Hà Nội

Dùng thuốc chống say xe - nên lựa chọn thông minh

23-07-2019 09:58 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Mùa hè là mùa du lịch và phương tiện đi lại chủ yếu là tàu, xe. Với nhiều người, việc say tàu xe là một trở ngại rất lớn trong mỗi chuyến đi bởi chỉ cần nghĩ tới việc lên xe là đã thấy buồn nôn rồi.

Vì sao bạn lại bị say xe và khi bị say thì có nên dùng thuốc chống say hay không?

Tại sao lại say xe?

Như chúng ta đều biết, não là “bộ tổng chỉ huy của cơ thể”. Não có vai trò rất quan trọng trong duy trì sự thống nhất của hệ thần kinh. Khi lên tàu xe, não lúc này bắt đầu nhận biết được sự khác lạ. Ví dụ, khi cơ thể vận động như đi, chạy bộ... thì não dường như cảm nhận hết các hoạt động qua giác quan. Nhưng khi ngồi trên xe (với những người ít đi tàu xe) thì não lại chưa quen với việc ấy. Cơ thể chúng ta lúc này di chuyển, “cục cảm biến” chuyển động của cơ thể mang tên tiền đình bị rung lắc báo về não sự di chuyển này. Tuy nhiên, cả cơ thể lại ngồi yên, tay chân không vận động, các giác quan khác lại báo về não là “cơ thể đang ngồi yên một chỗ”. Đó là lý do vì sao ngồi trong xe gần cửa sổ hoặc trực tiếp lái xe thì sẽ đỡ say xe (vì mắt báo về não là đang di chuyển). Còn nếu đang ngồi trên xe mà tập trung nhìn vào điện thoại hoặc đọc sách thì càng làm cho tình trạng say xe trở nên nặng nề hơn.

Chính sự “bất đồng” trong thông báo của các cơ quan về não nên não đưa cảm nhận được sự nghiêm trọng, lầm tưởng cơ thể bị trúng độc. Bởi chỉ có trúng độc thì các bộ phận mới nhiễu loạn thông tin. Nếu trúng độc thì cơ thể phải có cơ chế tự giải độc và hành vi nôn ói được não lựa chọn để cứu nguy cho cơ thể.

Nên tìm đến các biện pháp tự nhiên chống say xe sẽ an toàn hơn.

Nên tìm đến các biện pháp tự nhiên chống say xe sẽ an toàn hơn.

Có nên dùng thuốc chống say tàu xe?

Như trên đã phân tích, việc nôn ói là cơ chế lành mạnh của cơ thể để kháng “độc”. Say xe không phải là “bệnh” và thuốc chống say xe không phải muốn uống là tự tiện mua uống. Vì mỗi loại thuốc thì lại có cơ chế khác nhau. Kể cả miếng dán chống say tàu xe cũng là thuốc và cũng có tác hại lên cơ thể. Bạn đừng nghĩ miếng dán ngoài da thì nó ít tác động đến cơ thể hơn.

Cơ chế các thuốc “chống say” này thường là:

Kháng cholinergic (phó giao cảm): Khi ngồi trên xe, chất phó giao cảm sẽ tăng thì cơ thể bị kích thích ói mửa. Thuốc kháng cholinergic này có tác dụng kiềm tỏa điều đó. Thuốc này có dạng uống và dán. Tác dụng phụ là mất phương hướng, mất trí nhớ tạm thời (hiếm), vì thế không dùng cho trẻ nhỏ.

Kháng histamin (chống dị ứng): Khi histamin tiết ra quá mức sẽ gây say, nôn nên cơ chế thuốc này là kháng lại histamin. Thuốc kháng histamin được chuyển hóa ở gan, thận. Do đó, nên thận trọng với người rối loạn chức năng gan, thận, rối loạn chuyển hóa, người cao tuổi. Khi bạn đi mua thuốc ở hiệu thuốc mà dược sĩ dặn “uống trước 30 phút rồi lên xe” chính là thuốc này.

Ngoài ra còn có thuốc điều chỉnh rối loạn chức năng tiêu hóa... Cơ chế của thuốc cũng tương tự như 2 thuốc trên. Tất cả các thuốc này đều khiến cơ thể chống lại lệnh “nôn ói” của não nên giảm hiện tượng nôn, ói và chúng ta hiểu lầm là chống được say xe. Tuy nhiên, thuốc đều chỉ xử lý “cái ngọn” là giảm nôn ói. Còn những gì diễn ra bên trong cơ thể vẫn là thế. Do đó, nên hạn chế thấp nhất việc dùng các chế phẩm thuốc chống nôn ói, nếu có thì nên dùng các sản phẩm tự nhiên để phần nào giải tỏa tâm lý, dễ chịu hơn khi đi tàu xe.

Nên sử dụng các sản phẩm tự nhiên có tinh dầu thơm để lấn át mùi khó chịu như: gừng tươi, vỏ cam chanh... vì những thứ này có lợi, ít hại cho cơ thể. Ngoài ra, Đông y còn có bấm huyệt, tuy nhiên cần phải đến đúng các thầy thuốc có chuyên môn về vấn đề này để bấm huyệt, không nên nghe cách hướng dẫn bừa mà tự ý làm.

Cách giảm say xe

Say tàu xe có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng những người sẵn bị thiểu năng tuần hoàn não, bình thường hay đau nặng đầu, hoa mắt chóng mặt, ngủ kém, hay đổ mồ hôi trộm, thể chất yếu thì thường say xe ác liệt hơn người khỏe mạnh. Trước chuyến đi mà mất ngủ, bụng quá đói hoặc quá no, đang cáu chuyện gì đó, trên xe có mùi hôi... thì dễ bị say xe hơn. Căn cứ theo cơ chế say tàu xe trên, việc làm tốt nhất để tránh và giảm nhẹ say xe là cần rèn luyện để cơ thể phải thật sự khỏe mạnh. Không để mất ngủ và say rượu bia trước khi di chuyển đường dài bằng tàu xe. Nếu bình thường thiếu máu não thì nên khám và điều trị lâu dài (để tránh nhiều bệnh khác chứ không riêng gì cải thiện tình trạng say xe).

Khi ngồi trên tàu xe thì xin được ngồi phía trước, hướng nhìn cùng chiều tàu xe chạy. Không đọc sách, báo, nhắn tin, check facebook trên xe, cố gắng nhìn ra cửa sổ nơi có núi đồi, đồng lúa bao la... Nhìn xa chứ đừng nhìn những cảnh vật sát cửa sổ xe dễ gây chóng mặt.

Đừng sợ nó, cần ói thì cứ dừng xe lại ói cho hết rồi đi tiếp. Đến trạm dừng nghỉ thì ăn uống cho khỏe, dũng cảm chiến thắng cơn say xe, vài lần sẽ thấy hiệu quả. Cố gắng đừng ói ra xe, mùi nôn ói dễ khiến cả người khỏe mạnh, không say xe cũng bị nôn theo.

Hãy giữ sức khỏe thật tốt và một tâm lý “không sợ nôn” là rất quan trọng, do vậy, đừng mất bình tĩnh trước mỗi chuyến đi. Một số người chỉ cần đứng trước cửa xe mở ra đã muốn nôn ói. Đó là nỗi sợ hãi say xe của những chuyến đi trước chứ không phải là hiện tượng say xe.


ThS. Nguyễn Quốc Khánh
Ý kiến của bạn