Sự biến tướng của lễ hội chọi trâu từng khiến rất nhiều người bức xúc, đến nay vẫn chưa lắng xuống. Trong buổi Tổng kết Công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 mới diễn ra tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất vẫn là lễ hội chọi trâu của các địa phương.
Biến tướng và tàn nhẫn?
Gần đây, ở Tây Nguyên, sau khi được tuyên truyền, người dân đã tình nguyện không tổ chức nghi lễ đâm trâu trong các lễ hội truyền thống. Nghi thức treo trâu đến chết ở đền Đông Cuông (Yên Bái) từng gây bức xúc dư luận cũng được thay thế bằng hình thức mổ trâu ở nơi kín đáo để tế thần. Với các lễ hội chọi trâu, Bộ VH-TT&DL đã có chủ trương không cấp phép tổ chức cho những lễ hội không có tính truyền thống, tổ chức với mục đích kinh doanh, trục lợi. Bên cạnh đó, những lễ hội chọi trâu mang tính truyền thống cũng sẽ được giám sát kỹ lưỡng hơn.
Ở Tây Nguyên, sau khi được tuyên truyền, người dân đã tình nguyện không tổ chức nghi lễ đâm trâu trong các lễ hội truyền thống.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, khi tổ chức lễ hội chọi trâu, BTC cần tăng cường lắp dựng thêm hàng rào bảo vệ trong sân, xây dựng trại trâu; thành lập hội đồng và tăng cường công tác kiểm tra chất lượng trâu tham gia lễ hội, gia cố đường thoát trâu bằng cọc sắt, thu gọn diện tích sân thi đấu; tập huấn lực lượng bắt trâu, tổ trọng tài điều hành trong sân và hai cổng thoát trâu; quy định số người dắt trâu vào sân thi đấu, vị trí của trọng tài, chủ trâu và trong quá trình thi đấu không có người đứng trong sân; đưa ra các giải pháp xử lý đối với các trâu có biểu hiện bất thường... Có như vậy mới mong những lễ hội chọi trâu sẽ quay trở về đúng với giá trị nguyên bản của nó.
Nhưng biến tướng và tàn nhẫn là điều mà người ta vẫn nhìn thấy ở những lễ hội chọi trâu gần đây. Nhiều người còn gay gắt cho rằng, những lễ hội này man rợ và mang tính bạo lực, khi lùa những con trâu ra sới đấu, những tiếng khô khốc chạm vào nhau, rồi cả trâu thắng và trâu thua đều mang ra giết thịt công khai. Giữa sân, hai “đấu sĩ” vẫn le nhau từng miếng đòn, từng cú cụng sừng, cụng đầu liên tục vang lên chát chúa. Chưa đầy 2 phút, chú trâu yếu sức hơn phải mang theo cái đầu đầy máu me chảy ròng ròng xuống cả mặt mũi, miệng thở hồng hộc bỏ chạy ra phía cổng mở, vậy mà “đấu sĩ” thắng cuộc cũng chẳng chịu tha, hăng máu đuổi theo làm đám người nhà của 2 chủ trâu liều mình băng ra chặn đầu bắt lại mà không hề sợ trâu đạp chết... Không biết, Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã Thế giới sẽ nhìn nhận và đánh giá thế nào về lễ hội chọi trâu của Việt Nam? Và trước câu hỏi “nên giữ hay bỏ lễ hội chọi trâu”, các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, chúng ta cần giải pháp chứ không nên vội vàng phát lệnh cấm.
Sự xô bồ núp sau lễ hội truyền thống
Lâu nay, lễ hội được xem như “kho báu”, di sản văn hóa mà cha ông đã để lại. Nhưng phải thừa nhận, bên cạnh việc mang lại những giá trị tốt đẹp, lễ hội bây giờ cũng xô bồ, bị biến tướng để trục lợi. Lễ hội chọi trâu ở Hải Phòng từng gắn liền với ý nghĩa phản ánh về thủy triều, để cầu sóng yên biển lặng, mưa thuận gió hòa. Trước đây, ở lễ hội chọi trâu, chỉ có con trâu thắng cuộc được cho vào lưới, đưa lên thuyền, mang ra khơi xa rồi hắt xuống để tế thần. Nhưng bây giờ người ta lại gắn với tinh thần thượng võ, mang tính kích động bạo lực, nhằm mục đích kinh doanh thịt trâu chọi. Có thể nói, điều này hoàn toàn đi ngược lại với ý nghĩa của nguyên bản lễ hội. Thật buồn khi lễ hội chọi trâu đang bị lạm dụng, phát triển tràn lan, biến tướng, phản cảm, thậm chí gây sốc.
Những sới chọi bây giờ chẳng khác đấu trường thời trung cổ; hội chọi trâu biến thành nơi bán thịt trâu chọi; dịch vụ cắt cổ... Hình ảnh đập vào mắt người xem là những màn đấu bạo lực, sừng móc vào mắt “đối phương”, máu chảy lênh láng. Hội tan là nhan nhản các sạp thịt đỏ au cả trâu thắng lẫn trâu thua. Ghê rợn là những chiếc đầu trâu được cắt rời dựng bên sạp thịt, mắt vẫn mở thao láo... Dù được gọi là một lễ hội truyền thống, nhằm tạo không khí vui vẻ cho “tháng ăn chơi”, nhưng đã xuất hiện những tranh luận xung quanh lễ hội này; đặc biệt có nhiều ý kiến phản bác, cho rằng, đây là lễ hội “phản nông nghiệp”. Bởi, cứ mỗi mùa lễ hội qua đi, lại có biết bao nhiêu con trâu không còn cơ hội được gặm cỏ, thương lắm! Còn đâu nữa những giá trị khởi nguồn tốt đẹp khi người ta xẻ thịt những “đấu sĩ” dù thắng hay thua?
Tai nạn hy hữu gây chết người tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn hồi năm ngoái vẫn khiến nhiều người rùng mình. Một nghệ nhân huấn luyện trâu chọi cho rằng, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã ăn sâu vào tâm thức người dân. Chỉ là cách tổ chức lễ hội của ban tổ chức những năm qua đã biến tướng, sai lệch với những giá trị truyền thống vốn có của lễ hội này. Nói cách khác, chọi trâu ở Hải Phòng hiện nay không phải là lễ hội mà chỉ là một trò chơi kích thích sự hiếu kỳ của con người. Nó hoàn toàn không gắn với lễ hội chọi trâu truyền thống. Một lễ hội chọi trâu truyền thống phải có sinh hoạt tâm linh, phải tái hiện được ý nghĩa sự tích chứ không phải chỉ là đem trâu ra chọi nhau để kích thích tính hiếu kỳ. Bởi thế, nếu là lễ hội kích thích sự hiếu kỳ thì nên bỏ. Còn với những lễ hội chọi trâu truyền thống thì phải nên duy trì.
Với đặc trưng là nước nông nghiệp, mong rằng sắp tới đây, không chỉ lễ hội chọi trâu mà phần lớn các lễ hội tại Việt Nam đều nhằm tôn vinh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đồng thời giáo dục con người luôn biết gìn giữ, phát huy những bản sắc văn hóa độc đáo, thể hiện sự gắn kết cộng đồng.