Dùng nghệ thuật để hàn gắn vết thương tâm hồn

24-09-2013 07:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Trong một lần đi cùng tổ chức Sáng kiến trái tim người lính (SHI) do bác sĩ Edward Tick khởi xướng sang thăm Việt Nam (VN) với mục đích triển khai các hoạt động nhân đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, giúp đỡ nạn nhân nhiễm chất độc da cam, tới nhà hát Tuổi trẻ, Brian Delate chợt nảy ý định đưa vở kịch mình sáng tác sang biểu diễn tại đây.

Trong một lần đi cùng tổ chức Sáng kiến trái tim người lính (SHI) do bác sĩ Edward Tick khởi xướng sang thăm Việt Nam (VN) với mục đích triển khai các hoạt động nhân đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, giúp đỡ nạn nhân nhiễm chất độc da cam, tới nhà hát Tuổi trẻ, Brian Delate chợt nảy ý định đưa vở kịch mình sáng tác sang biểu diễn tại đây. Lần giao tiếp tình cờ đó cách đây đã gần 1 năm (1/2013) và đến hôm nay, dự án đã trở thành hiện thực bằng vở diễn Ngày tưởng niệm của đạo diễn Dan Bonnell do Brian và NSND Lê Khanh biểu diễn.

Những căn bệnh chỉ có thể chữa bằng sự sẻ chia

Không phải là cựu chiến binh nhưng bác sĩ Edward Tick và vợ ông đã từng tham gia biểu tình phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Với ông – cuộc chiến tranh Việt – Mỹ ngày hôm qua thật tồi tệ, người Việt cũng như người Mỹ đã phải chịu những trải nghiệm kinh hoàng. Qua những chuyến đi tới Việt Nam hàn gắn và hòa giải cùng các cựu binh khác, chính ông là người đưa ra ý tưởng văn học và cũng là chất xúc tác đưa vở Ngày tưởng niệm tới Việt Nam. Là một bác sĩ, ông đã phát hiện ra một điều rằng, với những căn bệnh về tinh thần của các cựu chiến binh từng tham gia chiến tranh tại Việt Nam thì thuốc men và các phương tiện kỹ thuật của y khoa không giúp ích gì cho họ. Ông đã tiến hành nhiều nghiên cứu để tìm ra cách chữa trị cho họ. Ông kể, cách đây 14 năm, khi dẫn các đoàn cựu binh sang thăm Việt Nam, các ông đã phát hiện ra rằng, việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam cũng như việc chữa trị các vết thương trong tâm hồn lính Mỹ là ở ngay chính đất nước Việt Nam chứ không phải Hoa Kỳ. Vì thế mà SHI hàng năm đều tổ chức cho các cựu binh Mỹ thăm Việt Nam để hàn gắn vết thương chiến tranh trong tâm hồn họ.

Bác sĩ Edward cho biết một điều thú vị rằng, mỗi lần họ đưa đoàn cựu binh sang Việt Nam, trên đất nước Việt Nam – những cựu binh Mỹ được chào đón nồng hậu, thân tình, không hề có một hành động đối nghịch nào trong suốt 14 năm qua, điều đó đã giúp ích rất nhiều cho các cựu binh Mỹ. Ông bảo rằng, chỉ 3 tuần ở Việt Nam được tìm hiểu và trò chuyện với người Việt Nam thì tác dụng chữa trị vết thương chiến tranh trong tâm hồn các cựu binh Mỹ đã hơn hẳn việc gần 40 năm qua họ được chữa trị bằng thuốc men. Bác sĩ Edward thừa nhận rằng, nếu người Mỹ cố gắng giúp người Việt Nam hàn gắn phần nào hậu quả chiến tranh thì ngược lại, người Việt Nam cũng giúp người Mỹ rất nhiều trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh trong tâm hồn họ. Ông bảo, tổ chức SHI tài trợ để mang vở kịch Ngày tưởng niệm đến Việt Nam là cách người Mỹ nói lên tiếng nói hòa bình. Những dự án nhân đạo mà các ông đang tiến hành sẽ làm cho hai dân tộc xích lại gần nhau hơn, nó như phép lạ của tình yêu, đúng như lời của Phật Thích Ca Mâu Ni: Bạo lực không bao giờ có thể chấm dứt bằng bạo lực mà chỉ có thể chấm dứt bằng tình yêu.

Dùng nghệ thuật để hàn gắn vết thương tâm hồn 1
 NSND Lê Khanh và Brian Delate. Ảnh: NH

Ngày tưởng niệm là chiếc cầu tâm linh giữa Việt Nam – Mỹ

Kịch bản Ngày tưởng niệm là bức chân dung quen thuộc về sự chịu đựng vết thương chiến tranh và đứng trên bờ vực tự sát của một cựu binh Mỹ. Brian Delate đã dùng chính câu chuyện của cuộc đời mình và một số nhân vật khác khi trải qua sự biến đổi và sám hối để viết nên vở kịch. Với sự hội tụ của một Brian – cựu chiến binh và một Brian – diễn viên, biên kịch – Ngày tưởng niệm đã trở thành một trải nghiệm sân khấu kịch có sức mạnh ghê gớm. Ở đó là sự khám phá nội tâm của một cựu chiến binh Mỹ và cuộc vật lộn đơn độc của anh với hội chứng rối loạn khủng hoảng sau sang chấn.

Brian là cựu chiến binh tham chiến tại Quảng Ngãi năm 1969 – 1970. Sau chiến tranh, Brian cũng bị mắc bệnh rối loạn khủng hoảng sau sang chấn và đã từng chôn mình trong cô đơn nhiều năm. Đặc biệt, sau sự kiện 11/9 ở Mỹ, khi chứng kiến chiếc máy bay lao vào tòa cao ốc thì Brian liên tục bị những cơn ác mộng, đặc biệt là ác mộng về thời gian ở Việt Nam. Nhiều khi muốn thoát ra khỏi cảm giác ấy để quay trở lại cuộc sống bình thường mà không thể. Rồi ông đã cố gắng bằng mọi cách tìm hiểu về chiến tranh, tìm đến với nghệ thuật để bày tỏ mình. Brian đã viết và đạo diễn bộ phim Trái tim người lính (giải thưởng Độc lập), có nhiều vai diễn trong các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, phim truyền hình, xuất hiện trên nhiều sân khấu kịch từ Broadway tới London, Hy Lạp, Việt Nam.

Thực ra, từ năm 2012 và tháng 1/2013, Brian cũng đã sang Việt Nam trong chuyến đi hàn gắn và hòa giải, đã biểu diễn những trích đoạn nhỏ từ vở kịch này trước những người từng bị coi là kẻ thù của ông tại Nhà hát Tuổi trẻ. Và ông rất ngạc nhiên trước sự phản hồi tích cực khi hầu hết khán giả Việt Nam đều nói rằng, dù được nhìn dưới quan điểm của một người Mỹ thì tính nhân văn của tác phẩm vẫn là điều có thể cảm thấy và nhận ra ở bất cứ nơi đâu. Điều này đã mở ra con đường tiến tới sự hàn gắn từ cả hai phía.

Ngày tưởng niệm trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ lần này không chỉ một mình Brian độc diễn như trước đây mà đã có sự hợp tác diễn xuất của NSND Lê Khanh. Hai nghệ sĩ tài năng đã có những trải nghiệm trong cảm xúc thật kỳ diệu. NSND Lê Khanh bày tỏ: Brian đã đến Việt Nam, vật lộn bằng nghệ thuật, nói về trải nghiệm của mình để hướng tới ngày mai. Chúng tôi sẽ cùng nhau chữa căn bệnh này.

Hai đêm diễn tối 20, 21/9 để gây quỹ cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của khán giả. Sự tham gia của NSND Lê Khanh đã giúp cho hành trình hoài niệm của nhân vật mà Brian thủ vai thật sinh động.

Tố Lan


Ý kiến của bạn