Dùng thuốc chống đông máu, những lưu ý người bệnh cần biết

07-04-2025 06:00 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS – Các thuốc chống đông máu giúp ngăn ngừa các biến cố nghiêm trọng như đột quỵ và đau tim bằng cách kiểm soát sự hình thành cục máu đông...

Những đối tượng cần đặc biệt lưu ý khi dùng thuốc chống đông máuNhững đối tượng cần đặc biệt lưu ý khi dùng thuốc chống đông máu

SKĐS - Để ngăn ngừa sự hình thành và phát triển các cục máu đông, từ đó phòng tránh nguy cơ đau tim, đột quỵ và các hậu quả khác do đông máu gây ra, nhiều người phải sử dụng thuốc chống đông máu hàng ngày. Tuy nhiên khi dùng nhóm thuốc này người bệnh cần thận trọng.

1. Vai trò của thuốc chống đông máu

Thuốc chống đông máu là thuốc ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình hình thành cục máu đông, ngăn cục máu đông phát triển lớn hơn hoặc ngăn cục máu đông đã hình thành di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể. Thuốc chống đông máu giúp ngăn ngừa đột quỵ, đau tim, thuyên tắc phổi

Những trường hợp cần dùng thuốc chống máu bao gồm: Người bệnh về tim hoặc mạch máu, rung nhĩ (nhịp tim bất thường), thay van tim, nguy cơ hình thành cục máu đông sau phẫu thuật, khuyết tật tim bẩm sinh…

Các thuốc chống đông bao gồm: Heparin, warfarin, dabigitran, apixaban, rivoroxaban, edoxaban, aspirin, clopidogrel… Các thuốc chống đông máu có thể gây một số tác dụng phụ như chảy máu và bầm tím, đau dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy…

Dùng thuốc chống đông máu, những lưu ý người bệnh cần biết- Ảnh 2.

Thuốc chống đông máu là thuốc ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình hình thành cục máu đông,

2. Những lưu ý khi dùng thuốc chống đông máu

Dưới đây là những mẹo dùng thuốc chống đông máu an toàn và hiệu quả:

- Cảnh giác với tình trạng chảy máu nhiều hơn: Tác dụng của thuốc chống đông máu là ngăn cản khả năng đông máu tự nhiên của cơ thể. Vì vậy, khi dùng thuốc chống đông máu, người bệnh có thể nhận thấy tình trạng chảy máu nhiều hơn từ các vết cắt hoặc trầy xước, chảy máu cam hoặc kỳ kinh nguyệt ra nhiều hơn bình thường. Trong trường hợp nếu chảy máu nhẹ, không nên ngừng dùng thuốc, người bệnh trao đổi với bác sĩ về cách xử trí.

Trường hợp tiểu ra máu, ho ra máu, nôn ra chất trông giống bã cà phê (dấu hiệu chảy máu dạ dày) hoặc đi ngoài phân đen (có thể là dấu hiệu chảy máu đường tiêu hóa), người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.

- Phòng ngừa tương tác bất lợi của thuốc: Không nên dùng đồng thời thuốc chống đông với thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như naproxen và ibuprofen, vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu; báo cho bác sĩ về các loại thuốc người bệnh đang dùng để phòng ngừa tương tác bất lợi.

- Không nên ngồi quá lâu: Ngồi một chỗ trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Thuốc chống đông máu giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, nhưng khi uống thuốc này, người bệnh vẫn nên vận động, đi lại sau mỗi một hoặc hai giờ ngồi một chỗ để giúp máu lưu thông.

Dùng thuốc chống đông máu, những lưu ý người bệnh cần biết- Ảnh 3.

Cần trao đổi với bác sĩ về cách dùng thuốc chống đông máu an toàn, hiệu quả.

- Tránh ăn thực phẩm giàu vitamin K: Warfarin làm giảm tác dụng đông máu của vitamin K. Vì vậy, nếu đang uống thuốc này, cần tránh ăn các thực phẩm chứa nhiều vitamin K (có trong nhiều loại rau xanh, như cải xoăn, bông cải xanh, cải Brussels, cải xanh) vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.

- Uống nhiều nước: Mất nước khiến mạch máu hẹp lại và máu đặc lại, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Do đó, việc duy trì đủ nước sẽ cải thiện lưu thông máu. Hơn nữa, bàng quang đầy sẽ khiến bạn thường xuyên phải đứng dậy để đi vệ sinh, giúp tránh phải ngồi lâu. Điều này cũng hỗ trợ giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.

- Không uống rượu: Nếu đang uống thuốc warfarin, người bệnh nên tránh uống rượu, vì rượu có thể ảnh hưởng đến cách thuốc được chuyển hóa, làm tăng nguy cơ chảy máu nhiều hơn.

- Không uống gấp đôi liều đã quên: Nên uống thuốc chống đông máu vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Nếu quên uống một liều, người bệnh tuyệt đối không nên uống bù lại bằng liều gấp đôi vào lần sau, vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.

- Duy trì hoạt động thể chất rất tốt cho sức khỏe, vì vậy không nên dừng các bài tập theo thói quen của bạn chỉ vì phải uống thuốc chống đông máu. Tuy nhiên, nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp khi tập luyện, vận động như đội mũ bảo hiểm khi đạp xe, đeo găng tay khi làm vườn và đi giày để tránh bị đứt chân...

Xem thêm video đang được quan tâm:

Đột quỵ do tự ý dùng thuốc chống đông máu.


DS. Hoàng Vân
Ý kiến của bạn