Dùng thuốc chống viêm không steroid điều trị viêm phế quản

10-06-2023 06:51 | An toàn dùng thuốc

SKĐS – Các thuốc chống viêm không steroid giúp giảm đau, hạ sốt và chống viêm hiệu quả trong điều trị viêm phế quản. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm nếu dùng không đúng…

Viêm phế quản mùa nắng nóng: Nguyên nhân, triệu chứng và thuốc điều trịViêm phế quản mùa nắng nóng: Nguyên nhân, triệu chứng và thuốc điều trị

SKĐS - Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp phát triển mạnh, trong đó có viêm phế quản.

1. Vai trò của các thuốc chống viêm không steroid trong điều trị viêm phế quản

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là loại thuốc được sử dụng rộng rãi để giảm đau, giảm viêm và hạ sốt. Khi bị viêm phế quản, cơ thể tăng sản xuất prostaglandin là hóa chất giống như hormone góp phần gây viêm, đau và sốt bằng cách tăng nhiệt độ và làm giãn mạch máu, gây đỏ và sưng ở nơi chúng được giải phóng.

Thuốc chống viêm không steroid ngăn chặn cyclooxygenase, là chất được cơ thể sử dụng để tạo ra prostaglandin. Từ đó giảm cảm giác khó chịu do sốt, viêm và đau trong bệnh viêm phế quản.

Dùng thuốc chống viêm không steroid điều trị viêm phế quản sao cho an toàn? - Ảnh 2.

Cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc chống viêm không steroid.

2. Một số thuốc NSAID thường dùng

Một số thuốc chống viêm không steroid thường được sử dụng trong điều trị viêm phế quản bao gồm: Aspirin, ibuprofen, naproxen, diclofenac.

Với những bệnh nhân bị viêm phế quản như nhức đầu, sốt cao hay đau nhức toàn thân thì có thể sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid để giảm sốt và giảm đau nhức. Mỗi loại thuốc lại phù hợp với từng tình trạng bệnh, lứa tuổi... Do đó, người bệnh không nên tùy tiện dùng thuốc khi chưa có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

2.1.Aspirin

Aspirin được sử dụng để giảm đau, hạ sốt và giảm tình trạng sưng, viêm trong bệnh viêm phế quản.

Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho bệnh nhân bị rối loạn chảy máu, tăng huyết áp không kiểm soát được, hen suyễn, loét dạ dày, bệnh gan hoặc thận. Không dùng aspirin cho trẻ dưới 18 tuổi vì có thể làm tăng nguy cơ mắc Hội chứng Reye. Hội chứng Reye có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong. Thay vào đó, các bác sĩ thường khuyên dùng acetaminophen hoặc ibuprofen với liều lượng thích hợp cho trẻ em.

2.2. Ibuprofen

Ibuprofen là thuốc giảm đau phổ biến cho người lớn và cả cho trẻ em từ 3 tháng tuổi trở lên. Thuốc giúp trẻ bị viêm phế quản giảm các triệu chứng đau, sốt, viêm mà không đáp ứng với paracetamol. Nên cho trẻ uống ibuprofen cùng hoặc ngay sau bữa ăn để không làm trẻ khó tiêu.

Lưu ý, ibuprofen không được khuyến khích dùng cho bệnh nhân bị hen suyễn.

Dùng thuốc chống viêm không steroid điều trị viêm phế quản sao cho an toàn? - Ảnh 3.

Thuốc chống viêm không steroid phải được sử dụng thận trọng, trong thời gian ngắn nhất có thể và ở liều thấp nhất có hiệu quả.

2.3.Naproxen

Cũng như các thuốc chống viêm không steroid khác, uống naproxen với liều thấp nhất có hiệu quả và thời gian ngắn nhất, uống sau ăn. Thuốc có các tác dụng phụ phổ biến là nhức đầu, ù tai, thay đổi thị lực, mệt mỏi, buồn ngủ, chóng mặt và phát ban.

Tuy nhiên, thuốc ít được sử dụng điều trị viêm phế quản cho trẻ em.

2.4. Diclofenac

Hầu hết người lớn có thể dùng diclofenac để giảm đau, hạ sốt, chống viêm trong viêm phế quản (trẻ em ít dùng). Các tác dụng phụ thường gặp là đau dạ dày, bị ốm và phát ban.

3. Cảnh giác với các tác dụng phụ của thuốc chống viêm không steroid

Thuốc chống viêm không steroid phải luôn được sử dụng thận trọng, trong thời gian ngắn nhất có thể và ở liều thấp nhất có hiệu quả.

Mặc dù thuốc chống viêm không steroid có hiệu quả trong việc giảm đau, hạ sốt và chống viêm, nhưng chúng có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, một số tác dụng phụ có thể đe dọa đến tính mạng.

- Các tác dụng phụ về đường tiêu hóa như khó tiêu, đau dạ dày, buồn nôn, nôn...

- Sử dụng thuốc chống viêm không steroid cũng có thể gây loét và chảy máu trong dạ dày.

- Các tác dụng phụ phổ biến khác bao gồm: Tăng men gan (thường liên quan đến diclofenac hơn các thuốc chống viêm không steroid khác), tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, giữ muối và nước, tăng huyết áp.

4. Dùng thuốc chống viêm không steroid sao cho an toàn, hiệu quả?

- Không nên tự ý dùng các thuốc chống viêm không steroid.

- Tuyệt đối tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.

- Không nên dùng thuốc chống viêm không steroid hàng ngày, không tự ý tăng liều… để làm giảm nguy cơ gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng.

- Luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thuốc chống viêm không steroid để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn.

- Khi dùng thuốc nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần trao đổi ngay với bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.

Xem thêm video đang được quan tâm:

6 loại thực phẩm nên tránh khi bị viêm khớp.

DS. Hoàng Vân
Bệnh viện Trung ương Huế
Ý kiến của bạn