Hà Nội

Dùng sả thế nào cho an toàn?

27-09-2022 06:50 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Ngoài được dùng làm gia vị, sả còn là vị thuốc. Tuy nhiên, khi sử dụng sả cũng cần chú ý những vấn đề cần thiết để tránh gây hại cho sức khỏe.

1. Tác dụng của sả với sức khỏe

Cây sả được trồng phổ biến ở khắp các vùng trên đất nước, là gia vị trong nhiều món ăn. Trong y học cổ truyền, sả có vị the, cay, mùi thơm tính ấm, vào phế, tỳ, vị, có tác dụng thông tiểu, hạ khí tiêu đờm, chống viêm, sát khuẩn, làm ra mồ hôi…

photo-1664171686789

Sả có nhiều công dụng với sức khỏe nhưng không phải ai cũng dùng được.

Theo y học hiện đại, sả có các tác dụng:

1.1 Chống viêm và kháng nấm

Một nghiên cứu được thực hiện tại Khoa Hóa sinh, Khoa Y, Đại học Chiang Mai, Thái Lan cho thấy tinh dầu sả được pha loãng hoặc qua máy xông hơi có tác dụng chống viêm tại chỗ và kháng lại nấm Candida, C. Tropicalis và Aspergillus nige...

1.2 Hỗ trợ giảm cholesterol

Các nhà nghiên cứu từ Khoa Khoa học Dinh dưỡng, Đại học Wisconsin, Hoa Kỳ đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng với những người bị cholesterol cao uống viên nang 140 mg dầu sả hàng ngày. Kết quả sau 3 tháng thực hiện cho thấy, mức cholesterol của những người tham gia nghiên cứu đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, khi ngừng dùng sả, chỉ số cholesterol lại trở lại mức trước đó.

1.3 Ngăn mùi và cải thiện sự trao đổi chất của cơ thể

Hương thơm của sả kết hợp với tính kháng khuẩn, làm vô hiệu hóa các vi sinh vật gây mùi nên tinh dầu sả được sử dụng nhiều trong công nghiệp chất thơm, sản xuất nước hoa, xà phòng thơm… với mục đích kiểm soát mồ hôi quá nhiều và mùi cơ thể.

Ngoài ra, sả còn có tác dụng kích thích sự trao đổi chất của cơ thể, ngăn ngừa sự tích tụ của chất béo không mong muốn, do đó làm săn chắc cơ thể và giúp hỗ trợ giảm cân.

1.4 Giảm đau và thư giãn

Sử dụng sả có tác dụng giúp giảm đau do chứng đau nửa đầu và đau đầu liên quan đến sốt, cảm lạnh và cúm. Sả cũng được sử dụng để hỗ trợ chữa đau lưng, thấp khớp, bong gân và các chứng đau cơ thể khác.

Bên cạnh đó, sả được sử dụng trong bồn tắm hoặc qua máy xông hơi có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng đau đầu, lo lắng và căng thẳng.

1.5 Các tác dụng khác

Sả còn được dùng với mục đích cải thiện nhu động ruột, hỗ trợ trị viêm họng, viêm thanh quản, sốt, giúp ngăn ngừa lây lan các bệnh truyền nhiễm, chống ung thư, chống côn trùng…

Ở châu Á và châu Phi, sả còn được sử dụng trong y học thay thế một số loại thuốc. Ở một số nước châu Phi, sả được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.

2. Một số cách dùng sả

2.1 Pha trà sả

Giã hoặc cắt khoảng 10 lá sả thành những đoạn nhỏ dài từ 2,5-3 cm. Đun sôi nước rồi cho xả vào. Đun tiếp khoảng 10-15 phút. Sau đó lọc bỏ bã, thêm đường (tùy sở thích) và một lát gừng vừa ăn. Để nguội, uống mỗi lần một cốc, 2-3 lần mỗi ngày. Pha trà mới nếu cần thiết. Khi các triệu chứng vẫn còn hoặc xảy ra kích ứng cần ngừng dùng trà sả và hỏi ý kiến bác sĩ.

Trà sả có tác dụng hỗ trợ làm giảm căng thẳng, stress, giải độc rượu, hỗ trợ giảm cholesterol, ngăn ngừa viêm nhiễm, bảo vệ răng miệng…

Dùng sả thế nào cho an toàn - Ảnh 3.

Uống trà sả giúp thư giãn, giảm căng thẳng.

2.2 Giã lấy nước

Sả có thể ăn sống hoặc giã lấy nước uống để điều trị cảm lạnh, cảm cúm, sốt rét.

2.3 Kết hợp với các vị thuốc khác

Sả có thể được kết hợp với các vị thuốc khác để làm thuốc xông giải cảm, làm mượt tóc, sạch gàu, chữa tiêu chảy do lạnh bụng, ho do cảm cúm... theo hướng dẫn của bác sĩ.

3. Những lưu ý cần tránh để dùng sả an toàn

3.1 Trường hợp không dùng tinh dầu sả

Khi được nấu chín và chế biến đúng cách, sả đã được chứng minh là có lợi ngay cả đối với trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và cho con bú. Tuy nhiên, không nên sử dụng tinh dầu cho những trường hợp này.

Ngoài ra, với bất kỳ trường hợp nào cũng không được uống hoặc ngửi trực tiếp tinh dầu xả. Nguyên nhân sẽ ảnh hưởng đến chức năng phổi nếu ngửi trực tiếp và nguy hiểm đến tính mạng nếu uống thuốc diệt côn trùng có chứa sả.

photo-1664171690526

Trẻ em, phụ nữ có thai, cho con bú không nên dùng tinh dầu sả.

3.2 Trường hợp mắc bệnh mạn tính

Đối với những trường hợp mắc bệnh đái tháo đường, người sử dụng thuốc đái tháo đường (uống), dùng thuốc tăng huyết áp nên hạn chế sử dụng sả.

3.3 Nguy cơ dị ứng

Trong một số trường hợp hiếm hoi, tinh dầu sả đã gây ra các phản ứng dị ứng khi thoa lên da. Để giảm thiểu kích ứng da, hãy pha loãng dầu trong dầu nền như dầu cây rum hoặc dầu hạt hướng dương trước khi dùng. Như với tất cả các loại tinh dầu, chỉ nên sử dụng một lượng nhỏ và chỉ trong một thời gian nhất định.

3.4 Kích ứng mắt

Sả có thể gây kích ứng mắt. Do đó, cần tránh để sả (thảo mộc hoặc dầu) vào mắt.

3.5 Với phụ nữ có thai

Phụ nữ có thai ăn sả hay các thực phẩm chứa sả có nguy cơ gây co thắt tử cung, tăng nguy cơ sảy thai nên những trường hợp này cần đặc biệt lưu ý, không dùng quá nhiều sả.

Bên cạnh đó, sả còn có thể gây ra cảm giác bỏng rát, kích ứng da, khó chịu, phát ban và giảm lượng đường trong máu. Chính vì vậy, khi gặp phải bất kỳ biểu hiện nào khi dùng sả, trà sả, nước ép sả… thì cần ngừng lại ngay. Nếu biểu hiện ngày càng trầm trọng cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và có hướng điều trị.

Mời bạn xem tiếp video:

Bộ Y tế lập kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 6 tháng đến 5 tuổi


Lê Thu Lương
Theo medicalhealthguide
Ý kiến của bạn