Dùng tam thất thế nào cho đúng?

23-08-2021 09:40 | Vị thuốc quanh ta
google news

SKĐS - Hiện nay tam thất được dùng khá rộng rãi nhưng chủ yếu theo kinh nghiệm, truyền miệng. Vì vậy để có tác dụng và hiệu quả tốt nhất người dân cần biết chính xác cách sử dụng vị thuốc này ra sao, trường hợp nào nên dùng tam thất.

Củ tam thất

Cây tam thất [Panax notogíneng (Burk.) F.H.Chen], họ nhân sâm (Araliaceae).

Theo Y học cổ truyền, rễ củ tam thất có vị ngọt, đắng, tính ấm vào kinh can, vị; hoa tam thất có vị ngọt, tính mát quy kinh can.

Rễ củ tam thất được rửa sạch, phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ 50 độ C đến 70 độ C, tán thành bột mịn. Nụ hoa tam thất phơi khô hoặc sấy khô khi sử dụng.

1. Tác dụng, cách dùng tam thất 

Tam thất – khi nào dùng và dùng như thế nào? - Ảnh 1.

Củ tam thất.

Tác dụng - chỉ định:

Rễ củ tam thất có tác dụng tán ứ, chỉ huyết, tiêu sưng, giảm đau.

Điều trị các loại chảy máu, nhất là chảy máu có ứ huyết như nôn ra máu, ho ra máu, chảy máu cam, tiểu tiện ra máu, sưng đau do chấn thương, ngực bụng đau nhói.

Hoa tam thất có tác dụng thanh nhiệt, bình can, giáng áp.

Điều trị tăng huyết áp, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, ù tai và viêm họng cấp.

Cách dùng - liều dùng:

Tam thất củ ngày dùng từ 3-9g dưới dạng thuốc bột, mỗi lần uống từ 1-3g. Ngày uống 3 lần với nước ấm.

Hoa tam thất có thể sắc nước uống hoặc hãm như trà.

Tam thất – khi nào dùng và dùng như thế nào? - Ảnh 2.

Hoa tam thất.

- Các loại xuất huyết như ho ra máu, chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu: Dùng độc vị tam thất bột hòa uống; cũng có thể phối hợp với hoa nhuỵ thạch và huyết dư thán để tăng cường tác dụng hoạt huyết cầm máu.

- Sưng nề và ứ huyết do chấn thương: Thường dùng tam thất phối hợp với đương quy, tô mộc, xuyên khung, xích thược.

- Xuất huyết đường tiêu hóa trên hay gặp trong xuất huyết dạ dày, viêm loét hành tá tràng chảy máu dùng độc vị tam thất bột mỗi lần uống 1,5g, ngày 3 lần với nước ấm.

- Sau đẻ máu ra nhiều hoặc đi ngoài ra máu trong bệnh lỵ dùng tam thất bột 4g uống với nước cơm.

Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai.

2. Một số nghiên cứu về tác dụng dược lý của tam thất

Tam thất – khi nào dùng và dùng như thế nào? - Ảnh 4.

Bột tam thất.

Theo một số tài liệu, tam thất có tác dụng hưng phấn thần kinh, tăng thể lực và chống mệt mỏi. Tác dụng này tương tự nhân sâm, nhưng tam thất lại có cả tác dụng ức chế trung khu thần kinh giúp trấn tĩnh, thúc ngủ. 

Tam thất giúp lưu thông tuần hoàn máu, giảm lượng cholesterol trong máu, hạ đường huyết, kích thích hệ miễn dịch, ức chế vi khuẩn và virus, chống sưng nề, giảm đau. 

Tam thất được dùng trong các trường hợp tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đau thắt ngực, đái tháo đường, các chấn thương sưng nề, đau nhức, viêm loét dạ dày-tá tràng.

Ngoài ra, tam thất còn được dùng điều trị hỗ trợ chống nhiễm khuẩn và làm chóng lành vết thương trước và sau phẫu thuật, dùng cho những người kém trí nhớ, ăn uống kém. 

Gần đây, tam thất được dùng trong một số trường hợp ung thư (máu, phổi, vòm họng, tiền liệt tuyến, tử cung, vú) thu được kết quả rất đáng khích lệ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tại sao bữa sáng lại là bữa ăn quan trọng nhất?


PGS.TS. Trần Thị Thu Vân
Phụ trách Bộ môn Phương tễ- Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam
Ý kiến của bạn