Hôn mê vì ngộ độc chì
Chị Lan, mẹ bé V. cho biết, vì con biếng ăn, tăng cân chậm so với trẻ cùng lứa tuổi, sốt ruột nên khi nghe lời mách mua thuốc cam về pha với nước cơm cho con uống sẽ kích thích ăn uống, tăng cân. Chị liền mua 1 lạng thuốc cam về cho con uống với nước cơm trong một tháng liên tục. Tuy nhiên, trong khi cân nặng của bé V. chưa thấy tăng, chị Lan lại thấy con ngày càng mệt mỏi, bỏ bú. Đến hôm 24/11, bé bỗng lên cơn co giật nửa người trái, gia đình mới vội đưa con đi khám tại BV Nhi Trung ương.
Tại đây, đang trong quá trình khám bệnh, bé V. bất ngờ lên cơn co giật toàn thân rồi rơi vào trạng thái li bì, tím tái. Bệnh nhi được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu để theo dõi. Với biểu hiện của bệnh nhi, qua khai thác bệnh nhi lại có sử dụng thuốc cam, chúng tôi nghĩ ngay đến khả năng trẻ bị ngộ độc chì nên đã làm xét nghiệm định lượng chì trong máu. Đúng như dự kiến, bệnh nhi bị ngộ độc chì rất nặng. Dù đã được điều trị tích cực bằng thở máy, chống phù não kết hợp sử dụng thuốc thải chì, tuy nhiên sau gần 3 ngày điều trị bệnh nhi vẫn chưa thoát cơn hôn mê.
Ths.BS Đào Hữu Nam, khoa Hồi sức cấp cứu- BV Nhi Trung ương cho biết, trong 2 tháng trở lại đây liên tục có trẻ phải nhập viện điều trị vì ngộ độc chì vì dùng thuốc cam. Điều đáng quan ngại là cả 3 trường hợp bệnh nhi nhập viện tại Khoa Hồi sức cấp cứu gần đây nhất đều chỉ được phát hiện nhiễm độc khi các bé đã rơi vào tình trạng nguy kịch, biểu hiện co giật, hôn mê.
Hại con vì... tin lang vườn!
Thống kê của Trung tâm chống độc- BV Bạch Mai từ tháng 01/ 2013 đến nay có 797 bệnh nhân đến khám, trong đó có 179 trẻ em ngộ độc chì. Phần lớn các bệnh nhân ngộ độc chì đều liên quan tới việc sử dụng các loại thuốc nam, thuốc cam nhằm tẩm bổ, chữa lở loét, chữa tiêu chảy, chữa các bệnh nan y. Đặc biệt với nhóm bệnh nhân trẻ em, gần như 100% trẻ đến khám đều trong tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài, nhiều bệnh lý kèm theo do ảnh hưởng của ngộ độc chì.
Đáng nói, tập quán sử dụng các loại thuốc cam để kích thích trẻ ăn uống, tẩm bổ rất phổ biến tại các miền quê. Nhiều gia đình có cháu nhỏ cứ thấy con lười ăn, lở loét, tiêu chảy… đều cho dùng thuốc cam để bé hay ăn, chóng lớn, tránh sài đẹn…
Theo TS. Phạm Duệ, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, chưa kể các đối tượng khác, chỉ tính riêng số trẻ em đến khám và điều trị tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai đã thấy mức độ nhiễm độc chì hiện kinh khủng như thế nào. BS Duệ cho biết, đa số trẻ em thuộc đối tượng trên là bị ngộ độc chì từ thuốc cam “rởm”, nghĩa là từ nguồn thuốc của các ông lang, bà mế không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy phép kinh doanh…
Đặc biệt, có gia đình ở Hải Hậu, Nam Định có tới 5 người bị ngộ độc chì, trong đó có một bệnh nhân đã tử vong tại nhà. Được biết, gia đình này mua thuốc cam bán rong uống để chữa chán ăn, loét miệng, kèm cả thuốc bôi. Sau khi sử dụng thuốc thì cả 5 người đều xuất hiện những biểu hiện như đau đầu, mệt mỏi, một trẻ nhỏ bị co giật, tím tái, tử vong không kịp đến viện. Trong danh sách 16 tỉnh, thành phố có tình trạng ngộ độc chì ở trẻ em có những địa phương tỷ lệ cực kỳ cao như: Hà Nội (53 trường hợp); Bắc Giang (34); Phú Thọ (11); Ninh Bình (9)…
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết, ngộ độc chì do thuốc cam rất phổ biến bởi người dân vẫn có thói quen dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc để bồi bổ cho trẻ tăng cân, chữa bệnh đi ngoài. Đã từng có bệnh nhi tử vong vì ngộ độc chì nặng do dùng thuốc cam trong thời gian quá dài. Với nhiều trẻ dù cứu được nhưng di chứng thần kinh thì không thể khắc phục bởi chì để lại những di chứng về thần kinh (chậm phát triển trí tuệ) thì không thể phục hồi làm trẻ mất khả năng học tập và lao động.
ThS. Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cũng khuyến cáo, các gia đình không cho con em dùng thuốc cam, thuốc tễ không rõ nguồn gốc; không chơi đồ chơi lòe loẹt không rõ xuất xứ; tránh, hạn chế tiếp xúc với những làng nghề liên quan đến tái chế vật dụng có chứa chì; không dùng sơn có chứa chì…
Dấu hiệu ngộ độc chì
- Phần lớn trẻ bị ngộ độc chì có biểu hiện bệnh rất kín đáo, rất dễ bị bỏ sót, chỉ có thể phát hiện thấy khi khám chuyên khoa kỹ lưỡng (ví dụ khám chuyên khoa tâm thần và đánh giá bằng thang điểm đánh giá phát triển tinh thần) và xét nghiệm.
Biểu hiện rõ:
- Thần kinh: hôn mê, co giật, có thể tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, liệt, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất đi các kỹ năng học được, học kém, chậm phát triển tinh thần. Khi trẻ có biểu hiện nặng trên thần kinh trung ương (hôn mê, co giật) thì 25-30% số trẻ này có di chứng (chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt) vĩnh viễn.
- Tiêu hoá: Nôn, đau bụng, chán ăn
- Máu: thiếu máu
Thái Bình
Thá