Dùng phần mềm "song sinh" để giăng "bẫy" lừa đảo mùa COVID-19

06-09-2021 18:31 | Pháp luật
google news

SKĐS - Cơ quan công an vừa có cảnh báo về hành vi kêu gọi đầu tư vào các công ty cung cấp sản phẩm hay dịch vụ liên quan đến dịch COVID-19 nhưng thực chất là thủ đoạn lừa đảo được các đối tượng "giăng" ra để "bẫy" người dân.

Làm giả hồ sơ để tiêm vaccine COVID-19 sẽ bị xử lý thế nào?Làm giả hồ sơ để tiêm vaccine COVID-19 sẽ bị xử lý thế nào?

SKĐS - Liên quan đến vụ việc làm giả hồ sơ để tiêm vaccine COVID-19, Công an TP Dĩ An (Bình Dương) đã tạm giữ hình sự 2 người để điều tra, làm rõ. Dưới góc độ pháp lý, luật sư khuyến cáo người dân cần nắm rõ quy định về tiêm vaccine, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng trục lợi, lừa đảo.

Theo Công an TP HCM, trong thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội, nổi lên thủ đoạn lừa đảo người dân bằng các phần mềm "song sinh". 

Các đối tượng dẫn dụ người dân đầu tư vào các công ty cung cấp sản phẩm hay dịch vụ liên quan đến phòng, chống, xét nghiệm, chữa trị COVID-19. Chúng tạo ra các phần mềm ứng dụng cho điện thoại di động (ĐTDĐ) có giao diện tương tự, thoạt nhìn có vẻ giống như các ứng dụng phổ biến dùng để theo dõi diễn biến lây lan dịch COVID-19 của các cơ quan chức năng. 

Tuy nhiên, khi người dùng tải về điện thoại cá nhân thì sẽ bị kẻ gian tấn công bởi các mã độc, thu thập thông tin cá nhân, thông tin bảo mật hay chi tiết tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng của nạn nhân, rồi chiếm đoạt tài sản.

Để tránh sập bẫy lừa đảo trên không gian mạng, Công an TP HCM khuyến cáo người dân không nên truy cập vào các đường link, trang web, phần mềm lạ. Khi phát hiện máy tính, ĐTDĐ của mình có các tập tin, đường link lạ chuyển đến thì tuyệt đối không mở ra xem, không làm theo hướng dẫn trong đó, mà cần xóa ngay khỏi thiết bị máy tính, điện thoại.

Người dân tuyệt đối không cung cấp giấy tờ tùy thân, ảnh chụp, tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cán bộ Tòa án, Viện kiểm sát, Bộ Y tế, nhân viên ngân hàng…

Công an làm việc với đối tượng sản xuất thuốc tân dược giả, lừa đảo hỗ trợ điều trị COVID-19.

Công an làm việc với đối tượng sản xuất thuốc tân dược giả, lừa đảo hỗ trợ điều trị COVID-19.

Một thủ đoạn lừa đảo khác được các đối tượng thường xuyên sử dụng tại nhiều địa phương trên cả nước đó là lợi dụng tâm lý của nhiều người dân hiện nay mong muốn có thuốc đặc trị COVID-19, các đối tượng sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá, bán những sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virus như vaccine hoặc tuyên truyền các phương thuốc, toa thuốc điều trị COVID-19 chưa được kiểm chứng, cấp phép của cơ quan chức năng.

Đáng chú ý, các đối tượng còn lập các website bán hàng trực tuyến, hội, nhóm buôn bán vật tư, trang thiết bị y tế qua mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube, Telegram...), như: khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, đồ bảo hộ, máy đo nồng độ oxy trong máu, máy tạo oxy, bình oxy, kit test nhanh COVID-19... Nếu người dân thiếu kiểm chứng, vội vàng chuyển tiền mua hàng, chúng sẽ ngắt liên lạc và không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng.

Công an TP HCM cho biết, công tác phòng ngừa, điều trị COVID-19 cần thực hiện theo hướng dẫn của ngành Y tế về danh mục các loại dược phẩm phòng ngừa, điều trị và thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ. Người dân không nên sử dụng và chia sẻ lên mạng xã hội các bài thuốc, đơn thuốc phòng ngừa, điều trị COVID-19 chưa được kiểm chứng, để không bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và tránh bị xử phạt vì đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Các thuốc điều trị COVID-19 hiện được sử dụng theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Do đó, người dân tuyệt đối không đặt mua qua mạng xã hội loại thuốc này, vì vừa phải trả giá cao mà chưa chắc đã đúng loại thuốc cần dùng, chưa kể có thể mua nhầm thuốc giả. Khi phát hiện các nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo, bán hàng giả, kém chất lượng..., người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để thụ lý giải quyết.

Theo quy định, các hành vi lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản; thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản dù dưới 2 triệu đồng, đối tượng vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 về "Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" với mức chế tài cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thông điệp 5T - "Pháo đài" chống dịch trong giãn cách xã hội.


H. Phong
Ý kiến của bạn