Tôi năm nay 30 tuổi, vừa rồi ho, sốt và sút cân, đi khám được chẩn đoán nhiễm lao tiên phát. Trong đơn thuốc điều trị có rất nhiều loại thuốc trong đó có một loại kháng sinh là rifampicin. Tôi xin hỏi dùng thuốc này lâu ngày có ảnh hưởng gì nhiều không?
Trần Minh Hồng (Thanh Hóa)
Rifamycin là kháng sinh tự nhiên được lấy từ môi trường nuôi cấy Streptomyces mediterian, có hoạt tính kháng sinh yếu. Rifampicin là kháng sinh bán tổng hợp từ rifamycin B.
Rifampicin hấp thu tốt qua đường tiêu hóa, khả năng hấp thu trên 90%. Thức ăn làm chậm và giảm hấp thu của thuốc. Thuốc phân bố rộng rãi vào các mô và dịch cơ thể đặc biệt là phổi và dịch phế quản. Thuốc qua được nhau thai, sữa mẹ và dịch não tủy khi màng não bị viêm. Thuốc chuyển hóa ở gan, thải trừ khoảng 65% qua phân và khoảng 30% qua nước tiểu, phần còn lại thải qua mồ hôi, nước bọt, nước mắt. Sản phẩm thải trừ có màu đỏ.
Rifampicin có tác dụng tốt với các chủng vi khuẩn Mycobaccterium đặc biệt là vi khuẩn lao (Mycobaccterium tuberculosis) và vi khuẩn phong (Mycobaccterium laprae). Ngoài ra, rifampicin còn là kháng sinh phổ rộng, có tác dụng tốt với các vi khuẩn gram dương và âm (trừ cầu khuẩn đường ruột) như lậu cầu, não mô cầu liên cầu kể cả chủng kháng methicillin. Một điều đáng chú ý là kháng thuốc của các vi khuẩn lao với rifampicin thường thấp hơn các vi khuẩn khác. Vì vậy, rifampicin được chỉ định riêng cho điều trị nhiễm khuẩn lao và các nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn nhạy cảm đã kháng nhiều thuốc. Do đó hiện nay, rifampicin chủ yếu dùng điều trị mọi dạng lao (phối hợp với các thuốc khác theo phác đồ); điều trị bệnh phong (phối hợp thuốc theo phác đồ).
Tuy nhiên, khi dùng thuốc kéo dài, có một số tác dụng không mong muốn như: buồn nôn, nôn; viêm gan (nhất là người có tiền sử bệnh gan, người nghiện rượu, cao tuổi hay khi phối hợp với các thuốc cũng độc với gan). Ngoài ra có thể có các biểu hiện khác như đau đầu, mệt mỏi, ban da, thiếu máu, giảm tiểu cầu. Vì vậy thuốc không được dùng cho người suy gan nặng, rối loạn chuyển hóa porphyrin, mẫn cảm với thuốc. Thận trọng với người mang thai, nhất là 3 tháng cuối của thai kỳ vì dễ gây xuất huyết.
Trong trường hợp bạn bị nhiễm lao tiên phát, bác sĩ đã khám và chỉ định dùng thuốc, bạn cần phải tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị và tái khám định kỳ. Khi nào giảm liều hoặc dừng thuốc phải có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
BS.Vân Anh