ứng mũi (sổ mũi, nghẹt mũi hoặc hắt hơi) hoặc bệnh chàm (dị ứng da).

Những triệu chứng này có thể biểu hiện ở một hoặc cả hai bên mắt:

  • Mờ mắt.
  • Đỏ bên trong tròng trắng của mắt.
  • Mắt bị ngứa, có cảm giác nóng rát.
  • Mí mắt bị sưng.
  • Quanh mắt có gỉ.
  • Chảy nước mắt.
  • Nhạy cảm với ánh sáng.

Tổn thương dị ứng mắt thường gặp là viêm kết mạc dị ứng (còn gọi là đau mắt đỏ) với các triệu chứng ngứa mắt, chảy nước mắt, nặng hơn là co quắp mi, sợ ánh sáng, phù nề...

photo-1650291795510

Dị ứng mắt khiến mắt bị ngứa hoặc bỏng rát, chảy nước mắt, đỏ mắt…

3. Dùng thuốc điều trị dị ứng mắt

3.1. Các thuốc dùng tại chỗ trị dị ứng mắt

- Thuốc kháng histamin kết hợp co mạch tại chỗ

Hai loại thường dùng là naphazoline (co mạch) kết hợp với pheniramine (chống dị ứng). Nhỏ vào kết mạc để giảm sung huyết, ngứa và kích ứng do dị ứng phấn hoa, lạnh, khói, bụi, gió, bơi lội hoặc đeo kính áp tròng.

Không dùng thuốc cho trẻ sơ sinh và trẻ em (dung dịch naphazoline 0,1%), người bị bệnh glaucoma và trước khi làm thủ thuật cắt mống mắt ở những bệnh nhân có khả năng bị glaucoma góc đóng và người bệnh phì đại tuyến tiền liệt có triệu chứng (với pheniramine).

Một số tác dụng phụ rất ít gặp có thể xảy ra như: Cảm giác bỏng, rát, khô hoặc loét niêm mạc, hắt hơi. Người bệnh có thể bị sung huyết trở lại với biểu hiện như đỏ, sưng và viêm mũi khi dùng thường xuyên, lâu ngày.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị nhìn mờ, giãn đồng tử, tăng hoặc giảm nhãn áp, co quắp mi mắt, đổ mồ hôi. Đồng thời, còn có kích thích tim như hồi hộp, mệt mỏi, chóng mặt, ù tai, mất khả năng tập trung, đánh trống ngực, xanh xao tái nhợt; buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, lo lắng, căng thẳng, lơ mơ, ảo giác, co giật, ức chế hệ thần kinh trung ương, bệnh về tâm lý kéo dài.

Những năm gần đây sự ô nhiễm môi trường, mất cân bằng dinh dưỡng, tình trạng dùng thuốc, hóa chất, mỹ phẩm bừa bãi, lông thú nuôi, thuốc lá... đã khiến các ca dị ứng mắt ngày càng tăng. Tháng 4, 5, 6 là những tháng đỉnh điểm của bệnh. Bên cạnh đó là nhiệt độ và độ ẩm dao động mạnh khiến bệnh dị ứng mắt càng có cơ hội tái phát.

- Thuốc kháng histamine có đặc tính ổn định tế bào mast

Điển hình như olopatadine, alcaftadine, bepotastine… Các thuốc này gắn lên thụ thể histamine H1, cho tác động đối kháng với histamine và ngăn chặn sự sản xuất cytokine gây viêm. Ngoài ra, thuốc còn có thể bảo vệ tế bào mast ở kết mạc để ức chế việc giải phóng các chất trung gian gây viêm.

Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm nhức đầu, rối loạn tiêu hoá, đau mắt, kích ứng mắt, khô mắt, cảm giác dị vật trong mắt. Ít gặp hơn như chóng mặt, giảm xúc giác, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, mờ mắt, giảm thị lực, co thắt mi, khó chịu ở mắt, tăng tiết nước mắt, ban đỏ mí mắt, phù nề mí mắt, rối loạn mí mắt, tăng nhãn áp.

photo-1650291796893

Sử dụng thuốc điều trị dị ứng mắt cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

- Chống viêm corticoid

Corticoid (còn gọi là glucocorticoid hoặc steroid) được sử dụng trong điều trị dị ứng mắt do có đặc tính chống viêm chống dị ứng, do đó làm giảm nhanh các triệu chứng khó chịu của dị ứng.

Các corticoid tra nhỏ mắt tại chỗ như: Loteprednol, rimexolone, prednisolone, fluorometholone... cho tác dụng nhanh, tuy nhiên cần cảnh giác với tác dụng phụ của thuốc.

Corticoid có thể gây ức chế miễn dịch làm giảm hoặc mất hẳn khả năng đề kháng của mắt, đôi khi có thể làm bệnh nặng thêm. Nếu dùng liều cao, kéo dài, corticoid có thể gây đục thủy tinh thể, mờ mắt. Ngoài ra, nhóm thuốc này cũng có thể làm mỏng giác mạc.

Do đó, người bệnh không được tự ý dùng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

- Nước mắt nhân tạo

Sử dụng nước mắt nhân tạo để loại bỏ đi chất gây dị ứng sẽ giúp làm giảm tạm thời các triệu chứng như khô mắt và tạo độ ẩm cho mắt.

3.2. Điều trị toàn thân

Thuốc kháng histamine đường uống điều trị hiệu quả cho các triệu chứng như ngứa, rát mắt. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể đem lại một số tác dụng phụ không mong muốn, ví dụ như khô mắt hoặc khiến tình trạng dị ứng mắt trở nên nghiêm trọng hơn.

4. Lời khuyên của thầy thuốc

Bệnh nhân dị ứng mắt cần lưu ý:

- Chỉ dùng thuốc khi đã được bác sĩ tư vấn.

- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, ví dụ như phấn hoa, lông chó mèo, bụi, khói,...

- Không dụi mắt khi mắt bị ngứa hoặc bất cứ khó chịu nào vì điều này chỉ làm vùng da quanh mắt bị tổn thương và sớm để lại vết nhăn.

- Chườm lạnh cũng là phương pháp hữu hiệu để giảm phù mi, giảm ngứa và kích thích do làm co mạch và ổn định màng tế bào có chức năng miễn dịch.

- Thường xuyên sử dụng nước mắt nhân tạo trong ngày cũng có thể giúp làm loãng và loại bỏ các chất gây dị ứng.

- Bệnh nhân nên giảm hoặc ngừng sử dụng kính áp trong trong thời gian có triệu chứng, do các chất gây dị ứng thường bám vào bề mặt kính áp tròng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

7 lợi ích của vitamin C.

BS. Đặng Xuân Thắng
Trường Đại học Y Dược, Đại học Duy Tân Đà Nẵng
Ý kiến của bạn