Dùng metformin trị đái tháo đường: Những nguy cơ cần lưu ý

01-11-2019 08:03 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Có thể nói, metformin là một trong những thuốc đầu tay cho người bệnh đái tháo đường type 2.

Bên cạnh lợi ích làm giảm lượng đường trong máu, người dùng cần biết về những nguy cơ có thể xảy ra để phòng ngừa hoặc khắc phục, giúp cho việc dùng thuốc hiệu quả và an toàn...

Metformin là một loại thuốc mà nhiều người mắc đái tháo đường type 2 được bác sĩ kê dùng để kiểm soát lượng đường trong máu. Đây là một điều trị đầu tay cho người bệnh đái tháo đường type 2 từ 10 tuổi trở lên. Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể kê toa metformin để làm giảm tác dụng phụ (tăng cân và giảm đề kháng insulin) của thuốc chống loạn thần.

Trên thị trường, metformin có mặt dưới nhiều tên sản phẩm khác nhau với nhiều hàm lượng khác nhau; có ở dạng giải phóng ngay lập tức hoặc giải phóng kéo dài; có thể đơn chất hay phối hợp với một loại thuốc trị đái tháo đường khác. Đối với dạng giải phóng kéo dài, thuốc vào máu chậm hơn và đều  đặn hơn  so với dạng phóng thích ngay lập tức. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ kê đơn dạng dùng và liều dùng phù hợp.

Dùng metformin cần chú ý tới tác dụng phụ trước mắt và lâu dài của thuốc.

Dùng metformin cần chú ý tới tác dụng phụ trước mắt và lâu dài của thuốc.

Tác dụng phụ ngắn hạn

Hầu hết những người dùng metformin, thuốc dung nạp tốt. Tuy nhiên, khoảng 30% số người gặp phải tác dụng phụ đường tiêu hóa, chẳng hạn: tiêu chảy, buồn nôn và nôn; hay một số triệu chứng như sổ mũi, đau đầu... Vì thế, các bác sĩ thường kê đơn liều metformin thấp cho những người dùng thuốc lần đầu tiên. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ tăng liều. Để ngăn ngừa hoặc hạn chế ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, người bệnh nên uống metformin trong bữa ăn.

Bên cạnh đó, một số bất lợi khác cũng có thể xảy ra như: hạ đường huyết, đổ nhiều mồ hôi, khó chịu ở ngực... Trong một số ít trường hợp, metformin có thể gây nhiễm axit lactic - một tác dụng phụ nghiêm trọng, có thể dẫn đến hạ huyết áp, nhịp tim nhanh và thậm chí tử vong. Vì thế, khi có dấu hiệu nghi ngờ đầu tiên như chuột rút, tình trạng yếu cơ, nhược cơ nặng, đau vùng bụng hoặc ngực, cần tạm dừng điều trị...

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm axit lactic: nôn, phẫu thuật, lạm dụng rượu, suy gan, suy thận, tuổi cao... Những người đang dùng metformin nên tránh tiêu thụ quá nhiều rượu vì sự kết hợp của metformin và rượu có thể làm tăng nguy cơ nhiễm axit lactic.

Tác dụng phụ lâu dài

Khi sử dụng thuốc trong một thời gian dài, metformin có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ của vitamin B12 của cơ thể. Cần theo dõi nồng độ vitamin B12 ở những người đã sử dụng metformin trên 4 tháng. Các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ bị thiếu vitamin B12: chế độ ăn ít canxi hoặc hấp thụ canxi kém, mức  vitamin B12 thấp khi bắt đầu điều trị.

Những người bị thiếu vitamin B12 có nguy cơ thiếu máu cũng như xuất hiện một số triệu chứng về thần kinh và tâm lý. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng này có thể từ mệt mỏi nhẹ đến suy yếu thần kinh nghiêm trọng.

Một số triệu chứng thiếu vitamin B12 bao gồm: thay đổi màu da, viêm lưỡi, giảm phản xạ, hay cáu gắt, giảm khứu giác, đi lại khó khăn, triệu chứng giống như mất trí nhớ... Những người đang dùng metformin sẽ được xét nghiệm máu hàng năm để theo dõi tình trạng thiếu máu.

Một số cảnh báo

Metformin không dùng cho những người bị suy thận hoặc gan nặng. Vì thế, người bệnh cần được kiểm tra chức năng thận và gan trước khi kê đơn metformin. Người nghiện rượu, nhiễm trùng nặng, suy tim, khó thở nặng, dị ứng với metformin... nếu sử dụng metformin cũng không an toàn.

Đối với những người phải chụp Xquang, MRI hoặc CT, cần nói với bác sĩ  chẩn đoán hình ảnh nếu mình đang dùng metformin vì đôi khi các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này có sử dụng các chất cản quang chứa iôt. Khi kết hợp với metformin, các tác nhân này làm tăng nguy cơ nhiễm axit lactic. Ngừng dùng metformin trước và trong vòng 48 giờ sau khi tiến hành chẩn đoán hình ảnh có sử dụng các thuốc cản quang có iốt.

Metformin có thể tương tác bất lợi với rất nhiều thuốc như: thuốc lợi tiểu, corticosteroid, thuốc tuyến giáp, thuốc uống ngừa thai, estrogen và kết hợp thuốc uống ngừa thai, thuốc chẹn kênh canxi... Kết hợp các loại thuốc này với metformin có thể ảnh hưởng đến kiểm soát lượng đường trong máu.   Nếu phải dùng các thuốc trên để điều trị, cần thông báo cho bác sĩ biết để điều chỉnh liều lượng metformin hoặc thay thế thuốc. Người bệnh cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên hơn.

Các thuốc như cimetidine, ranolazine, vandetanib... làm giảm khả năng của thận để loại bỏ metformin khỏi máu. Điều này có thể dẫn đến nhiễm axit lactic. Vì vậy, cần cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro khi đề xuất các phối hợp thuốc này.


DS. Hoàng Thu
Ý kiến của bạn