Dùng nhiều thuốc cùng lúc chưa hẳn là tốt

06-01-2019 06:55 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Người cao tuổi (NCT) thường bị nhiều bệnh do đó dùng nhiều thuốc. Nhưng dùng nhiều thuốc cùng lúc chưa hẳn là tốt.Dưới đây chúng tôi nêu ra một số ví dụ cụ thể.

Bất lợi khi dùng quá nhiều thuốc cùng lúc

Dễ thấy là thừa thuốc hay “xung đột” tương tác thuốc. Một vài ví dụ:

NCT bị đau dạ dày khó chịu mất ngủ.Vừa dùng thuốc giảm tiết dịch cimetidin lại vừa dùng thuốc ngủ seduxen. Cimetidin vốn có tác dụng phụ gây lú lẫn, kích động hoang tưởng, dùng seduxen sẽ làm cho tác dụng phụ này tăng lên, gây buồn ngủ  dài không chủ động được, dễ bị ngã. Trong trường hợp này, thầy thuốc thường  chỉ  dùng cemitidin; khi dịch tiết giảm, dạ dày ổn định người bệnh sẽ ngủ được mà không nhất thiết phải dùng seduxen.

NCT đang dùng thuốc trầm cảm sertralin, bị mất ngủ lại dùng thêm thuốc ngủ triazolam. Thuốc trầm cảm  sertralin ức chế các chất dẫn truyền thần kinh do đó làm tăng hợp lý lượng chất dẫn truyền thần kinh trong synap (bộ phận tiếp xúc với tế bào thần kinh, làm nhiệm vụ truyền tin) khiến cho người trầm cảm thoát khỏi tình trạng không muốn hoạt động làm việc, buồn chán… nên có thể coi thuốc làm kích thích thần kinh trung ương.

Dùng nhiều thuốc cùng lúc chưa hẳn là tốt

Trái lại, thuốc ngủ triazolam có tác dụng ức chế thần kinh trung ương.Hai thuốc có tác dụng ngược chiều, dùng cùng lúc sẽ làm mất hiệu quả của nhau. Trong trường hợp bị trầm cảm mà có thêm bị mất ngủ, thầy thuốc thường cho dùng loại thuốc trầm cảm có sẵn tính an thần hay phối hợp thuốc trầm cảm với thuốc an thần với liều thấp.

Trong một số trường hợp NCT cần dùng cùng lúc cả hai thuốc để chữa hai bệnh khác nhau thầy thuốc sẽ cân nhắc chọn các thuốc không gây tương tác, cản trở hiệu lực của nhau. Một ví dụ: NCT đang dùng huyết hạ huyết áp không được dùng các thuốc chữa hen như ephedrin, corticoid uống hay tiêm (vì các thuốc này làm tăng huyết áp) nhưng thầy thuốc có thể cho dùng cortoid hít (tác dụng tại chỗ với liều nhỏ không gây tác dụng toàn thân nên không gây tăng huyết áp).

Kết hợp không đúng sản phẩm bổ dưỡng” và thuốc chữa bệnh, gây trở ngại cho điều trị

Người bị bệnh mắt đã dùng một ngày 2 viên tobicom (1 viên chứa 2.500IU vitamin A), cùng thời gian này lại dùng thêm một ngày 1 viên pharmaton (1 viên chứa 2.664 UI vitamin A). Cộng gộp lại mỗi ngày người bệnh đã dùng 7.664 IU vitamin A. Nhu cầu mỗi ngày chỉ cần 5.000 IU vitamin A.

Nhiều nghiên cứu cho biết vitamin A dưới dạng acid retinoic có tác dụng kích thích sự hoạt động của các tế bào hủy xương giảm mật độ chất khoáng xương làm cho xương dễ gãy, đồng thời tăng sự hình thành xương màng gây nên phì đại xương. Những nghiên cứu sâu hơn cũng cho biết: người bổ sung mỗi ngày nhiều hơn 5.000IU vitamin A có mật độ xương thấp hơn 10% so với người chỉ bổ sung mỗi ngày ít hơn 5.000IU vitamin A và  có nguy cơ gãy cổ xương đùi gấp 2,1 lần so với người chỉ bổ sung mỗi ngày ít hơn 1.666 IU vitamin A.

Trong trường hợp người bệnh có nhu cầu dùng cả hai loại thuốc này, thầy thuốc cần chuyển dịch thời gian dùng mỗi loại ra xa nhau để không trùng lặp dùng vitamin A cùng lúc.

Trong khi đang dùng thuốc chữa  cao huyết áp, người bệnh lại dùng viên sủi vitamin C như một loại thuốc bổ dưỡng thậm chí dùng nhiều lần trong ngày thường xuyên như một loại thuốc giải khát. Natribicarbonat có trong viên sủi làm tăng ion Na như khi ăn mặn muối natriclorit.Ion Natri kéo ion canxi vào nội bào càng nhiều sẽ dẫn đến tình trạng co cơ.Sự co cơ thành tiểu động mạch tăng sẽ cản trở lưu thông máu gây ra tăng huyết áp.Như vậy ion natri sinh ra trong viên sủi vitamin C đã gây trở ngại cho việc dùng thuốc chữa cao huyết áp.Trong trường hợp người bệnh cao huyết áp có nhu cầu dùng vitamin C (ví dụ để chữa lở loét miệng), thầy thuốc cho dùng loại viên vitamin C không sủi (không chứa natri bacarbonat) hoặc đơn giản hơn có thể dùng các thực phẩm giàu vitamin C.

Phối hợp  nhiều thuốc cùng chữa một bệnh không tăng lợi ích mà tăng độ độc

Khi phối hợp hai thuốc cùng cơ chế dược lý để chữa một bệnh hoàn toàn không có lợi... Một thí dụ: khi nhiễm khuẩn hô hấp cấp nặng thầy thuốc đã  cho dùng amikacin với liều thích hợp đã ức chế được vi khuẩn. Tất nhiên phải dùng đủ thời gian bệnh mới lui đươc.Người bệnh sốt ruột dùng thêm cả gentamycin tiêm. Dùng thêm gentamicin tiêm không tăng thêm hiệu lực (vì riêng amikacin đã đủ ức chế vi khuẩn rồi) trong khi đó lại làm tăng thêm độ độc với thính giác gây điếc ( vì cả hai thuốc đều cùng có độc tính này).

Mặt khác cũng cần biết  có trường hợp thầy thuốc có thể cho phối hợp hai hay nhiều thuốc chữa một bệnh: Một vài ví dụ: dùng glibenclamid có cơ chế kích thích tuyến tụy và dùng meformin có cơ chế ức chế gan phóng thích glucose từ glycogen để cùng chữa đái tháo đường týp 2. Khi dùng riêng lẻ với liều cao, glibenclamid có thể gây hạ đường huyết, meformin có thể làm tăng acid lactic máu.Khi dùng phối hợp như thế mỗi loại chỉ cần dùng liều bằng khoảng 50% liều khi dùng riêng lẻ để giảm thiểu độc tính. Dùng 3 - 4 kháng sinh có cơ chế dược lý khác nhau trên vi khuẩn lao để chữa bệnh lao sẽ “cộng hợp” tác dụng kháng khuẩn của các loại kháng sinh này nên làm tăng hiệu lực chữa bệnh. Đây là các  cách phối hợp các thuốc có cơ chế dược lý khác nhau, ta cần tuân theo sự phối hợp này mà không sợ bị dùng nhiều thuốc.

Ngoài ra, người dân ta còn có thói quen “xấu”, mới dùng biệt dược này thấy chưa đỡ lại tìm ngay biệt dược khác thay thế hay dùng thêm. Một thí dụ: đang dùng thuốc hạ sốt paracetamol lại thay đổi hoặc dùng thêm panadol, thực chất cũng có chứa paracetamol và ibuprofen. Khi dùng thay ngay, paracetamol đang còn trong cơ thể, hoặc dùng cùng lúc paracetamol trong hai biệt dược nên thực tế paracetamol tăng gấp hai lần.Liều cao paracetamol có thể gây viêm gan cấp

Tăng liều dùng kéo dài theo cảm tính gây ra tai biến

Do sợ tăng đường huyết, đôi khi người bệnh tự ý tăng liều thuốc chữa đái tháo đường để phòng; việc làm này dẫn đến hạ đường huyết quá mạnh, dưới mức an toàn, sẽ gây hạ huyết áp trụy mạch. Thông thường nếu người bệnh không thay đổi chế độ ăn và dùng thuốc đúng giờ (trước hay sau bữa ăn theo hướng dẫn) sẽ không xảy ra tăng đường huyết.

Thầy thuốc thường cho thuốc hạ huyết áp xuống đến mức chấp nhận được gọi là huyết áp mục tiêu. Khi thấy  trong người khó chịu người bệnh có cảm tính là do tăng huyết áp nên tự ý tăng liều thuốc hạ huyết áp; dẫn đến tụt huyết áp quá mức có khi trụy mạch nguy hiểm. Trong trường hợp này, đôi khi người bệnh chỉ cần chọn chỗ yên tĩnh nằm nghỉ ngơi sẽ hết khó chịu.

Dùng nhiều thuốc cùng lúc chưa hẳn là tốtNCT cần khám bệnh tổng quát  theo định kỳ

Trong viêm khớp dạng thấp, chỉ khi đau đến mức không chịu được mới dùng thuốc giảm đau kháng viêm.Có người chỉ mới đau rất nhẹ đã dùng thuốc ngay; kết quả là các đợt dùng rất gần nhau.

Hay khi giảm đau giảm viêm đến mức cơ thể có thể chịu đựng được phải ngừng dùng thuốc.Có người muốn chữa khỏi hẳn bệnh (thực tế bệnh chỉ có thể ổn định nhưng không khỏi) nên cứ kéo dài thời gian dùng thuốc. Do dùng nhiều đợt quá gần nhau và dùng kéo dài kháng viêm không steroid phát sinh các tác dụng phụ sẽ viêm loét dạ dày vi thể (phải soi mới thấy, không có biểu hiện lâm sàng) về sau viêm loét dạ dày thực sự (X-quang thấy rõ, có dấu hiệu lâm sàng).

Làm thế nào để tránh dùng nhiều thuốc

NCT không được tự ý dùng thuốc, tự ý thay đổi thuốc, thay đổi cách dùng theo kinh nghiêm chữa bệnh dựa vào cảm tính chủ quan, theo mách bảo của bạn cùng bệnh (những người cùng bệnh nhưng có khi rất khác nhau về thể chất và mức độ bệnh).

NCT cần khám bệnh tổng quát  theo định kỳ (thường 6 tháng một lần) và khám bệnh theo lịch hẹn (nếu có) và khám bệnh đột xuất (khi cần thiết).

NCT  cần có  y bạ để thầy thuốc ghi chép khám chữa bệnh và lần sau thầy thuốc sẽ biết được lần trước đã khám chữa thế nào. Nếu điều kiện cho phép có thể nên có một thầy thuốc gia đình theo dõi sức khỏe.

Hiện nay các bệnh viện lớn thường có nhiều phòng khám.NCT chỉ nên khám một chuyên khoa nào đó mà mình nghi bị bệnh hoặc nên khám sức khỏe tổng quát nếu thầy thuốc thấy cần khám chữa chuyên khoa nào sẽ giới thiệu đến phòng đó.Tránh tình trạng vì ngại đi lại mà tranh thủ khám nhiều chuyên khoa, được cho nhiều đơn thuốc trong một ngày, khi về lại lúng túng không biết dùng thế nào?


DS. BÙI VĂN UY
Ý kiến của bạn