Hà Nội

Dùng thuốc chữa bệnh trĩ như thế nào cho hiệu quả?

06-07-2021 07:41 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trĩ là bệnh khá phổ biến hiện nay. Bệnh gây nhiều phiền toái trong cuộc sống và làm giảm chất lượng sống của người bệnh. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc chữa trĩ, tuy nhiên người bệnh cần sử dụng đúng loại phù hợp với tình trạng bệnh của mình, đồng thời phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Bệnh trĩ do máu ứ đọng tĩnh mạch hậu môn làm tĩnh mạch căng ra và giãn dần với mức độ nhiều hay ít để tạo ra các búi trĩ. Lâu ngày tĩnh mạch căng phồng, niêm mạc trực tràng giãn theo, thành mạch máu căng lên dễ thẩm thấu máu, niêm mạc sung huyết và dễ vỡ. Nếu không được chữa trị, mức độ giãn búi trĩ sẽ nặng hơn và sa ra ngoài. Cần biết các loại thuốc điều trị bệnh trĩ thông thường để sử dụng trước khi phải can thiệp bằng ngoại khoa.

Nguyên nhân và triệu chứng bệnh trĩ

bệnh trĩ

Các loại bệnh trĩ.

Bệnh thường do táo bón hay tiêu chảy, rặn nhiều làm tăng áp lực tĩnh mạch dẫn đến căng giãn và ứ máu. Chế độ ăn ít chất xơ, thừa cân, béo phì; tăng áp lực ổ bụng do thường xuyên bốc vác, cử tạ, đánh quần vợt...; đứng lâu, ngồi nhiều do đặc thù nghề nghiệp... cũng là nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra, khối u vùng tiểu khung gồm u đại tràng, u tử cung, mang thai nhiều tháng... là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh trĩ.

Bệnh trĩ được phân hai loại, trĩ nội khi búi trĩ ở trên đường hậu môn-trực tràng và trĩ ngoại khi búi trĩ ở dưới đường hậu môn-trực tràng. Bệnh cũng được chia làm bốn mức độ: Độ 1 khi búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn. Độ 2 khi bình thường búi trĩ nằm trong ống hậu môn nhưng lúc rặn đi tiêu thì búi trĩ thập thò hay lòi ra ngoài, đại tiện xong đứng dậy thì búi trĩ thụt vào trong. Độ 3 khi đi tiêu, đi lại nhiều, ngồi xổm, làm việc nặng búi trĩ sa ra ngoài. Độ 4 khi búi trĩ thường xuyên nằm ngoài ống hậu môn.

Triệu chứng bệnh trĩ thường gặp là đi đại tiện ra máu màu đỏ tươi, máu chảy nhỏ giọt hay thành tia ở cuối mỗi bãi phân; đôi khi chảy máu do sự va chạm nhẹ. Búi trĩ bị sa ra ngoài khi đại tiện, đi bộ hoặc ngồi xổm lâu; lúc đầu có thể tự co lên nhưng về sau phải đẩy mới lên và cuối cùng sa ra ngoài thường xuyên. Bị ngứa hoặc bị kích thích ở vùng hậu môn. Có cảm giác đau hoặc khó chịu, có thể không đau, đau ít hoặc rất đau do nứt hậu môn, bị tắc nghẽn và sưng vùng quanh hậu môn... Khi có biểu hiện triệu chứng, cần đi khám để xác định loại và mức độ nhằm có chỉ định điều trị phù hợp bằng phương pháp nội khoa (sử dụng thuốc) hay ngoại khoa (phẫu thuật).

Biến chứng bệnh trĩ hiếm gặp nhưng có thể xảy ra như thiếu máu do mất máu mạn tính, nghẹt búi trĩ làm mạch máu bị tắc gây đau, tắc mạch do cục máu đông trong mạch máu gây cộm và đau, viêm da quanh hậu môn dẫn đến loét búi trĩ gây ngứa và đau... Khi đã xảy ra biến chứng cần phải điều trị kịp thời để tránh những nguy hại đối với sức khỏe.

Các loại thuốc điều trị bệnh trĩ

khám trĩ

Khi có các biểu hiện của bệnh trĩ cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị đúng.

Thuốc dùng để điều trị bệnh trĩ gồm các loại thuốc giảm đau, giảm triệu chứng; thuốc nhuận tràng, làm mềm phân và thuốc tăng sức bền tĩnh mạch. Các loại thuốc này thường sử dụng cho các trường hợp trĩ độ 1 và phần lớn trĩ độ 2.

Thuốc giảm đau, giảm triệu chứng: Dùng lidocaine bôi lên vùng hậu môn bị tổn thương ngày 2 đến 3 lần sau khi đi đại tiện để giúp giảm cảm giác đau và ngứa. Nên sử dụng trong thời gian ngắn không quá 7 ngày. Thuốc có thể hấp thu toàn thân tùy từng người.

Ngoài ra, có thể dùng kẽm oxyd 10% bôi lên vùng hậu môn bị tổn thương ngày 2 đến 3 lần sau khi đi đại tiện cũng giúp làm săn chắc cơ hậu môn, sát khuẩn vùng hậu môn; thuốc hấp thu tốt, ít gây dị ứng và cũng nên dùng không quá 7 ngày.

Thuốc nhuận tràng, làm mềm phân: Dùng lactulose, khởi đầu điều trị uống liều cao; sau đó giảm liều duy trì. Hoặc có thể dùng macrogol dạng bột pha thành dung dịch uống, nên uống vào buổi sáng. Cũng có thể dùng sorbitol dạng bột pha thành dung dịch, uống khi bụng đói vào buổi sáng trước khi ăn. Các loại thuốc này giúp làm mềm phân, điều trị táo bón. Kết hợp với việc dùng thuốc người bệnh cần uống đủ nước mỗi ngày, ăn nhiều chất xơ, có thể phải uống thuốc từ 1 - 3 ngày mới thấy tác dụng của thuốc.

Thuốc tăng sức bền tĩnh mạch: Dùng diosmin kết hợp hesperidin dạng viên nén, trong 4 ngày đầu uống thuốc với liều cao, sau đó trong 3 ngày tiếp theo giảm liều, uống thuốc cùng với các bữa ăn. Thuốc giúp tăng cường sức bền vững của tĩnh mạch, ít có tác dụng phụ; một số trường hợp có thể buồn nôn, nôn, tiêu chảy nhẹ nhưng không đáng kể. Nếu sau 15 điều trị không đáp ứng, cần thông báo với bác sĩ để thay thế thuốc khác như fargelin extra, calci dobesilate, flavonoid...

- Để điều trị bệnh trĩ hiệu quả, người bệnh nên đi khám cẩn thận để biết được nguyên nhân gây bệnh cũng như tình trạng bệnh và được điều trị kịp thời, đúng cách nhất tránh bệnh chuyển nặng hơn.

- Người bệnh nên dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh được những tác dụng phụ. Bệnh trĩ là bệnh mạn tính nên rất dễ tái phát do đó người bệnh nên kết hợp dùng thuốc với chế độ sinh hoạt điều độ, khoa học. Người bệnh trĩ nên tập thể dục thường xuyên để giúp điều trị hiệu quả nhờ các bài tập tốt cho bệnh trĩ như yoga, chạy cự ly dài, bơi…

Để phòng ngừa bệnh trĩ, cần thực hiện chế độ ăn uống có nhiều chất xơ, hạn chế dùng các chất kích thích như uống rượu, ăn thức ăn cay nóng như tiêu ớt... Nên tránh các hoạt động quá mạnh, tránh ngồi nhiều hoặc đứng quá lâu. Thực hiện việc thay đổi thói quen đi đại tiện để tránh táo bón, không rặn nhiều khi đi tiêu…

Xem thêm: Giải đáp những thắc mắc điều trị và phòng tái phát bệnh trĩ

Cẩm nang phòng và điều trị bệnh trĩ đúng cách


BS. Nguyễn Trâm Anh
Ý kiến của bạn