Hà Nội

Đừng tạo thêm áp lực thi cử cho con

24-04-2014 14:43 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Có thể nói HS hiện nay đang chịu áp lực rất lớn từ học hành, thi cử. Vì vậy, nhà trường, đặc biệt gia đình không nên tạo thêm áp lực với con.

Mấy học trò cũ đến nhà tôi đều chung nỗi niềm: Bố mẹ bắt phải thi đại học với lời đe doạ: “Không đỗ thì đừng có trách!”. Các em đều tỏ ra mệt mỏi và lo lắng.

Một thực tế đáng buồn là ngay từ lớp một, các em đã chịu những sức ép của học tập. Vì vậy, khi các con hết tuổi mẫu giáo, có nghĩa là hết tuổi thơ. Nghĩ mà thương!

Cháu Lan Anh, con cô hàng xóm của tôi đang học lớp một. Cứ đón con ở trường về là bố mẹ cháu lại bắt học ngay. Tiếng quát nạt om sòm vì bao lý do. Nào chữ xấu, đọc ấp úng, chưa thuộc từ tiếng Anh, làm toán dập xoá… Có lúc cháu vừa thút thít vừa làm theo lệnh của cha mẹ. Thứ bảy, chủ nhật cháu cũng phải học. Nhìn cháu gầy yếu mà thấy xót xa! Ngành giáo dục quy định, HS tiểu học đã học bán trú thì không cho bài tập về nhà để tối các cháu nghỉ ngơi. Nhưng thực tế, tối các cháu vẫn phải làm nhiều bài tập nâng cao. Vừa rồi trên chuyến tàu Hà Nội – Hải Phòng, ngồi cạnh tôi là một phụ huynh trẻ và cô con gái học lớp một. Lên tàu một lúc, chị lôi quyển sách giáo khoa Tiếng Việt để con đọc. Chị bảo, hai ngày cuối tuần cho cháu đi chơi nhưng phải mang sách để ôn chuẩn bị thi học kỳ (?!). Có người thốt lên: “Lớp một mà lo quá thi đại học”!

Dù Bộ GDĐT quy định không cho trẻ học trước khi vào lớp 1, nhưng phụ huynh vẫn cho con đi. Nếu không khi nhập học, những cháu này sẽ thành dốt vì hầu hết các bạn đã đọc, viết được! Các cháu này cũng bị các cô giáo phàn nàn "không biết gì"(!?)

HS hiện nay đang chịu áp lực rất lớn từ học hành, thi cử. Ảnh minh hoạ.

HS hiện nay đang chịu áp lực rất lớn từ học hành, thi cử. Ảnh minh hoạ.

Các khối lớp khác cũng vậy. Nếu cháu nào học tập nghiêm túc thì mệt nhoài. Bao nhiêu bài vở phải làm, phải học thuộc, nhất là với HS cuối cấp THPT phải lo ôn thi xếp loại tốt nghiệp vừa ôn thi vào trường THPT quốc lập.

Với HS THPT vừa lo ôn thi tốt nghiệp (dù năm nay chỉ thi 4 môn có nhẹ nhàng hơn ) vừa lo ôn thi ĐH. Nhiều phụ huynh tìm thầy ép con học nhiều nơi một môn khiến các em như chong chóng. Có làm công tác giảng dạy mới thấy thương học trò. Nhiều em phờ phạc, ngơ ngác đến tội nghiệp, nhất là mùa thi (tất nhiên là những trò nghiêm túc).

Có thể nói HS hiện nay đang chịu áp lực rất lớn từ học hành, thi cử. Vì vậy, nhà trường, đặc biệt gia đình không nên tạo thêm áp lực với con. Như buộc con phải đạt điểm cao, đạt loại giỏi, phải đỗ trường này, trường kia theo kỳ vọng của cha mẹ. Các cụ đã dạy: “Liệu cơm gắp mắm, lựa con gả chồng”. Con học không khá mà bố mẹ đòi hỏi phải đỗ trường chuyên lớp chọn, hay ĐH, thậm chí trường ĐH thơm là quá sức với chúng. Vì vậy có cuộc “chạy đua” vào trường chuyên lớp chọn, hay trường công lập. Đây là một trong những lý do dẫn đến tiêu cực.

Khi con thi trượt, từ kỳ vọng thành thất vọng, nhiều phụ huynh buồn bã, than phiền, mắng nhiếc, so sánh con với bạn bè. Đó là áp lực lớn làm cho con tuyệt vọng. Điều này vô cùng nguy hại, có khi dẫn đến những hậu quả khôn lường. Thật đau xót khi có những cháu vì không đỗ ĐH hay vào THPT quốc lập như mong muốn của cha mẹ, thầy cô mà đã dại dột tìm đến cái chết! Trong và sau mùa thi, rất nhiều học trò phải vào bệnh viện điều trị vì bị tâm thần do học hành, thi cư căng thẳng. Quả là đớn đau! Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh cho người lớn.

Vì vậy, các bậc cha mẹ cần chú ý những điều sau đây: Dựa vào lực học của con mà hướng cho con cái đích phấn đấu phù hợp, không ép buộc theo chủ quan của mình. Khi con đạt kết quả học tập chưa cao, không vào được trường quốc lập hay trường chuyên lớp chọn, hoặc thi trượt đại học thì cần động viên kịp thời với tinh thần “Thất bại là mẹ thành công”. Quan trọng là phải hướng con tìm ra nguyên nhân thất bại để rút kinh nghiệm để thi lại. Có những học trò không có khả năng làm thầy nhưng lại có khiếu làm thợ thì cha mẹ hãy tôn trọng và động viên tạo điều kiện cho con thực hiện ước mơ. Tôi có một HS học lực bình thường. Em quyết định học nghề sửa chữa xe máy ở Trung tâm dạy nghề của quận. Bố mẹ em đành ngậm ngùi chấp nhận. Đỗ thủ khoa, em được tặng bộ đồ nghề ngoại trị giá tiền triệu. Bây giờ cửa hàng sửa xe máy của em nổi tiếng nên rất đông khách. Em thành tiểu chủ với gần chục thợ giỏi do em dạy.

Nước ta đang thừa thầy thiếu thợ. Đây là tư tưởng trọng bằng cấp của dân mình. Thà làm thợ giỏi còn hơn là thầy dốt. Cần hướng nghiệp cho HS và con em hiểu rõ điều ấy.

Mùa thi cử, các bậc phụ huynh hãy biến áp lực thành động lực để giúp con vựơt vũ môn và thực hiện ước mơ của mình trong tâm trạng thoải mái!

Trịnh Thị Thuận

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

 

 


Ý kiến của bạn