Hà Nội

Dùng miếng dán ngoài da trị rối loạn tăng động giảm chú ý

25-03-2022 06:16 | Thuốc mới
google news

SKĐS – Miếng dán qua da xelstrym (dextroamphetamine) vừa được cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) cho người lớn và bệnh nhi từ 6 tuổi trở lên.

1. Về chứng rối loạn tăng động giảm chú ý 

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một trong những rối loạn phát triển thần kinh phổ biến nhất, đặc trưng bởi sự kém chú ý, hiếu động thái quá và bốc đồng có thể cản trở hoạt động hoặc sự phát triển. Nó thường được chẩn đoán lần đầu tiên trong thời thơ ấu và thường kéo dài đến tuổi trưởng thành. Một số người lớn bị ADHD, nhưng chưa bao giờ được chẩn đoán. Các triệu chứng có thể gây khó khăn trong công việc, ở nhà hoặc trong các mối quan hệ. Các triệu chứng có thể thay đổi theo thời gian khi một người già đi.

Điều trị thường bao gồm điều trị bằng thuốc hướng thần, liệu pháp hành vi và các can thiệp giáo dục... Việc FDA chấp thuận miếng dán này sẽ cung cấp các lựa chọn mới cho bác sĩ lâm sàng, người chăm sóc và bệnh nhân trong điều trị tình trạng này.

photo-1648126161098

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một trong những rối loạn phát triển thần kinh phổ biến nhất, đặc trưng bởi sự kém chú ý, hiếu động thái quá và bốc đồng...

2. Thuốc xelstrym là gì?

Xelstrym chứa amphetamine, là một loại thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương. Đây là miếng dán thẩm thấu qua da đầu tiên và duy nhất được FDA chấp thuận để điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở người lớn và trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Thuốc dùng một lần/ngày, được dán 2 giờ trước khi cần có hiệu ứng và loại bỏ trong vòng 9 giờ sau khi dán.

Xelstrym sẽ có sẵn ở các liều lượng 4,5 mg/9 giờ, 9 mg/9 giờ, 13,5 mg/9 giờ và 18 mg/9 giờ. Việc chuẩn độ liều lượng và liều lượng cuối cùng nên được cá nhân hóa tùy thuộc vào đáp ứng lâm sàng và khả năng dung nạp của người bệnh.

3. Những lưu ý khi dùng thuốc

Lạm dụng và lệ thuộc: Xelstrym và các loại thuốc có chứa amphetamine khác và methylphenidate có nhiều khả năng bị lạm dụng và có thể gây ra sự lệ thuộc về thể chất và tâm lý. Bác sĩ nên kiểm tra người bệnh để tìm các dấu hiệu lạm dụng và phụ thuộc trước và trong khi điều trị bằng xelstrym.

Không sử dụng xelstrym nếu người bệnh: Dị ứng với amphetamine hoặc bất kỳ thành phần nào trong xelstrym; đang dùng hoặc đã dùng trong vòng 14 ngày qua chất ức chế monoamine oxidase (MAOI), bao gồm cả thuốc kháng sinh linezolid hoặc thuốc tiêm tĩnh mạch xanh - methylene.

photo-1648126163798

Điều trị ADHD thường bao gồm bằng thuốc hướng thần.

Xelstrym có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm: Các vấn đề liên quan đến tim như đột quỵ và đau tim ở người lớn; đột tử ở trẻ em có vấn đề về tim hoặc khuyết tật tim do tăng huyết áp và nhịp tim.

Các vấn đề về tâm thần bao gồm: Các vấn đề về hành vi và suy nghĩ mới hoặc tồi tệ hơn, bệnh lưỡng cực mới hoặc nặng hơn, các triệu chứng loạn thần mới (chẳng hạn như nghe thấy giọng nói, nhìn thấy hoặc tin những điều không có thật) hoặc các triệu chứng hưng cảm mới. Trao đổi với bác sĩ về bất kỳ vấn đề tâm thần nào mà người bệnh mắc phải…

Làm chậm tăng trưởng (chiều cao hoặc cân nặng) ở trẻ em: Trẻ em nên được kiểm tra chiều cao và cân nặng thường xuyên khi sử dụng xelstrym. Có thể ngừng điều trị nếu trẻ không phát triển hoặc tăng chiều cao hoặc cân nặng như mong đợi.

Các vấn đề về tuần hoàn ở ngón tay và ngón chân (bệnh mạch máu ngoại vi, bao gồm cả hiện tượng Raynaud): Ngón tay hoặc ngón chân có thể cảm thấy tê, mát, đau, đổi màu từ nhạt sang xanh hoặc đỏ. Trao đổi với bác sĩ nếu trẻ bị các triệu chứng trên.

Hội chứng serotonin: Các triệu chứng như kích động, tim đập nhanh, đỏ bừng, co giật, hôn mê, đổ mồ hôi, mất phối hợp, lú lẫn, chóng mặt, run, cứng cơ, co giật cơ, nhìn hoặc nghe những thứ không có thật (ảo giác)… Ngừng sử dụng thuốc và tìm trợ giúp y tế ngay nếu các triệu chứng xảy ra.

Phát ban da dị ứng (mẫn cảm khi tiếp xúc): Ngừng sử dụng xelstrym và báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu người dùng thuốc bị sưng tấy hoặc nổi mụn nước tại hoặc xung quanh vị trí bôi thuốc.

Không lái xe, vận hành máy móc hoặc làm các hoạt động cần sự tỉnh táo trong khi dùng thuốc.

Các tác dụng phụ phổ biến nhất của xelstrym bao gồm: Chán ăn, khó ngủ, đau bụng, buồn nôn,nôn, tăng huyết áp, co giật cơ (tics), cáu gắt, tăng nhịp tim

Mời độc giả xem thêm video:

Học sinh Hà Nội khi nào đi học trở lại ?


Ngọc Bích
(Theo Drugs)
Ý kiến của bạn