Để đạt được hiệu quả tốt nhất, cần đa trị liệu, tức là cần phối hợp nhiều hoạt chất và nhiều phương pháp khác nhau trong quá trình điều trị. Việc lựa chọn các loại mỹ phẩm chứa hoạt chất nào và phương pháp nào phù hợp cần có sự đánh giá, nhận định đúng của các bác sĩ, chuyên gia về da liễu và sự tuân thủ điều trị nghiêm ngặt của người bệnh quyết định rất nhiều đến hiệu quả điều trị.
Nám da hay còn gọi là rám má, nám má là bệnh tăng sắc tố mắc phải. Tổn thương cơ bản của bệnh là những mảng màu nâu, đen ở vùng thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, thường đối xứng. Nám da hay gặp ở hai má, môi trên, cằm, trán, có thể bị ở cả chi trên.
Các chất dùng trong điều trị nám và tàn nhang có cơ chế chính là tác động vào toàn bộ quá trình tổng hợp sắc tố melanin gây nám da. Trong các loại thuốc điều trị nám có thuốc bôi, thuốc uống và thuốc tiêm. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi xin đề cập đến các chất điều trị nám thường dùng trong các loại thuốc bôi hiện nay:
Hydroquinone (HQ)
Là hydroxyphenol có tự nhiên trong thực vật như các loại cây cà phê, việt quất. Hydroquinone có thể dùng ở nồng độ 1% đến 5%, thường dùng nhất là 2%. Hydroquinone 4% được xem là thuốc, còn hydroquinone 2% được xem là mỹ phẩm.
Hydroquinone có thể gây tác dụng phụ cấp và mạn tính. Các tác dụng phụ cấp tính thường gặp như đỏ da, nóng rát, ngứa tại chỗ, thường tự hết nhanh khi ngừng sử dụng hydroquinone vài ngày.
Các tác dụng phụ mạn tính của hydroquinone là mất sắc tố da, bạc màu móng, chậm lành vết thương, bệnh lý thần kinh,...
Vì những tác dụng phụ trên nên ở châu Âu đã cấm sử dụng hydroquinone trong mỹ phẩm, chỉ dùng theo đơn của bác sĩ da liễu. Do vậy, khi muốn điều trị nám, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế có chuyên môn về da liễu - thẩm mỹ để có phác đồ điều trị chuẩn và theo dõi sát sao trong quá trình điều trị.
Bôi thuốc trị nám da cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ da liễu.
Kojic acid (KJO)
Kojic acid được chiết xuất từ nấm Aspergillus thường gặp ở châu Á. Nồng độ an toàn của kojic acid để bôi lên mặt và tay là 1%. Các tác dụng phụ có thể gặp khi dùng kojic acid như đỏ da, căng rát, châm chích và ngứa... Vì vậy khi điều trị lâu dài kojic acid cần kết hợp thêm các chất làm giảm kích ứng trên da.
Arbutin (ARB)
Tuy hiệu quả làm trắng thấp hơn hydroquinone nhưng arbutin an toàn hơn hydroquinone do có liên kết glycosidic làm thuốc không ngấm sâu được vào da. Châu Âu cho phép dùng arbutin để thay thế hydroquinone.
Corticosteroid
Tác dụng làm trắng da của corticosteroid nhanh nên thường bị lạm dụng cho toàn bộ cơ thể trong một thời gian dài, gây lệ thuộc corticosteroid. Đa số trong các loại “kem trộn” đều có thành phần này với hàm lượng rất cao, gây nhiều tác hại khôn lường cho làn da và cơ thể.
Khi dùng corticosteroid có thể gặp các tác dụng không mong muốn như da nhạy cảm, dễ ửng đỏ, ngứa rát, mỏng da, lộ mạch máu, teo da, phát ban mụn trứng cá, hội chứng Cushing, tăng huyết áp...
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại kem không rõ nguồn gốc, phù hợp với tất cả loại da, khi dùng da đẹp lên rất nhanh... Vì vậy cần cảnh giác với thành phần corticosteroid có thể có trong các loại kem này.
Để chắc chắn, bạn hãy chọn những hãng mỹ phẩm lớn và có bề dày lịch sử tại Việt Nam, trên thế giới. Ngoài ra, hãy lựa chọn những nhà phân phối uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái.
Nicotinamide
Còn được gọi là niacinamide, là một dạng hoạt động của vitamin B3, ức chế sự hình thành melanin, giảm thâm nám.
Lưu ý thêm là niacinamide không có tác dụng phụ nhưng nó cũng có thể xuất hiện cảm giác hơi châm chích ở những làn da nhạy cảm. Trong trường hợp này bạn nên dùng thêm những sản phẩm làm dịu da, giảm kích ứng.
Retinoid (RA)
Giúp làm tăng quá trình tái tạo tế bào sừng, làm phân tán các hạt melanin trong thượng bì. Retinoid còn làm giảm sự kết dính của lớp sừng, nên khi kết hợp với các chất làm trắng da khác sẽ giúp các chất làm trắng này hấp thụ vào da tốt hơn, cho kết quả làm trắng da cao hơn so với khi dùng riêng lẻ từng loại.
Ngoài ra, retinoid còn thúc đẩy chuyển hóa tế bào, sản sinh collagen giúp da khỏe mạnh và săn chắc.
Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng retinoid như: Có thể gây kích ứng da, đỏ da, bong vảy, tăng nguy cơ bỏng nắng. Vì vậy người dùng cần chủ động bảo vệ da bằng kem chống nắng và tham khảo sự tư vấn của bác sĩ để có phác đồ điều trị phù hợp với mỗi làn da và mỗi giai đoạn điều trị. Tuyệt đối không sử dụng retinoid trong thời gian mang thai vì có thể gây dị tật thai nhi, nên cần tuân thủ việc tránh thai trong thời gian điều trị nám da bằng retinoid và dùng theo chỉ định của bác sĩ da liễu.
Ngoài ra, còn có các chất như azelaic acid, alpha hydroxyl acids (AHA) cũng được sử dụng trong điều trị nám da.
Các thuốc uống và kem bôi điều trị nám hiện nay thường được kết hợp bởi nhiều chất khác nhau được lựa chọn trong các chất kể trên để tăng hiệu quả điều trị và hạn chế các tác dụng phụ.