Bị bão giáp trạng sau khi uống nhầm thuốc điều trị basedow
Bệnh nhân N.T.H mắc basedow 20 năm, vừa qua phải đi cấp cứu trong tình trạng: sốt cao trên 40 độ C, đổ mồ hôi nhiều; rối loạn cảm xúc, kích động, loạn thần; thở nhanh, thở gấp, tim đập nhanh, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy...
Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm độc giáp do cơn bão giáp trạng.
Khai thác bệnh sử cho thấy, bệnh nhân mắc bệnh basedow nhưng không điều trị đầy đủ và không đúng chuyên khoa... nên bệnh không ổn định, còn dẫn đến biến chứng suy tim, rung nhĩ. Gần đây, bệnh nhân tự mua thuốc berlthyrox về uống. Trong khi đó, thuốc bệnh nhân cần dùng là basethyrox. Điều này khiến bệnh nhân đã bị cơn bão giáp trạng, nhiễm độc giáp do berlthyrox.
ThS.BS. Tôn Thất Kha - Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay, thuốc basethyrox là thuốc kháng giáp tổng hợp dùng để điều trị bệnh basedow. Còn thuốc berlthyrox là thuốc thay thế hormone tuyến giáp. Nếu bệnh nhân không đọc kỹ dễ nhầm lẫn tên hai loại thuốc này, đặc biệt là người cao tuổi.
Nếu sử dụng nhầm berlthyrox cho bệnh nhân basedow sẽ làm cho tình trạng nhiễm độc giáp nặng lên, dẫn đến cơn bão giáp trạng và nguy hiểm cho tính mạng. Do đó bệnh nhân basedow cần hết sức lưu ý khi sử dụng thuốc.
Cơn bão giáp trạng hay còn gọi là cường giáp kịch phát là tình trạng nhiễm độc giáp xuất hiện kịch phát do mất bù cường giáp.
Mặc dù rất hiếm gặp, nhưng bệnh nhân lên cơn cường giáp kịch phát nếu không được điều trị kịp thời sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao.
Theo thống kê tại các trung tâm y tế hiện đại trên thế giới, đối với các trường hợp bị bão giáp trạng, tỷ lệ tử vong rất cao, lên tới khoảng 60% - 70%. Tỉ lệ tử vong càng cao nếu bệnh nhân càng được cấp cứu muộn.
Điều trị cơn bão giáp trạng như thế nào?
Theo BS. Kha, đối với bệnh nhân đang được điều trị bệnh basedow, nếu có dấu hiệu nghi ngờ gặp cơn bão giáp, cần được đưa tới bệnh viện ngay. Biểu hiện của bão giáp có thể chỉ một hoặc nhiều các biểu hiện dưới đây:
- Sốt cao, thậm chí có thể lên tới hơn 40 độ C.
- Bị kích động, lo lắng, lú lẫn, mê sảng, rối loạn tâm thần, tri giác, hôn mê.
- Nhịp tim tăng, có thể lên tới 120, thậm chí là hơn 200 lần/phút; loạn nhịp tim, trụy tim mạch...
- Đau bụng, tiêu chảy, nôn ói...
- Vàng da.
- Nhược cơ, run rẩy, đường huyết bị hạ...
Việc điều trị cấp cứu nhằm mục đích khắc phục những dấu hiệu nguy cấp để duy trì sự sống cho người bệnh.
Tại bệnh viện, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng ngay thuốc propylthiouracil hoặc methimazole để ức chế sự sản sinh hormone tại thời điểm cấp cứu. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thêm steroid hoặc kali iodid.
Nếu bệnh nhân sốt cao, mất nước, suy tim sẽ được chỉ định dùng thêm điện giải, thuốc hạ sốt, lợi tiểu và chống rối loạn nhịp tim.
Khi bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, mục tiêu điều trị là làm cho người bệnh ổn định hơn và tránh tái phát bằng thuốc ức chế tổng hợp cũng như phóng thích của loại hormone này như: thuốc kháng giáp, dung dịch iod...
Việc sử dụng iod phóng xạ chỉ được dùng trong trường hợp cần thiết nhằm phá hủy tuyến giáp bị bệnh. Phương pháp này không dùng đối với phụ nữ đang mang thai.
Thời gian điều trị kéo dài trong bao lâu còn tùy thuộc vào mức độ của bệnh và sức khỏe của mỗi cá nhân. Nếu được cấp cứu kịp thời, tình trạng bệnh có thể có tiến triển trong khoảng từ 1 tới 3 ngày thực hiện điều trị. Nếu cấp cứu muộn hoặc không được điều trị, tỉ lệ tử vong là rất cao.
Mời độc giả xem thêm video:
Nguy kịch: Tự ý dùng thuốc hormon tuyến giáp trị bệnh Basedow.