Dùng nước chanh trị co giật, trẻ nhập viện vì viêm phổi

17-08-2017 14:25 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Sốt cao co giật là bệnh cảnh cấp cứu thường gặp. Trung bình mỗi ngày, khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận 10 ca như vậy. Tuy nhiên, BS. Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1, cảnh báo, không ít cha mẹ xử trí sai lầm khiến trẻ nhập viện vì những di chứng của co giật như viêm phổi, dị vật đường thở.

Gần đây nhất, khoa Cấp cứu của bệnh viện cũng tiếp nhận một ca xử trí co giật sai lầm của phụ huynh, khiến bé phải điều trị dài ngày hơn.

“Khi co giật do sốt cao, các phản xạ hầu họng của bé không có, nên bất cứ dị vật gì khi đưa vào đường thở đều khiến bé dễ bị sặc. Cụ thể, cách đây 2 ngày, chúng tôi vừa tiếp nhận một ca sốt cao co giật, có di chứng viêm phổi hít. Đây là một cơn co giật lành tính, nhưng do người nhà vắt nước chanh vào miệng khi bé mất ý thức, nên gây ra những cơn ho sặc sụa. Chúng tôi phải điều trị chứng viêm phổi cho bệnh nhi này, khi lẽ ra bé không phải tốn thời gian nằm viện,” BS Phương cho biết.

Sốt cao co giật là bệnh cảnh cấp cứu thường gặp ở khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 1

Sốt cao co giật là bệnh cảnh cấp cứu thường gặp ở khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 1. (Ảnh minh họa: An Quý)

Trung bình mỗi ngày khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 1, tiếp nhận khoảng 10 ca, trong đó 7 – 8 ca là sốt cao co giật lành tính, còn lại là sốt cao co giật do các bệnh lý nguy hiểm khác như viêm não – màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi…

“Khi bé bị sốt co giật, người nhà phải xử trí để tránh di chứng do co giật. Co giật dẫn đến trẻ bị mất ý thức, phản xạ hầu họng mất đi, nên dễ bị hít sặc. Do đó, không nên đưa bất cứ dị vật nào vào miệng bé vào lúc này. Điều quan trọng nhất là phải tránh thiếu oxy lên não, bằng cách cho bé nằm đầu cao, nghiêng đầu sang một bên để tránh tắc nghẽn đường thở. Dùng vật mềm, nhỏ như cây đè lưỡi có quấn băng gạc đưa vào giữa hai hàm răng để miệng bé không bị khép kín, giúp đàm nhớt chảy ra ngoài,” BS Phương hướng dẫn.

Lứa tuổi thường gặp phải sốt cao co giật là từ 6 tháng đến 6 tuổi. Trẻ đang sốt phải hạ sốt tức thì như mặc quần áo thoáng, lau nước ấm, thuốc hạ sốt. Các cơn co giật lành tính thường ngắn, từ 1 – 2 phút; đặc biệt sau co giật bệnh nhi tỉnh táo không biến chứng. Đặc biệt đừng bao giờ để bé bị tím tái. Tím tái trên 4 phút làm não bị thiếu oxy và gây ra những di chứng do tốn thương não dù sốt cao co giật lành tính.

Còn đối với trẻ bị co giật nhưng không sốt cao, liệt nửa người, hoặc hôn mê, sau co giật mê man kéo dài 3h là những cảnh báo của bệnh lý liên quan đến thần kinh trung ương. Lúc này, phải đưa bé đến bệnh viện cấp cứu khẩn để tránh những biến chứng đáng tiếc.


An Quý
Ý kiến của bạn
Tags: