Hà Nội

Dùng nhiều acid folic: Thêm bệnh

12-02-2019 18:09 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tôi 36 tuổi, tôi đọc nhiều tài liệu có nói đến công dụng của acid folic đối với sức khỏe nên tôi có mua về dùng.

Tôi 36 tuổi, tôi đọc nhiều tài liệu có nói đến công dụng của acid folic đối với sức khỏe nên tôi có mua về dùng. Mong bác sĩ tư vấn tôi dùng acid folic như vậy có được không, nếu dùng quá nhiều acid folic có gây bệnh gì không?

Nguyễn Thị Loan (Đông Anh, Hà Nội)

Acid folic là vitamin thuộc nhóm B, là yếu tố không thể thiếu được cho tổng hợp nucleoprotein và tạo hồng cầu bình thường; thiếu acid folic gây ra thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ giống như thiếu máu do thiếu vitamin B12.

Những thực phẩm giàu acid folic.

Acid folic cần thiết cho dinh dưỡng hàng ngày của cơ thể để phục vụ các quá trình tạo mới tế bào. Nhu cầu về chất này tăng cao ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Chất này có mặt tự nhiên trong thức ăn và cũng có thể hấp thu từ thuốc uống bổ trợ. Bổ sung bằng thuốc trong các trường hợp thiếu acid folic trong chế độ ăn, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ (kém hấp thu, tiêu chảy kéo dài), người mang thai, người bệnh đang điều trị bằng các thuốc kháng acid folic như methotrexat...

Cần lưu ý tránh uống acid folic với nước trà, cà phê, rượu vì sẽ làm giảm khả năng hấp thu. Khi bổ sung viên sắt - acid folic, nhiều phụ nữ thường hay bị táo bón. Nên uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ trong thời gian dùng acid folic. Acid folic có nhiều trong các loại thực phẩm như cam, sữa, bông cải xanh, lòng đỏ trứng, đậu tương... Vì vậy, tốt nhất chị nên bổ sung acid folic thông qua đường ăn uống sẽ không sợ thừa vì thừa acid folic có thể gây ra chứng ngứa, nổi ban, mề đay và rối loạn tiêu hóa.

Trên thực tế, có thể rất nhiều người (đặc biệt là trẻ em) đã gặp các phản ứng này nhưng không biết nguyên nhân là do thừa acid folic. Tuy nhiên, cách “giải độc” chất này lại rất đơn giản. Bởi acid folic là một vitamin tan được trong nước, vì vậy, chỉ cần uống thật nhiều nước để lượng acid dư thừa được thải ra ngoài cơ thể qua đường tiểu.


BS. HOÀNG THANH SƠN
Ý kiến của bạn