Dùng thuốc chữa bệnh Basedow gây tác dụng phụ thế nào?

18-05-2017 07:47 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tôi 23 tuổi, gần đây đi xét nghiệm máu được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh Basedow và cho thuốc methimazole để điều trị.

Tôi 23 tuổi, gần đây đi xét nghiệm máu được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh Basedow và cho thuốc methimazole để điều trị. Xin hỏi quý báo, khi dùng thuốc này tôi cần phải phòng ngừa những tác dụng phụ đặc biệt nào?

Nguyễn Văn Hùng (Lạng Sơn)

Bệnh Basedow là một bệnh tự miễn thường ảnh hưởng đến tuyến giáp, làm phì đại tuyến giáp lên gấp 2 lần hoặc nhiều hơn (bướu cổ), gây cường giáp (tăng năng tuyến giáp, tuyến giáp hoạt động quá mức), với các triệu chứng liên quan như tăng nhịp tim yếu cơ, mất ngủ hoặc khó ngủ, tính tình dễ bị kích thích. Bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến mắt, gây ra lồi mắt và ảnh hưởng đến các hệ cơ quan khác, bao gồm da, tim, tuần hoàn và thần kinh. Điều trị bằng thuốc là phương pháp đầu tiên thường được áp dụng, trong đó methimazole là một trong những thuốc được lựa chọn sử dụng. Đây là thuốc kháng giáp trạng tổng hợp, hoạt động bằng cách ngăn chặn tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormon tuyến giáp.

Trong quá trình dùng thuốc, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ ít nghiêm trọng như chóng mặt, nhức đầu, buồn ngủ, buồn nôn, ngứa, phát ban nhẹ, rụng tóc, sưng, mất cảm giác về hương vị, viêm đau khớp và cơ bắp, bất thường về cảm giác (có hiện tượng như kiến bò, nóng). Ngoài ra cũng có thể gặp những biểu hiện nguy hiểm như sốt, ớn lạnh, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu, vàng da hoặc mắt... thì cần ngưng thuốc và đến gặp bác sĩ điều trị để được xử trí kịp thời. Để thuốc đạt hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất, bạn cần tuyệt đốt tuân theo chỉ định của bác sĩ, cần phải tiếp tục uống thuốc ngay cả khi đã thuyên giảm hoặc không còn các triệu chứng. Sau khi dùng thuốc sau 2 tuần bệnh có thể thuyên giảm, người bệnh vẫn phải tiếp tục dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thường phải sử dụng trong 6 tháng. Nếu tự ý dừng thuốc, các biểu hiện bệnh có thể trở lại. Bên cạnh đó, bạn cần kiểm tra máu thường xuyên vì methimazole có thể làm giảm các tế bào máu giúp cơ thể chống nhiễm khuẩn và làm cho bạn dễ bị chảy máu do chấn thương hoặc lây nhiễm bệnh.

Trong quá trình dùng thuốc, bạn cũng không nên tiêm hoặc tiếp xúc gần với người vừa tiêm vắc-xin sống như sởi, quai bị, Rubella, bại liệt đường uống, bệnh thủy đậu hay thuốc chủng ngừa cúm đường mũi do dễ bị lây nhiễm virut. Methimazole tương tác với các thuốc chống đông máu (warfarin, coumarin), thuốc chẹn beta (propranolol), thuốc đái tháo đường, thuốc chữa suy tim (digitoxin), thuốc giãn phế quản (thyophylin) nên bạn cần cho bác sĩ biết bất kỳ loại thuốc nào mình đang sử dụng để ngăn ngừa bất lợi có thể xảy ra cho sức khỏe.

BS. Nguyễn Văn Đức


Ý kiến của bạn