Con rết được sử dụng làm thuốc từ rất lâu, với nhiều tên gọi khác nhau như: ngô công, thiên long, bạch túc trùng, bạch cước, là loài sống hoang trên mái nhà, dưới gầm tảng đá, hay các khúc gỗ mục nát... Theo kinh nghiệm trong dân gian ngâm rượu rết thường dược dùng để xoa bóp. Tuy nhiên vừa qua, một số người đã sử dụng rượu rết uống chữa bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng.
Không được tự ý dùng rượu rết để uống. |
Theo Y học cổ truyền rết có vị cay, tính ấm, có độc và đi vào kinh Can, tác dụng dược lý của rết là tức phong chỉ kinh (chống co giật), giải độc, tán kết, thông lạc, chỉ thống (cầm đau). Chủ trị các chứng kinh phong cấp hay mạn, phong đòn gánh, trúng phong, động kinh, sang độc, loa lịch ác sang, rắn độc cắn, đau đầu khó khỏi, phong thấp tý thống... Ngoài ra con rết còn dùng chữa các bệnh chữa sang trĩ đau nhức; mụn nhọt mới mọc rất tốt, nó có thể tiêu đi; trị vết sưng tấy; chữa liệt mặt; tê thấp; kinh phong; co giật...
Tuy nhiên, rết chứa protid, các loại axit amin; hai chất độc chiết được từ nọc rết dưới dạng histamin và albumin, có tính chất gần giống nọc ong, làm loãng máu; axit formic và cholesterol có thể gây tử vong. Như trường hợp vừa qua, anh Hải (TP. HCM) bị bệnh viêm khớp, nghe lời mách bảo, anh mua hai thang thuốc, trong thành phần có rết về uống. Sau một thời gian sử dụng anh thấy hoa mắt, khó thở, rơi vào tình trạng hôn mê, loạn nhịp tim. Anh Hải được đưa vào cấp cứu ở bệnh viện Thống Nhất, tại đây các bác sĩ cho biết nguyên nhân được xác định là ngộ độc, nghi ngờ do chất độc có trong con rết.
Con rết thường sống ở những nơi ẩm thấp. |
Khi bị ngộ độc bệnh nhân có các biểu hiện nhẹ thì sốt, chóng mặt, buồn nôn, nặng hơn bệnh nhân có các triệu chứng nhiễm độc biểu hiện nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, mỏi toàn thân, mạch chậm, hồi hộp, khó thở, thân nhiệt hạ, huyết áp tụt, hôn mê, nguy hiểm đến tính mạng... Vì vậy, muốn dùng các bài thuốc từ con rết cần phải thực hiện theo hướng dẫn của lương y, bác sĩ. Tuyệt đối là không đượctự sư dụng rượu rết để uống.
Bác sĩ Trần Thị Hải