Dũng “ Ngựa”

04-02-2014 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Họa sĩ chuyên vẽ ngựa nổi tiếng trên thế giới từ xưa đến nay có thể đếm trên đầu ngón tay. Ở Việt Nam lại càng hiếm, nếu không nói hiện chỉ có Lê Trí Dũng, một họa sĩ thành danh từ những tác phẩm về đề tài chiến tranh.

Họa sĩ chuyên vẽ ngựa nổi tiếng trên thế giới từ xưa đến nay có thể đếm trên đầu ngón tay. Ở Việt Nam lại càng hiếm, nếu không nói hiện chỉ có Lê Trí Dũng, một họa sĩ thành danh từ những tác phẩm về đề tài chiến tranh. Anh là một kỷ lục gia trong làng hội họa với hàng ngàn bức tranh ngựa, đủ loại sắc màu và chất liệu khác nhau. Ðó là một sự lạ. Chính anh cũng không hiểu vì sao mình lại vẽ nhiều tranh ngựa đến thế. Thật chẳng khác gì “Ngựa hí vang đường xa/Vọng suốt đất trời kia” trong ca khúc “Ðóa hoa vô thường” của Trịnh Công Sơn. Vì sao vậy?

Nghe chân ngựa về chốn xa

Anh kể, mình đến với ngựa như một sự tình cờ, bởi những rạn vỡ niềm tin về một người bạn. Từ đó, anh đã rời xa sự bon chen, sau 14 năm cống hiến và ngập tràn niềm hy vọng cho một tương lai tươi sáng. Nhưng rồi tất cả đã trở thành ký ức. Anh nói một cách hài hước, mình dứt đoạn thời kỳ bao cấp, với một chiếc lốp xe đạp và mười chiếc nan hoa để hóa kiếp thành họa sĩ tự do. Từ năm 1985, anh dấn thân vào một cuộc sống mới, lăn lộn với thị trường đang ngỡ ngàng trước sự manh nha của thời kỳ mở cửa. Người họa sĩ, chiến sĩ ngày nào đã vẽ tranh kiếm từng đồng tiền lẻ trong sự mưu sinh. Ròng rã hơn ngàn ngày đi gửi tranh tại 25 gallery ở Hà Nội chỉ mong sao lo đủ hai bữa ăn cho vợ con. Và tiếng chân ngựa về với anh trong nỗi cô đơn ấy.

Đó quả là câu chuyện bất ngờ, khi có một nhà sưu tầm nước ngoài đã mua bức tranh được anh vẽ từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Con ngựa Ô lấp ló phía sau hình ảnh Từ Hải và nàng Kiều, trong bức tranh “Quân doanh Từ công” đã có sức thu hút lạ kỳ. Nhà sưu tầm nói, mình mua bức tranh chính vì con ngựa quá đẹp và còn cảm ơn Lê Trí Dũng. Sự tình cờ ấy lại lóe lên như một tia chớp của một thời cơ vậy. Dũng yêu Kiều, thuộc Kiều nên mới thấm cái ngọt ngào của tiếng đàn nàng Kiều đến vậy. Và chú ngựa Ô, biểu hiện cho cái dũng của Từ Hải đã mang sự may mắn và gợi mở cho một sự nghiệp của Dũng. Thế là từ đó, cái mốc của năm 2002, Dũng vẽ ngựa và chỉ vẽ ngựa để kiếm tiền nuôi con. Sau này, có lần anh còn thốt lên với ý rằng, lũ ngựa ấy đã cứu sống mình.

Đã 12 năm qua, Tết nào Dũng cũng vẽ các con giáp tùy theo từng năm, nhưng vẫn không quên vẽ ngựa. Bởi lẽ, tranh ngựa như có duyên may với anh, nhiều người tìm đến hỏi mua. “Ngựa xa rồi người vẫn ngồi hoài giữa đêm” (Phúc âm buồn - Trịnh Công Sơn). Anh vẽ ngựa hoài là vì vậy. Chẳng dám tự khen tranh ngựa của mình đẹp hơn người nên dễ bán, nhưng phải nói ai cũng mê tranh ngựa của Dũng. Bàn về chuyện ngựa, Dũng có cái triết lý riêng, gắn bó với thân phận con người và bao nỗi niềm nảy sinh từ cuộc sống. Anh nói mình vẽ ngựa thực ra là vẽ người với mọi cung bậc tình cảm, bao nỗi trăn trở về nhân tình thế thái. Vậy nên có hình tượng ngựa thể hiện cái nghĩa, cái tình con người. Đó là tình yêu thương đồng loại, hay sự đùm bọc chở che cho những thân phận cô đơn và khổ đau. Hoặc lại có hình ngựa tượng trưng cho tiếng nói hy vọng, hay sự thảng thốt của con người, với những ẩn giấu cõi lòng... Dũng vẽ ngựa thể hiện những tâm sự trong tâm hồn mình, tựa như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã từng ca hát về ngựa, khi đang đứng trước bờ vực của sự cô đơn, “Vó ngựa trên đời hay dấu chân chim”, trong bài ca Xa dấu mặt trời. Dũng đã vẽ ngựa với cách thể hiện của cõi lòng mình, sự rung động cháy bỏng hết mình trước toan.

Có lần gặp nhau ở xưởng tranh của Dũng ở Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội, tôi ngắm bức ngựa ô mà anh giữ lại cho riêng mình, đúng với những cảm xúc huyền ảo. Cái dáng dấp ấy đúng là một Dũng ngang tàng và kiêu hãnh. Cái bờm  cuồn cuộn và vời vợi gợi hướng nội về cõi tâm linh mới thấy Dũng bay bổng, lãng mạn làm sao. Đó là bức tranh ngựa khổ lớn nhất hiện nay (2,2mx2,8m) ở lại với Dũng đánh dấu một thời kỳ rực rỡ của 12 năm “ăn” ngựa, “ngủ” ngựa là vì vậy. Anh nói mình nghiêng về hai sắc ngựa đen và trắng, cho dù hàng trăm khách hàng thường đặt anh vẽ ngựa màu đỏ hay hồng, bởi lẽ đó là điều ẩn sâu trong triết lý về số mệnh của mình. Ngay tấm danh thiếp của anh cũng vẽ ngựa màu trắng trên một nền đen thuần khiết.

Vó ngựa rộn ràng

Dũng bán được nhiều tranh ngựa như vậy có thể nói anh đã tạo nên một thị trường tranh và thương hiệu của mình khiến hàng ngàn người say mê. Trước đây, bên Tầu có một số họa sĩ lừng danh cũng chuyên vẽ ngựa như Hàn Cán (đời Đường), Lý Công Luân (đời Tống), Triệu Mạch Phú (đời Nguyên) và Từ Bi Hồng (1895-1953). Nhưng tôi đoán chắc chưa có ai vẽ được số lượng lớn và bán được nhiều tranh ngựa như họa sĩ Lê Trí Dũng. Về phong cách nghệ thuật có lẽ Lê Trí Dũng gần với Từ Bi Hồng về sự phóng khoáng, sinh động và chan chứa ý bút. Tuy nhiên, ngựa của Lê Trí Dũng có phần nghiêng về tính triết lý nhân sinh vượt qua vẻ đẹp tự nhiên vốn có trong dáng vóc của ngựa. Chính vì thế, với ngựa màu gì tranh của anh cũng có nỗi niềm được gửi gắm, khi thì bay bổng hoan ca, khi lại là nỗi dịu dàng say đắm. Hoặc có thể là sự phẫn nộ, gào thét. Nhưng có khi lại là sự ngậm ngùi cay đắng… Với cái lẽ đó mà hàng ngàn người đã mua tranh ngựa của Dũng như một sự tìm đến, sẻ chia và đồng điệu.

Nhà thơ Vũ Quần Phương, người đã từng say mê tranh ngựa của Từ Bi Hồng cũng đã bị cảm hóa bởi những hình tượng ngựa qua tranh của Lê Trí Dũng. Ông nhận ra nhiều điều từ ngôn ngữ thầm kín của sắc màu và đã làm thơ tặng họa sĩ. Đó là bài thơ đặc biệt hay viết cho một họa sĩ đặc biệt vẽ ngựa: Lòng ta thành bụi, thành trăng sáng/Núi lạ, đồng xa ta với ngươi/Bụi theo nâng vó bay ngàn dặm/Trăng rọi đường phi đến tận trời... Tri kỷ là thế. Tri âm là vậy.

Có người nói vui, Lê Trí Dũng đã bán ngựa giả để mua nhà thật, mà lại đến mấy cái nhà chứ không phải một. Tôi xác minh, Dũng gật đầu cười rồi tính thử cho tôi thấy, trung bình một năm anh vẽ ước chừng được hơn 300 bức tranh ngựa, đều bán hết. Có bức tranh anh bán được với giá cao nhất là 6.000USD. Nếu tính gọn cả 12 năm cần mẫn “chăn ngựa” thế, mà có năm còn “cháy” tranh, vậy chuyện bán tranh mua được nhà là cái chắc. Anh tâm sự và cười rất thú vị.

Ngựa hý vang - 2014

Tôi và họa sĩ Lê Trí Dũng đang mải xem những bức tranh ngựa mà anh mới vẽ xong thì bất ngờ có tiếng điện thoại reo lên. Hỏi ra mới hay, Dũng được đặt hàng làm bưu thiếp chúc năm mới cho khách hàng đặc biệt, nhưng phải có hình ngựa cho năm Giáp Ngọ này. Như vậy là đã có lần Dũng nói mình đã thấy ngựa về trong giấc mơ. Nhưng nay luôn luôn anh nghe thấy chân ngựa về trong ngôi nhà ấm cúng này. Và ở đây, cái xưởng vẽ mà anh đã ví như một trại ngựa màu hồng, đậm sắc xuân quanh năm, đem lại niềm vui cho bao người.

Đôi khi anh nghĩ, những con ngựa đã bỏ dần anh mà đi đến với muôn nhà thì cũng là niềm vui được trở lại. Nghe chân ngựa về là thế. Luôn luôn trở về. Cho là được. Đó là lời dạy của Phật. Chính vì thế chăng, gần đây tranh ngựa của Dũng thường có hoa sen bên cạnh hoặc ngựa cõng sen. Có thể, hoặc là những cánh sen cùng với hương bay lên màu từ cõi vô thường, cùng vó ngựa tung bay. Tính triết lý và tính giai điệu trong tranh ngựa của Lê Trí Dũng rất hiện thực và lại rất ám ảnh người xem như âm nhạc của Trịnh Công Sơn vậy.      

Vương Tâm


Ý kiến của bạn