Hà Nội

Dùng thuốc chống động kinh vào mùa hè : Có bất thường cần tái khám ngay

02-07-2018 07:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Vào mùa hè do khí hậu thời tiết nắng nóng, độ ẩm không khí cao, cường độ tia tử ngoại trong ánh nắng lớn… là điều kiện thuận lợi làm cho một số bệnh tăng nặng hơn, trong đó điển hình là bệnh động kinh. Vậy bệnh nhân động kinh cần chú ý gì trong dùng thuốc vào mùa hè?

Vì sao bệnh động kinh có xu hướng tăng nặng vào mùa hè

Động kinh có nhiều dạng, đây là một bệnh rất đa dạng và phong phú. Động kinh có nguyên nhân là tồn tại các ổ phóng điện ở trong não của bệnh nhân. Các ổ động kinh này đều rất nhạy cảm với các yếu tố vật lý bên ngoài như nhiệt độ và độ ẩm không khí, cường độ tia tử ngoại trong ánh nắng... Chính vì vậy bệnh nhân động kinh thường than phiền đau đầu, chóng mặt, hay lên cơn động kinh trước khi chúng ta nhận thấy những thay đổi của thời tiết. Các yếu tố vật lý này rất mạnh trong mùa hè, vì thế bệnh động kinh có xu hướng nặng lên về mùa hè. Hơn nữa, mùa hè bệnh nhân ra nhiều mồ hôi, uống nhiều nước khiến cho nồng độ thuốc chống động kinh trong máu của bệnh nhân giảm. Nồng độ thuốc giảm cũng là nguyên nhân khiến cơn động kinh dễ xuất hiện hơn trong mùa nắng nóng.

Tránh xa rượu, bia, uống thuốc đầy đủ, đúng giờ để điều trị bệnh động kinh hiệu quả.

Tránh xa rượu, bia, uống thuốc đầy đủ, đúng giờ để điều trị bệnh động kinh hiệu quả.

Dùng thuốc chống động kinh vào mùa hè thế nào?

Hiện nay các thuốc dùng trị động kinh rất phong phú. Các thuốc thế hệ cũ như phenobarbital (gacdenal), phenytoin (sodanton)... ra đời cách đây đã lâu, nhưng lại có nhiều tác dụng phụ như gây buồn ngủ, chậm chạp, giảm khả năng chú ý, trí nhớ và trí tuệ ở bệnh nhân, làm liệt dương ở đàn ông và lãnh cảm ở phụ nữ... Thuốc thế hệ mới như topiramate, keppra, lamotrigyl... có xu hướng ít tác dụng phụ hơn, dung nạp tốt, nhưng hiệu quả điều trị chưa chắc đã hơn các thuốc cổ điển, giá thành lại cao...

Tuy nhiên việc sử dụng loại thuốc nào (thuốc cổ điển hay thuốc mới) còn phụ thuộc vào tình trạng, đặc điểm của từng bệnh nhân, khả năng kinh tế của người bệnh mà bác sĩ chỉ định phù hợp.

Khi đã được bác sĩ  kê đơn dùng thuốc, người bệnh cần uống thuốc đúng giờ quy định, không tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc đang dùng (vì nếu dùng liều thấp hơn khuyến cáo, thì nồng độ thuốc có trong cơ thể người bệnh dưới ngưỡng tác dụng điều trị sẽ không đủ để kiểm soát cơn động kinh. Nếu dùng liều thuốc quá cao so với khuyến cáo - dùng quá liều sẽ đưa đến ngộ độc thuốc, nguy hiểm tới tính mạng).

Không được dừng bỏ thuốc, quên uống thuốc...  vì chỉ cần bỏ một lần không uống vì bất kỳ lý do gì đều có thể làm giảm nồng độ dưới ngưỡng tác dụng điều trị của thuốc. Bệnh động kinh có nguy cơ bị tái phát với mức độ nặng hơn, cơn mau hơn nếu bỏ thuốc như vậy.

Chú ý tới một số tương tác bất lợi khi dùng các thuốc khác: Một số thuốc điều trị động kinh làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai dạng hormon, làm thất bại việc tránh thai, vì vậy, nên dùng biện pháp tránh thai khác phù hợp khi dùng thuốc chống động kinh hoặc tăng liều thuốc tránh thai (theo chỉ định của bác sĩ). Ngoài ra, thuốc chống đông, steroid cũng gây tương tác bất lợi với thuốc chống động kinh khi dùng đồng thời. Ngược lại, sự ảnh hưởng của những thuốc khác lên thuốc chống động kinh thường là ức chế và có thể gây nên nồng độ độc. Vì vậy, cần thông báo cho bác sĩ điều trị khi dùng thêm bất cứ thuốc nào, kể cả thuốc Đông y trong quá trình dùng thuốc chống động kinh để tránh những tương tác thuốc gây hại và giảm hiệu quả điều trị.

Trong quá trình dùng thuốc, nếu có gì bất thường, hãy báo ngay cho bác sĩ của bạn để được tư vấn kịp thời. Nhìn chung, bệnh nhân động kinh nên tái khám hàng tháng và kiểm tra điện não đồ 3 tháng một lần (theo chỉ định của bác sĩ). Nhờ có điện não đồ, thầy thuốc sẽ dễ dàng đánh giá sự tiến triển của bệnh là tốt hay xấu, từ đó có thể điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp với tình hình hiện tại của bệnh nhân.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần chú ý các biện pháp phòng ngừa đơn giản giúp giảm thiểu tác hại của thời tiết đến bệnh động kinh như thường xuyên đội mũ khi đi ra khỏi nhà, kể cả khi trời râm, mát. Nếu chủ quan, không đội mũ khi đi ra ngoài trời, chỉ cần trời hơi hửng nắng thì bệnh nhân đã có thể cảm thấy choáng váng và đau đầu. Uống đủ nước hàng ngày không chỉ có tác dụng bổ sung nước cho cơ thể do mất nước qua mồ hôi trong mùa hè, mà còn làm ổn định nồng độ thuốc trong máu, hạn chế các biểu hiện khó chịu do tác dụng phụ của thuốc. Tránh xa các chất gây tăng nguy cơ co giật, đặc biệt là rượu, bia (mùa hè chúng ta hay uống bia với mục đích hạ nhiệt) và các nguồn ánh sáng nhấp nháy (đèn vũ trường, đèn trang trí, màn hình máy tính - chơi game), vì các nguồn ánh sáng nhấp nháy này làm tăng nguy cơ gây ra cơn động kinh.


PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103)
Ý kiến của bạn