Hà Nội

Dùng thảo mộc làm sạch nhà cửa đón Tết

24-12-2022 14:14 | Xã hội
google news

SKĐS - Dọn dẹp trang hoàng nhà cửa đón Tết là truyền thống của dân tộc ta. Để làm sạch không khí có thể chọn cách xông nhà bằng đốt thảo mộc hoặc đun nấu một số loại cây cỏ tạo hương thơm…


Những đóa tăm hương ở Quảng Phú Cầu "bung nở" đón TếtNhững đóa tăm hương ở Quảng Phú Cầu 'bung nở' đón Tết

SKĐS - Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, làng hương Quảng Phú Cầu lại rộn ràng vào vụ. Khắp các đường làng ngõ xóm không khó để bắt gặp hình ảnh những đóa tăm hương rực sắc đỏ "bung nở" đón năm mới.

Đốt thảo dược xông nhà, đuổi côn trùng, diệt khuẩn

Hương thơm là tinh túy của thảo dược. Thời Ai Cập cổ, người ta coi dầu thơm mang năng lượng sống mạnh gấp 100 lần các loại cỏ thuốc và đã biết dùng hương thơm thảo mộc để chống khuẩn, tác động tới cảm xúc và thể chất, để giảm đau, thư giãn hay kích thích và chữa trị.

Khi xông thảo dược, các phần tử siêu nhỏ của tinh dầu dễ dàng thâm nhập vào da, phổi rồi qua mao mạch vào hệ thống tuần hoàn. Tinh dầu trong thảo dược có chứa kháng sinh, lại có tác dụng chống nấm mốc, xua đuổi côn trùng, giúp diệt khuẩn trong không khí, tẩy uế mà còn tốt và dễ chịu cho hô hấp.

Trong nghi thức xông nhà của người Việt xa xưa, chủ nhà cầm lư hương đốt bồ kết và thảo dược đi khắp các nơi trong nhà để tẩy uế năm cũ chào đón năm mới. Xông nhà nhằm xua đi tà khí, thay đổi vận khí, làm ấm cúng trong ngôi nhà, đem lại cho gia chủ điều may mắn và đem lại đời sống tâm linh cho mỗi con người. Ngày nay, thói quen này được giải thích là bồ kết có tác dụng diệt khuẩn, có mùi thơm, tạo không khí dễ chịu cho ngôi nhà.

Quả bồ kết có vị cay, mặn, tính ôn, hơi có độc, vào kinh phế, đại tràng, có tác dụng thông khiếu, khử đờm, tiêu thũng, gây hắt hơi, dùng làm thuốc tiêu đờm, thông đại tiện, sát trùng… Mùi thơm tự nhiên của bồ kết sẽ giúp mũi thông thoáng, dễ thở. Bên cạnh đó còn khiến ruồi, muỗi, gián, kiến cũng như các loại côn trùng sẽ phải dời đi.

GS Bùi Công Hiển, nguyên giảng viên khoa Sinh học, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội, phương pháp đốt bồ kết xông khói âm ỉ, liên tục, giúp saponin và các hợp chất khác thăng hoa, lẫn trong khói, lan tỏa vào đường hô hấp, bám đọng vào niêm mạc và phát huy tác dụng chống mầm bệnh.

Dùng thảo mộc làm sạch nhà cửa đón Tết - Ảnh 2.

Xông nhà đón Tết tạo ra không gian tươi mới cho ngôi nhà để chào đón năm mới.

Khói bồ kết giúp chống suy giảm hô hấp, thở khó. Các nhóm flavonozid có trong bồ kết tham gia bảo vệ thành mao mạch, duy trì sự bền vững của mao mạch, hạn chế xuất huyết... Đây là phương pháp dân gian được lưu truyền.

Đốt bồ kết có tác dụng tạo ra hương thơm, khi hít thở thì cảm thấy dễ chịu, xua đuổi côn trùng. Về cơ bản, giúp ngôi nhà sạch đẹp hơn để đón Tết. Còn việc diệt vi khuẩn hay không thì đến nay khoa học chưa chứng minh.

"Khói bồ kết có thể làm côn trùng như ruồi, muỗi, gián sợ, do đó làm sạch môi trường sống. Bồ kết là một loại thảo một rẻ tiền, dễ kiếm, mùi hương dễ chịu nên có thể sử dụng để xông nhà đón năm mới. Có thể đốt cùng vỏ bưởi, cam, chanh, sả… để tạo mùi thơm dễ chịu. Có thể dùng một chiếc chậu để vừa đốt, vừa sưởi trong nhà, nhưng lưu ý mở cửa thoáng để tránh ngạt, tạo đường ra cho côn trùng", GS Bùi Công Hiển cho biết.

Ngoài ra người ta thường sử dụng trầm hương để xông nhà. Trầm hương là phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm trên cây thuộc họ Dó. Khi cây bị thương thì nhựa sẽ tích tụ lại quanh vết thương để bảo vệ cây. Nhựa tích tụ lâu năm sẽ sinh ra trầm với mùi thơm đặc trưng. Vì thế trầm hương là một dược liệu quý và được chế biến rất tỉ mỉ. Xông nhà bằng trầm hương không chỉ giúp thanh lọc không khí, tẩy uế mà còn tạo cảm giác chan hòa, ấm áp và đón may mắn, bình an cho cả gia đình. Chỉ cần đốt nụ trầm hương trên đĩa, để cho khi cháy nụ trầm hương tự tỏa đi khắp nhà.

Nồi nước xông nhà thảo mộc

Những loại cây dùng xông Tất niên đều có mùi thơm đặc trưng và đều là những vị thuốc tốt: trầm hương, quế, hương nhu, sả, lá bưởi, mùi ta khô nguyên rễ, cúc tần, đại bi, vùng núi có thêm lá quế… Người Việt xưa dùng nước thơm đó tắm và xông hơi nhà cửa để tẩy trừ các mệt nhọc bận rộn của những ngày giáp tết, tẩy trục khí đen đủi của năm cũ để nghênh đón năm mới tinh khôi.

Cách đơn giản để tạo ra không gian tràn đầy hương thơm là dùng một nồi nước, cho các loại nguyên liệu thảo mộc tươi hoặc khô vào nồi đung, mở vung để tinh dầu trong hơi nước bay lên khắp nhà. Các loại thảo mộc thường được dùng: bạc hà, ngải diệp, ngũ trảo, hoắc hương, đại bi, vỏ bưởi, sả, quế chi, mùi ta...

Theo GS Bùi Công Hiển, để tạo ra hương thơm dễ chịu cho mũi họng những ngày trời lạnh, nồm ẩm, có thể sử dụng bồ kết phơi khô, cây hương nhu, cây gỗ thơm, vỏ bưởi, bã mía… đốt tạo khói trong nhà. Lưu ý chỉ đốt với số lượng vừa phải để tạo ra một làn khói thoang thoảng trong nhà, tránh bị ngạt.

Có thể đốt vào thời điểm buổi chiều tối hoặc trước khi đi ngủ. Nhà sẽ có mùi thơm của tự nhiên, đồng thời ruồi, muỗi, gián, kiến cũng như các loại côn trùng sẽ không có chỗ ẩn náu và buộc phải bay ra khỏi nhà. Việc đốt bồ kết để xông mũi khi ngạt mũi, mắc bệnh cúm cũng cần lưu ý không được đốt quá liều lượng cho phép.

Theo các chuyên gia, không chỉ chờ đến Tết mới nên xông nhà mà có thể áp dụng nhiều lần trong năm, nhất là vào những ngày lạnh giá, độ ẩm quá cao. Việc làm ấm ngôi nhà, vệ sinh sạch sẽ các vật dụng, xua đuổi côn trùng, là cách tốt để tạo ra môi trường an toàn, lành mạnh cho sức khỏe các thành viên trong gia đình.

 "Nếu có điều kiện thì sử dụng trầm hương đốt âm ỉ trong nhà cũng có tác dụng thư giãn tinh thần nhất định. Hoặc có thể tự tạo ra các chế phẩm từ thảo dược rồi nghiền, viên lại để đốt cũng tốt", GS Bùi Công Hiển.

Ngoài tục xông nhà, tục xông tắm trong ngày 30 Tết đã là một phong tục đẹp, thiêng liêng của người Việt Nam mỗi khi chuẩn bị đón một năm mới đang đến gần. 

Tục xông tắm rất phổ biến ở miền Bắc, cũng là sử dụng các loại thảo mộc, nhưng xông tắm sử dụng cho chính cơ thể con người, với những ý nghĩa tương tự như xông nhà: mang đến sự sạch sẽ, may mắn, tinh thần sảng khoái, chuẩn bị cho năm mới nhiều may mắn, tục nấu lá thơm tắm tất niên như một nghi lễ "dọn mình" trước lúc xuân về.

Người xưa quan niệm mùi thơm của loại nước này sẽ đẩy lùi và rửa sạch những điều không tốt của năm cũ trên thân thể để đón chào năm mới với những điều tốt lành. Nước tắm được nấu từ cây mùi già, lá bưởi, đại bi, lá quế, xuyên tâm liên được cha ông ta dùng để tắm thơm cơ thể.

5 mẹo vệ sinh tủ lạnh siêu sạch chuẩn bị đón Tết5 mẹo vệ sinh tủ lạnh siêu sạch chuẩn bị đón Tết

SKĐS - Cuối năm, ai cũng muốn dọn dẹp mọi thứ thật sạch sẽ, tinh tươm để đón một năm mới thật hào hứng, phấn khởi. Tủ lạnh luôn là nơi khiến bạn cảm thấy căng thẳng nhất vì lưu trữ quá nhiều đồ, trong khi lại phải sử dụng liên tục.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Điều Tra Vụ Nam Sinh ĐH Công Nghiệp Hà Nội Bị Tạt Kiềm Đặc, 1 Con Mắt Mất Khả Năng Nhìn | SKĐS




Tô Hội
Ý kiến của bạn