Tôi là một bác sĩ với 15 năm hành nghề, một thời gian chưa dài nhưng cũng không phải là ngắn nhưng có lẽ cũng đủ để có thể chiêm nghiệm về nghề y tôi không thể phủ nhận rằng nghề y là một nghề hay và thực sự hữu ích. Nhưng trước khi muốn bước chân vào trường y, tôi muốn các em học sinh có thể mường tượng được một số khó khăn, vất vả mà các em sẽ trải qua.
Theo đề án và cơ chế tự chủ đại học, nhiều trường đào tạo y khoa ở Việt Nam đã và sẽ tiếp tục tăng học phí. Thực ra học y khoa để trở thành bác sĩ ở Việt Nam đã, đang và sẽ tiệm cận xu hướng ở các quốc gia khác trên thế giới: Không phải là lựa chọn ưu tiên những gia đình nghèo hoặc không có nhiều điều kiện về tài chính.
Đầu tiên, muốn thành Bác sĩ phải học thật giỏi. Điểm vào trường Y ở nước ta đều là ở top trên. Trên thế giới cũng vậy, vào được trường y đều phải là những học sinh xuất sắc. Không phải là con nhà nghèo thì không thể học giỏi, nhưng học giỏi một số môn thi tốt nghiệp rồi dựa vào đó để xét tuyển vào trường Y mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ. Ngành nghề nào cũng vậy, đặc biệt là với bác sĩ, ngoài giỏi các môn Toán, Hóa, Sinh, ... rồi sau này là giỏi chuyên môn muốn phát triển tốt hơn còn phải có các kỹ năng mềm, giỏi ngoại ngữ, tin học, rồi các kiến thức xã hội khác nữa.
Thời gian học kéo dài
Học y khoa đòi hỏi mất nhiều thời gian hơn các ngành nghề khác: Học y khoa (để trở thành Bác sĩ) mất 6 năm, nếu học hệ Quân y cần tới 7 năm, trong khi cử nhân các trường khác chỉ cần 4-5 năm.
Các ngành nghề khác học xong 4-5 năm là có thể đi làm, thậm chí thu nhập đủ nuôi sống bản thân và gia đình. Trong khi đó sinh viên y khoa học xong 6 năm vẫn chưa được đi làm ngay, để có thể có được hành nghề chính thức tức là có thể "đứng mũi chịu sào" thì phải có chứng chỉ hành nghề, như vậy phải có quá trình học việc và được một cơ sở y tế xác nhận thời gian thực hành 18 tháng, hoặc chí ít là học thêm một khóa học định hướng chuyên khoa 18 tháng để vừa có thêm kiến thức và kinh nghiệm, cũng như xác nhận thời gian đủ để xin chứng chỉ hành nghề. Tân bác sĩ nào dấn thân thì học tiếp bác sĩ nội trú với chương trình hiện nay là 3 năm.
Nếu bác sĩ đã đi làm lại phải xác định tiếp tục học các chương trình sau đại học như Cao học, Bác sĩ chuyên khoa cấp I, Bác sĩ chuyên khoa cấp II hoặc Nghiên cứu sinh (Tiến sĩ). Ngoài ra là bác sĩ muốn không bị lạc hậu là phải đảm bảo quá trình học tập liên tục và suốt đời.
Trên thế giới, điển hình là ở Mỹ, muốn trở thành bác sĩ được phép hành nghề bắt buộc phải học xong chương trình bác sĩ nội trú và thi đỗ kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề, tổng cộng thời gian từ lúc bắt đầu học đại học cho đến khi tốt nghiệp tối thiểu 11 năm, thậm chí có những ngành phải học tới 13-15 năm.
Học phí cao
Học phí học đại học và sau đại học ở các trường y đều cao, nên sẽ là khó khăn cho những gia đình không có nhiều điều kiện. Ngoài học phí, sinh viên và học viên sau đại học còn phải tính toán các khoản chi khác cho sinh hoạt, cũng như sách vở, tài liệu, … ở các thành phố lớn. Ngay cả chương trình học Bác sĩ nội trú trước đây được miễn phí thì thì hiện nay học viên đều phải mất học phí, cũng là một rào cản không hề nhỏ cho những ai muốn học lên cao, nên xác định là các bác sĩ trẻ sẽ phải tiếp tục xin nguồn đầu tư từ bố mẹ và gia đình. Gia đình có con cháu học y sẽ xác định là phải nuôi con cháu mất tối thiểu 8-9 năm rồi mới được đi làm với mức thu nhập khởi đầu được coi là thấp, nhất là với thời giang và công sức bỏ ra, nên chưa thể "hồi vốn" ngay.
Học và hành nghề đều vất vả
Sinh viên y khoa phải học cả ngày (công thức quen thuộc là sáng bệnh viện chiều giảng đường hoặc ngược lại, tối lại lên thư viện hoặc giảng đường để đọc sách) cộng thêm đi trực liên miên ở các bệnh viện thực hành, trong khi đó nhiều trường khác chỉ học nửa ngày, có thực hành tốt nghiệp nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn
Nghề y học vất vả hơn nhiều trường khác, nhưng quá trình hành nghề cũng vất vả không kém. Làm việc trong điều kiện hiện nay nhất là các bệnh viện công còn nhiều thiếu thốn, căng thẳng và áp lực, buổi tối và ngày nghỉ vẫn phải đi trực, nên ít hoặc không có nhiều thời gian dành cho bản thân và gia đình. Ngoài giờ làm và ngày nghỉ nhiều bác sĩ vẫn phải tranh thủ đi làm thêm để kiếm sống.
Sau khi ra trường nếu học thêm 18 tháng rồi đi xin được việc là mất tối thiểu 8 năm, nếu học nội trú thì mất 9 năm, nhưng đi làm chỉ được mức lương bậc 1 (hệ số 2.34) thời gian đầu lương tập sự cũng chỉ được 85% lương chính thức. Bác sĩ nội trú nếu may mắn hơn thì được lương bậc 2 (hệ số 2.67). Trước đây nhiều bệnh viện chỉ cho Bác sĩ nội trú hệ số lương 2.34, bằng với các trường khác học 4 năm trong khi trong khi thời gian học gấp đôi hoặc hơn. Nên bác sĩ ở các bệnh viện công nếu thu nhập chính đáng thường là không cao, chỉ đủ sống tằn tiện. Sẽ có sự cạnh tranh không hề nhỏ từ các cơ sở y tế khối tư nhân do điều kiện làm việc tốt và thu nhập đủ để các bác sĩ trang trải cuộc sống, nếu như các bệnh viện công lập không có những thay đổi về điều kiện làm việc và cải thiện thu nhập cho nhân viên của mình.
Không phải cứ bác sĩ là sẽ giàu
Làm bác sĩ giàu không hề dễ, trừ khi phải thật giỏi, và phải hy sinh rất nhiều thời gian của cá nhân và gia đình. Thực ra không có ngành nghề nào được coi là dễ giàu hoặc nhanh giàu, nhưng nếu muốn, hãy tìm và học ngành nghề nào dễ dàng hơn nghề y. Khi bạn có điều kiện, thì bạn hoàn toàn có thể lựa chọn các dịch vụ y khoa tương xứng dù ở bất cứ bệnh viện nào, mà không nhất thiết đi đâu cũng phải tìm kiếm và nhờ vả mang tính chất cá nhân.
Cho nên cũng như học y khoa ở các nước khác trên thế giới, ngoài giỏi và niềm đam mê, thì gia đình cũng phải có điều kiện nhất định. Không nên lựa chọn y khoa mà chưa tưởng tượng hết những khó khăn khi học và hành nghề sau này, cũng không nên cho con cháu học y chỉ vì nhà mình và cả họ nhà mình chưa có ai làm nghề y để có người "nhờ vả". Thực tế bản thân mình cho thấy nhà có người làm bác sĩ cũng có khi không nhờ vả được quá nhiều. Cũng không nên cho con học y chỉ vì nghĩ rằng các bác sĩ dễ trở nên giàu có.
Bản thân tôi cũng xuất thân từ nông thôn, gia đình cũng không khá giả gì, cũng mất hơn 10 năm từ khi bước chân vào trường khi cho đến khi học xong nội trú mới có thể đi làm, đã trải qua 15 năm hành nghề nên thực sự thấm thía và thấu hiểu nếu các em các cháu muốn học y mà gia đình không sẵn sàng hoặc không có nhiều điều kiện về tài chính.
Khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, thoạt trông tưởng nhẹ nhàng, thanh thoát mà không phải vậy. Cả một trọng trách lớn lao sẽ đè nặng trên vai người bác sĩ, đòi hỏi phải có sự dấn thân, có đam mê nhất định, vì đây là một nghề liên quan trực tiếp đến tính mạng con người. Sẽ có lúc bạn thấy chán nản và không ít mệt mỏi, vì đãi ngộ còn thấp, không tương xứng với thời gian và công sức, tiền bạc mà bạn đã bỏ ra.
Nên, đừng lựa chọn học y khoa nếu như chưa tìm hiểu thực sự kỹ càng, hoặc chỉ vì thấy thích, thấy oai hoặc theo xu thế của xã hội. Hãy trao đổi thật kỹ với gia đình, nếu được, cần có sự tư vấn từ những người trong nghề, để hiểu rõ hơn trước khi ra quyết định về con đường đi sau này của bản thân.
Nhưng, nhiều khi, trở thành bác sĩ vừa là cái duyên vừa là cái nợ với nghề.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả