Đúng - sai, sai - đúng?!

29-10-2011 10:39 | Xã hội
google news

Chuyện vừa đúng vừa sai, vừa sai vừa đúng không hiếm trong cuộc sống và khi vấn đề được nêu ra không hẳn để đến kết luận cuối cùng: “vậy thì đấy là sai hay đúng?”.

Chuyện vừa đúng vừa sai, vừa sai vừa đúng không hiếm trong cuộc sống và khi vấn đề được nêu ra không hẳn để đến kết luận cuối cùng: “vậy thì đấy là sai hay đúng?”. Không đi đến kết luận cuối cùng cũng không có nghĩa là mập mờ, ba phải mà quan trọng hơn là sau những chuyện đúng - sai, sai - đúng ấy chúng ta có những bài học để bớt những chuyện sai trong xã hội.

Thời gian qua có hai chuyện liên quan tới giao thông.

Chuyện thứ nhất là chuyện một anh thanh niên đầu trọc, áo trắng, quần đùi đỏ, tay cầm điếu cày xông ra dàn xếp giao thông trên đường Trương Định (Hà Nội) được quay clip tung lên mạng gây xôn xao dư luận. Trước hết, anh đầu trọc cầm điếu cày xông ra để dẹp đường là hành động tự phát, không phải nhiệm vụ của anh. Clip tung ra cũng gây phản cảm về văn hóa với “trang phục” rất mất mỹ quan. Sau nữa, anh này có hành vi bạo lực khi cầm điếu cày “vụt thẳng cánh” vào người ở tuyến đường tắc đang tràn sang tuyến đường chiều ngược lại. Mấy anh xe máy “tràn đường” sang phía bên kia hãi hùng vội quay xe máy, có anh lao thẳng lên vỉa hè để tránh đòn. Sự xuất hiện của anh thanh niên với cách hành xử ấy rõ là sai nhưng từ việc làm sai ấy lại có một hiệu quả… đúng!  Hai dòng giao thông xuôi ngược đi đúng phần đường của mình tránh ùn tắc thêm, không gặp tình trạng “hai con dê qua cầu” đối đầu nhau trên một đoạn đường.

Từ chuyện trên, người dân mong giá thay anh “quần đùi tay cầm điếu cày” tự phát bằng công an phường khi tắc đường lại  không có CSGT chắc sẽ có việc toàn đúng. Thái độ “kiên quyết” bằng bạo lực của anh thanh niên tự phát thay bằng sự kiên quyết của người có trách nhiệm (tất nhiên công an cầm dùi cui thay điếu cày nhưng không phải để vụt vào dân) bằng biện pháp xử nghiêm, phạt nặng người lấn, cản trở  tuyến giao thông ngược chiều để bớt ách tắc chắc dân hoan nghênh hơn nhiều.

Chuyện thứ hai là chuyện Bộ trưởng GTVT cấm quan chức dưới quyền chơi golf kể cả trong ngày nghỉ để tập trung vào công việc. Lệnh cấm này được dân ủng hộ tới 85% qua việc thăm dò trên báo mạng bởi chơi golf  không sai nhưng trong tình hình hiện nay, thú chơi này tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc đối lập với cuộc sống khó khăn của đại đa số nhân  dân. Chuyện có thể đúng nhưng biện pháp cấm lại là sai vì dưới góc độ luật, dù là Bộ trưởng chỉ cấm trong nội bộ phạm vi mình quản lý cũng là vi hiến. Chuyện vi hiến hoặc cấm cán bộ làm điều mình muốn ngoài giờ làm việc là chưa đúng không phải dân không biết. Nhưng dân ủng hộ cái “sai”  trong lệnh cấm đó lại không phải vì việc chơi golf mà là thái độ với sân golf đang mọc ra như nấm hiện nay khiến người nông dân mất đất chỉ vì thú vui của một nhóm thiểu số. Cạnh đó là sự tương phản của một lối sống “trên tiền” bên cạnh sự nghèo khó của đông đảo người lao động cần lao. Giá ông Bộ trưởng không ký lệnh cấm mà để tổ chức Công đoàn trong Bộ ông chẳng hạn thuyết phục, vận động chắc sẽ toàn đúng hơn!

Qua hai câu chuyện trên mới hay dân quả là tinh tường và nhân hậu. Cái có thể sai nhưng nằm trong mục đích đúng vì lợi ích xã hội đều được thể tất. Cái đúng theo lý khô cứng không bắt đầu từ  lợi ích của dân cũng sẽ thành cái sai.

LÊ QUÝ HIỀN


Ý kiến của bạn