Dùng thuốc an toàn trị các bệnh thường gặp

24-05-2017 10:19 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trong cuộc sống hàng ngày có những trục trặc về sức khỏe mà chưa cần phải đi khám ngay, có thể xử lý bằng việc dùng các thuốc không kê đơn như cảm cúm thông thường, ho, dị ứng...

Trong cuộc sống hàng ngày có những trục trặc về sức khỏe mà chưa cần phải đi khám ngay, có thể xử lý bằng việc dùng các thuốc không kê đơn như cảm cúm thông thường, ho, dị ứng... Nhưng chính những thuốc này cũng dễ gây phản ứng phụ nên phải có kiến thức để dùng thuốc an toàn.

Thuốc trị đau, sốt

Đau và sốt là các triệu chứng rất thường gặp. Các thuốc hạ sốt, giảm đau thường dùng như paracetamol (acetaminophen), aspirin... Các thuốc này có rất sẵn trong các nhà thuốc, hiệu thuốc. Điều quan trọng là dùng đúng và tránh các biến cố bất lợi có thể xảy ra do thuốc. Cụ thể:

Đối với thuốc giảm đau thông thường paracetamol, đây là thuốc dùng để hạ sốt (khi sốt trên 38,50C) và giảm đau từ nhẹ đến vừa, nhất là với những cơn đau cường độ thấp có nguồn gốc không phải nội tạng. Ở liều bình thường (liều điều trị) thuốc tương đối an toàn, nhưng khi dùng quá liều có thể gây ngộ độc, chủ yếu là gây hoại tử tế bào gan và độc với thận với các biểu hiện như buồn nôn, nôn, vã mồ hôi, khó chịu..., nặng có thể gây suy thận cấp, suy gan dẫn tới tử vong. Ngoài ngộ độc gan do dùng quá liều, thuốc có thể gây dị ứng da (sẩn ngứa, mày đay) nhưng ít gặp. Để dùng thuốc an toàn, cần dùng đúng liều (theo hướng dẫn sử dụng đi kèm thuốc) cho phù hợp với từng đối tượng, nhất là ở trẻ em (khi chức năng gan thận chưa hoàn chỉnh rất dễ bị ngộ độc). Cần đọc kỹ thành phần của thuốc trên mỗi sản phẩm để tránh dùng những sản phẩm có cùng hoạt chất một lúc (gây quá liều). Không được dùng paracetamol để tự điều trị giảm đau quá 10 ngày ở người lớn hoặc quá 5 ngày ở trẻ em, không dùng paracetamol cho người lớn và trẻ em để tự điều trị sốt cao (trên 39,50C), sốt kéo dài trên 3 ngày hoặc sốt tái phát. Không uống rượu trong khi dùng thuốc, vì sẽ tăng độc tính với gan của thuốc.Khi cho trẻ dùng thuốc ho phải đong thuốc đúng liều lượng.

Khi cho trẻ dùng thuốc ho phải đong thuốc đúng liều lượng.

Đối với thuốc aspirin (acetylsalicylic acid), đây là thuốc thuộc nhóm chống viêm không steroid, được dùng để giảm sốt và các trường hợp đau nhẹ và vừa. Tuy nhiên, bất cập của thuốc là có tỷ lệ cao về tác dụng phụ đến đường tiêu hóa, nhất là khi dùng liều cao, kéo dài với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, khó tiêu, khó chịu ở thượng vị, ợ nóng, đau dạ dày, loét dạ dày - ruột (người có tiền sử loét đường tiêu hoá hoặc loét đường tiêu hoá đang tiến triển không được dùng). Các tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương như mệt mỏi, có thể hồi phục hoàn toàn trong vòng 2 - 3 ngày sau khi ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu có các triệu chứng chóng mặt, ù tai, giảm thính lực hoặc thương tổn gan, phải ngừng thuốc. Không dùng thuốc này cho trẻ em dưới 16 tuổi, vì nguy cơ hội chứng Reye ở trẻ (đây là hội chứng nguy hiểm có liên quan đến não và gan, có nguy cơ tử vong cao).

Thuốc trị ho

Ho là triệu chứng thường gặp trong cảm lạnh, cảm cúm và trong các bệnh về đường hô hấp... Ho có ho khan và ho đờm, do đó việc dùng thuốc trong hai loại ho này là hoàn toàn khác nhau, nên người bệnh cần lưu ý.

Trong trường hợp ho khan (không có đờm) mạn tính hoặc ho khan do kích thích nhẹ ở phế quản và họng như cảm lạnh thông thường hoặc hít phải các chất kích thích... có thể dùng các thuốc như dextromethophan. Không dùng thuốc trong các trường hợp quá mẫn với thuốc và các thành phần khác của thuốc; người bệnh đang điều trị các thuốc ức chế monoaminoxydase (MAO) vì có thể gây những phản ứng nặng như sốt cao, chóng mặt, tăng huyết áp, chảy máu não, thậm chí tử vong; trẻ em dưới 2 tuổi. Một số bất lợi thường gặp khi dùng thuốc như mệt mỏi, chóng mặt, nhịp tim nhanh, buồn nôn, đỏ bừng và có thể buồn ngủ (tránh dùng cùng các thuốc ức chế thần kinh trung ương, tránh uống rượu khi dùng thuốc, tránh làm những công việc cần sự tỉnh táo).

Nếu ho có đờm (ho thường kèm với tình trạng khạc ra chất nhày hoặc đờm), thường là triệu chứng còn lại sau khi bị viêm họng, viêm xoang hay ngạt mũi... có thể dùng các thuốc sau:

Các thuốc làm long đờm như terpin benzoat, thuốc có tác dụng làm loãng đờm giúp dễ khạc đờm ra ngoài. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng phụ gây buồn nôn, nôn, kích ứng dạ dày...

Các thuốc làm tan đờm (acetylcystein, bromhexin...): Thường được dùng khi đờm đặc, quánh.Tuy nhiên, đối với người loét dạ dày tá tràng cần thận trọng khi dùng các thuốc này. Buồn nôn, nôn là những bất lợi có thể xảy ra. Cần đề phòng tắc nghẽn phế quản ở người không có khả năng tự tống đờm ra ngoài như người già, người có phản xạ ho giảm, trẻ nhỏ... (vì đờm tiết ra không khạc được ra ngoài có thể gây ùn tắc làm tắc đường hô hấp).

Lưu ý: Không dùng chất ức chế ho (giảm ho) trong trường hợp ho có đờm vì chúng sẽ làm tích tụ chất đờm trong phổi tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Không dùng phối hợp một thuốc giảm ho với một thuốc làm long đờm. Do tác dụng ức chế ho nên thuốc giảm ho gây khó khăn cho mục đích của thuốc long đờm.

Thuốc chống dị ứng

Dị ứng có thể do thời tiết, do thức ăn, do côn trùng đốt hay viêm mũi dị ứng với các biểu hiện như mày đay, chảy nước mũi, phù mạch, phù Quincke hoặc ngứa ở người bệnh bị sởi hoặc thủy đậu... có thể dùng clorpheniramin. Trên thị trường, clorpheniramin còn được phối hợp trong một số chế phẩm để điều trị triệu chứng ho và cảm lạnh như phối hợp với paracetamol, dextromethorphan, pseudoephedrin... Không dùng thuốc cho người mẫn cảm với thuốc, người bệnh đang cơn hen cấp, người cho con bú, trẻ sơ sinh và trẻ đẻ thiếu tháng... Thuốc có thể gây ngủ gà, chóng mặt, hoa mắt, nhìn mờ và suy giảm tâm thần vận động trong một số người bệnh và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lái xe hoặc vận hành máy. Cần tránh dùng cho người đang lái xe hoặc điều khiển máy móc. Không dùng thuốc cùng với rượu và các thuốc an thần khác (vì làm tăng tác dụng an thần của thuốc).


DS. Hoàng Thị Thu Thủy
Ý kiến của bạn