Hà Nội

Dùng thuốc chống đông Giảm đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ

30-07-2014 17:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Rung nhĩ là một hình thái rối loạn nhịp tim nhanh, sẽ gây ra biến chứng như suy tim, đột quỵ...

Rung nhĩ là một hình thái rối loạn nhịp tim nhanh, sẽ gây ra biến chứng như suy tim, đột quỵ... Ngoài việc sử dụng thuốc để điều chỉnh lại nhịp tim thì việc dùng các thuốc chống đông sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ đột quỵ ở những bệnh nhân này.

Hệ lụy của rung nhĩ

Khi bị rung nhĩ, người bệnh có cảm giác trống ngực (thấy tim mình đập nhanh và không đều). Nếu nhịp tim quá nhanh sẽ gây triệu chứng mệt mỏi, khó thở, đuối sức, đau ngực, chóng mặt, buồn nôn, thậm chí ngất xỉu trong một vài trường hợp, hoặc có thể không có triệu chứng. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của rung nhĩ là có thể dẫn tới sự hình thành của các cục máu đông trong tim, những cục máu này có thể đi lên não và gây đột quỵ. Đây là một biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, rung nhĩ làm giảm chức năng tim nên có thể làm nặng thêm bệnh tim thực tổn hay suy tim.

Điện tâm đồ nhịp tim bình thường và nhịp tim trong bệnh rung nhĩ.

Điện tâm đồ nhịp tim bình thường và nhịp tim trong bệnh rung nhĩ.

Rung nhĩ có thể xuất hiện mà không do bất kỳ một bệnh lý tim mạch thực tổn nào. Tuy nhiên, thường gặp hơn ở người mắc một bệnh lý tim mạch nào đó nhất là người cao tuổi bị xơ vữa động mạch, tăng huyết áp hay những người mắc bệnh van tim. Ít phổ biến hơn, rung nhĩ ở người mắc bệnh phổi mạn tính tắc nghẽn, cường chức năng tuyến giáp hoặc một số bệnh tim bẩm sinh.

Trong phần lớn các trường hợp rung nhĩ, thuốc trợ tim digitalis và thuốc chẹn thụ thể bêta giao cảm sẽ giúp làm tăng hiệu quả co bóp của tâm thất do làm chậm nhịp tim và có thể phục hồi được nhịp tim bình thường.

Các thuốc khác như quinidin sulfat hoặc procainamid có thể được sử dụng thay thế nếu hai thuốc trên không hiệu quả. Một vài trường hợp rung nhĩ dai dẳng được điều trị bằng shock điện - người ta dùng một dòng điện phóng vào tim khi người bệnh được giảm đau hoặc gây mê để chuyển nhịp. Khi nhịp tim đã trở về bình thường, cần tiếp tục dùng thuốc duy trì để phòng ngừa rung nhĩ tái phát, nhất là khi bệnh nền là một bệnh mạn tính không thể điều trị triệt để được.

Và lưu ý khi dùng thuốc chống đông

Ngoài việc sử dụng thuốc để điều chỉnh lại nhịp tim ở bệnh nhân rung nhĩ, song mục tiêu chính của việc điều trị là cố gắng giảm thiểu nguy cơ đột quỵ bằng cách ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông. Điều này có thể đạt được bằng cách dùng thuốc chống đông máu.

Cho đến gần đây, wafarin (được phê chuẩn năm 1954 và được tiếp thị dưới các nhãn hiệu coumadin và jantoven) là thuốc duy nhất được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn để chống đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ. Song tác dụng chống đông của wafarin cần phải được theo dõi cẩn thận bằng các xét nghiệm máu định kỳ. Nếu tác dụng này quá yếu, thuốc sẽ không thể phòng đột quỵ; nếu tác dụng quá mạnh, nó có thể gây chảy máu nhiều. Do vậy, liều dùng wafarin cần phải được điều chỉnh cẩn thận để giữ tác dụng chống đông máu ở mức độ hợp lý.

Trong vòng vài năm trở lại đây, FDA đã phê chuẩn 3 loại thuốc chống đông máu qua đường uống mới. Đó là pradaxa (dabigatran), xarelto (rivaroxaban) và eliquis (apixaban).

Cũng giống như warfarin, cả 3 loại thuốc này đều là thuốc chống đông máu có tác dụng làm giảm nguy cơ đột quỵ do rung nhĩ, song chúng cũng có nguy cơ gây chảy máu (tác dụng phụ của thuốc).

Trên cơ sở các thử nghiệm lâm sàng ở hơn 50.000 bệnh nhân trên toàn thế giới, FDA đã kết luận rằng cả 3 loại thuốc đều có tác dụng tương đương hoặc mạnh hơn wafarin trong việc ngăn đột quỵ và có nguy cơ gây chảy máu ở mức chấp nhận được. Về một khía cạnh nào đó, 3 loại thuốc mới này ít có khả năng gây chảy máu dẫn tới đột quỵ hơn wafarin - “đột quỵ xuất huyết”, một cơn đột quỵ gây ra do xuất huyết não, khác với cơn đột quỵ gây ra bởi cục máu đông đi lên não trong rung nhĩ.

Ngoài việc ít có khả năng gây đột quỵ xuất huyết, pradaxa, xarelto, và eliquis có một số điểm mạnh, bao gồm ít tương tác với thực phẩm và các thuốc khác hơn, tác dụng nhanh và không cần phải được giám sát bằng xét nghiệm máu định kỳ. Và trong khi tác dụng của các thuốc này suy yếu trong khoảng thời gian ngắn sau khi ngừng dùng thuốc, khoảng 1 ngày thì tác dụng của wafarin kéo dài trong rất nhiều ngày sau khi ngừng dùng thuốc.

Tuy nhiên, chảy máu liên quan đến thuốc chống đông máu hầu hết là không nguy hiểm. Trên thực tế, khá hiếm gặp các trường hợp chảy máu đến tử vong. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, với tất cả các loại thuốc chống đông máu dùng trên bệnh nhân rung nhĩ, lợi ích phòng ngừa đột quỵ lớn hơn nguy cơ gây xuất huyết.

Tại Mỹ, khoảng 50% trong số 3 triệu bệnh nhân rung nhĩ sử dụng thuốc chống đông máu. Những người không dùng các thuốc này hầu như không được bảo vệ khỏi nguy cơ đột quỵ cao, cho dù họ có dùng aspirin.

Phòng ngừa bệnh như thế nào?

Các phương pháp dự phòng bệnh van tim và bệnh mạch vành đều giúp làm giảm nguy cơ xuất hiện rung nhĩ. Dự phòng rung nhĩ nhiều khi không hề đơn giản nhưng một số yếu tố thuận lợi gây khởi phát rung nhĩ thì có thể kiểm soát được. Những yếu tố này bao gồm thuốc lá, cà phê và rượu. Dùng thuốc có lẽ là cách duy nhất để dự phòng rung nhĩ một khi nó đã xuất hiện. Bệnh nhân rung nhĩ cần được thầy thuốc theo dõi để có thể có được một chế độ điều trị hiệu quả và phù hợp.

DS. Hoàng Thu Thủy

 


Ý kiến của bạn