Hiện nay, trào lưu chuyển chỉ số khối cơ thể (BMI) thành thước đo sức khỏe đang ngày tăng lên. Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (AMA) đưa ra lời khuyên không nên quá lo lắng về chỉ số BMI của bạn. Chỉ số BMI áp dụng cho dân số nói chung để chẩn đoán tình trạng béo phì, tuy nhiên ở cấp độ từng cá thể thì còn cần thêm nhiều chỉ số xét nghiệm khác.
TS. Shannon Aymes, khoa kiểm soát cân nặng tại Trường Y khoa UNC chia sẻ, để chẩn đoán béo phì, bác sĩ thường sử dụng chỉ số BMI cùng với các công cụ khác như Hệ thống phân loại béo phì Edmonton đồng thời khám kỹ bệnh nhân.
Vị bác sĩ này cho biết, béo phì cũng giống như các bệnh khác rất phức tạp và không thể đưa ra bằng một phép đo duy nhất. "Có những người có chỉ số BMI cao nhưng không hề mắc bệnh liên quan tới chuyển hóa như tăng huyết áp, ngưng thở khi ngủ hay tiểu đường type 2".
Tuy nhiên, ở một số người có chỉ số BMI tăng vừa phải do rối loạn chuyển hóa có khả năng đáp ứng tốt với giảm cân.
Kể cả việc tính toán mỡ thừa cơ thể cũng rất phức tạp. Chẳng hạn như, phụ nữ thường có nhiều mỡ cơ thể hơn nam giới, người châu Á thường có nhiều mỡ cơ thể hơn người da trắng.
Chỉ số BMI cũng có thể không phải là thước đo chính xác về sắc đẹp hay nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn bởi không tính đến vị trí tích mỡ.
GS. TS. Jamy Ard (khoa dịch tễ học và phòng bệnh tại Đại học Y Wake Forest) cho biết: "Nếu chất béo tích tụ xung quanh bụng và các cơ quan nội tạng (cơ bản còn gọi là chất béo nội tạng) thì rất tệ. Nhưng nếu mỡ ở hông, chân, đùi và mông là tốt."
Như bạn thường thấy, những người có vòng 1 và vòng 3 đầy đặn, quyến rũ là nhờ lớp mỡ ở vị trí này. Vì vậy nếu cơ thể hơi đầy đặn, tròn trịa một chút thì bạn không nên lo lắng, điều quan trọng là sức khỏe của bạn ra sao mà thôi.
Cách tính chỉ số BMI:
BMI = (cân nặng )/(chiều cao x 2) (Trong đó, chiều cao tính bằng m và cân nặng tính bằng kg)
BMI (kg/m2) | Phân loại |
< 18,5 | Thiếu cân |
18,5 – 22,9 | Bình thường |
23-24,9 | Thừa cân |
25 - 29,9 | Béo phì độ I |
≥ 30 | Béo phì độ II |
Kể cả người thuộc chủng tộc khác nhau thường có hình dáng cơ thể và vị trí tích mỡ khác nhau. Phụ nữ da đen thường tích mỡ ở quanh hông và đùi nhiều hơn so với phụ nữ da trắng.
Cùng chỉ số BMI như nhau, những ai tích mỡ ở quanh eo sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường type 2 cao hơn.
AMA gợi ý chỉ số BMI nên đi kèm với nhiều phép đo khác như chu vi vòng eo, mỡ nội tạng cũng như các yếu tố di truyền và chuyển hóa trong thước đo nguy cơ sức khỏe.
GS. TS. Willa Hsueh (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh tiểu đường và chuyển hóa tại Trung tâm Y tế Wexner, Đại học bang Ohio) cho biết: "Theo tôi, quan trọng hơn cả chỉ số BMI là liệu bệnh nhân có mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa hay không. Cần thêm các chỉ số khác như cholesterol, bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường, huyết áp cao hoặc mỡ gan dư thừa".
Khi người đi khám có chỉ số BMI cao, các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm để xác định các yếu tố nguy cơ kể trên. Nếu người bệnh có chỉ số cholesterol cao, bệnh tiểu đường, huyết áp cao hoặc thừa mỡ gan có thể làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch như đau tim, đột quỵ và suy tim. Khi đó, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị.
Theo TS. Louis Aronne - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng toàn diện tại Weill Cornell Medicine, có nhiều cách khác để đánh giá lượng mỡ trong cơ thể, tuy nhiên, những cách này không dễ dàng và chi phí không rẻ như chỉ số BMI.
Dù BMI không phải là thước đo duy nhất, nhưng nếu béo bụng hoặc các kết quả xét nghiệm cho thấy nguy cơ chuyển hóa cao, bạn nên tiến hành giảm cân, đặc biệt giảm vòng eo. Đồng thời, nhóm này đủ tiêu chuẩn để điều trị bệnh béo phì, TS. Louis Aronne cho biết.
Chỉ số BMI vẫn là một trong những thước đo cơ bản để chẩn đoán béo phì và giúp bạn điều chỉnh cân nặng, lối sống cho phù hợp. Mục tiêu là cá nhân hóa chỉ số BMI trong các quyết định của bác sĩ liên quan tới điều trị béo phì, GS. TS. Jamy Ard nói.