Hà Nội

Dùng niacin trị rối loạn mỡ máu: Các tác dụng phụ cần lưu ý

29-02-2016 08:18 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Niacin hay acid nicotinic đã được sử dụng trong điều trị rối loạn mỡ máu trong hơn 4 thập kỷ qua.

Niacin hay acid nicotinic đã được sử dụng trong điều trị rối loạn mỡ máu trong hơn 4 thập kỷ qua. Tuy niacin có các tác dụng phụ ngay khi bắt đầu sử dụng, nhưng rất có hiệu quả trong điều trị rối loạn mỡ máu, đặc biệt ở các bệnh nhân có rối loạn đa lipid. Vậy nên dùng niacin thế nào cho an toàn?

Thuốc niacin làm giảm quá trình sản xuất và giải phóng lipoprotein tỉ trọng rất thấp (VLDL). Niacin cũng làm giảm giải phóng các acid béo tự do từ mô mỡ vào vòng tuần hoàn. Ở liều điều trị, niacin giảm LDL cholesterol từ 5-25%, tăng HDL cholesterol từ 15-35% và giảm triglycerid từ 20-50%. Niacin cũng là một trong số ít các chất điều hòa lipid làm giảm lipoprotein.

Nhiều nghiên cứu cho thấy: sử dụng niacin trong liệu pháp kết hợp cho kết quả giảm tỉ lệ các biến cố tim mạch và giảm tiến triển của xơ vữa động mạch.

Chứng đỏ da xuất hiện khi bắt đầu dùng niacin.

Cách dùng thuốc an toàn

Nên dùng niacin một hoặc hai lần một ngày và dùng khi ăn để giảm các tác dụng phụ. Dạng thuốc giải phóng chậm thì chỉ cần dùng ngày một lần, loại này ít gây nóng đỏ da và có tác dụng trên lipid giống như dạng giải phóng nhanh. Bác sĩ thường cho bệnh nhân biết rằng niacin có thể gây nóng đỏ da dữ dội ngay khi bắt đầu uống thuốc. Hiện tượng nóng đỏ da được xúc tác thông qua chất trung gian hóa học là prostaglandin, nhưng nó sẽ trở nên đỡ khó chịu hơn theo thời gian dùng thuốc. Tuy nhiên, nóng đỏ da sẽ xuất hiện trở lại nếu tăng liều hoặc bệnh nhân ngưng dùng niacin trong hơn 24 giờ. Nếu bạn dùng thuốc aspirin liều thấp trước khi dùng niacin từ 30 phút đến 6 tiếng sẽ có tác dụng ngăn được phần nào tình trạng nóng đỏ da. Nhưng bạn cần biết rằng nguy cơ gây chảy máu đường tiêu hóa do dùng aspirin nhiều lần một ngày cũng là vấn đề ở một số bệnh nhân so với lợi ích thu được từ phương pháp này.

Đối với bệnh nhân rối loạn mỡ máu nặng thể hỗn hợp với đặc trưng bởi LDL cholesterol, triglycerid cao và HDL cholesterol giảm thì liệu pháp kết hợp niacin và statin là cách hiệu quả nhất để đưa tất các chỉ số lipid về mức bình thường. Sử dụng kết hợp với niacin liều thấp cùng với statin làm người bệnh dễ dung nạp hơn so với dùng niacin liều cao và có thể tăng HDL cholesterol lên 30%, giảm LDL cholesterol và tryglycerid từ 30 - 40%. Nhưng bạn cũng chú ý rằng: khi dùng kết hợp niacin và statin có thể làm tăng nguy cơ bị các bệnh về cơ nên cần được sử dụng cẩn trọng, cân nhắc giảm liều lượng và tránh sử dụng ở những bệnh nhân có bệnh gan hoặc bệnh thận nặng từ trước hoặc ở bệnh nhân đang sử dụng cùng lúc các thuốc làm tăng độc tính như cyclosporine, erythromycin. Bệnh nhân cần biết cách nhận ra các triệu chứng của bệnh về cơ và ngừng sử dụng thuốc nếu có bệnh lý cấp tính.

Các tác dụng phụ phổ biến

Mặc dù niacin được cho là thuốc có hiệu quả nhất trong việc cải thiện tình trạng rối loạn lipid máu trong cơ thể nhưng người bệnh khó có thể dung nạp do tình trạng nóng đỏ ngoài da, rối loạn tiêu hóa, với dạng giải phóng nhanh thì phải dùng nhiều liều theo đúng quy định mới cho kết quả tối ưu. Niacin có thể gây các tác dụng phụ như sau:

Đối với chuyển hóa: thuốc này có thể làm tăng nhẹ rối loạn dung nạp glucose. Nồng độ glucose huyết thanh có thể tăng đến 25% ở các bệnh nhân đái tháo đường typ 2, vì thế cần thay đổi liều thuốc điều trị đái tháo đường để kiểm soát mức tăng này. Trong nghiên cứu Đánh giá kiểm soát đái tháo đường và đánh giá hiệu quả thử nghiệm của thuốc tác dụng chậm niaspan thực hiện trên các bệnh nhân đái tháo đường typ 2 ổn định, thì mức thay đổi hemoglobin A1C trong 16 tuần ở bệnh nhân dùng giả dược khác biệt không đáng kể với bệnh nhân dùng niacin dạng giải phóng chậm. Mặt khác, mức đáp ứng của mỗi bệnh nhân thường khác nhau và một số bệnh nhân có sự gia tăng đáng kể glucose, đặc biệt ở những người kháng insulin tiềm tàng hay sử dụng liều cao niacin. Thuốc niacin cũng làm tăng nồng độ acid uric và thúc đẩy tiến triển của bệnh gout.

Ở hệ tiêu hóa: có từ 1-2% bệnh nhân có tăng men gan, song tình trạng này ít khi tiến triển thành bệnh gan mạn tính và rất hiếm khi tiến triển thành suy gan. Tuy nhiên, rối loạn chức năng gan xảy ra thường xuyên hơn ở bệnh nhân sử dụng niacin dạng giải phóng có kiểm soát ở liều cao. Thuốc niacin cũng có thể gây buồn nôn, tiêu chảy, khó tiêu, co cứng bụng, gây loét dạ dày và vàng da.

Đối với tim mạch: niacin có thể gây rung nhĩ và các rối loạn nhịp tim khác, gây tụt huyết áp ở tư thế đứng và tụt huyết áp.

Ở da: niacin có thể gây thay đổi sắc tố ngoài da (chứng gai đen), thể hiện bằng gia tăng sắc tố ở nách, bẹn và lưng. Nhưng các sắc tố này sẽ biến mất khi dừng thuốc.

Một số tác dụng phụ khác: giảm thị lực do nhiễm độc, phù điểm vàng dạng nang và đau nửa đầu. Khi gặp một hay nhiều triệu chứng tác dụng nói trên, bạn cần ngưng dùng thuốc và báo cho bác sĩ điều trị để được hướng dẫn xử lý hoặc điều trị thích hợp.


ThS. Bùi Thị Vân
Ý kiến của bạn