Hà Nội

Dùng máy đo SpO2 trôi nổi, nguy hiểm cho người bệnh

24-08-2021 20:54 | Xã hội
google news

SKĐS - Tâm lý lo ngại trong dịch COVID-19 khiến nhu cầu mua máy đo nồng độ ô xy trong máu (SpO2) ở Hà Nội tăng cả trăm lần, trong khi lượng người bán cũng tăng theo cấp số nhân. Giá máy đo SpO2 dao động từ vài chục nghìn đồng đến vài triệu đồng, khiến người mua… hoa mắt.

Máy SpO2 – "kẹp bút bi" cũng lên chỉ số

Những người mắc COVID-19 khi trở nặng thường có biểu hiện suy hô hấp, và máy đo SpO2 là một công cụ phát hiện tình trạng thiếu oxy trong máu để sớm có hướng xử lý cho bệnh nhân. Cách đây vài năm, khi dịch chưa xuất hiện thì chỉ có những người mắc bệnh lý tim mạch, phổi, hô hấp mới hay tìm mua và sử dụng. Máy chỉ bán tại các cửa hàng thiết bị y tế chuyên dụng.

Nhưng từ đầu năm đến nay, đặc biệt là khi dịch bùng phát tại phía Nam và khắp các tỉnh thành, nhu cầu mua máy tăng cao đột biến. Không phải ai cũng hiểu về loại máy này, nên họ dễ bị "chóng mặt" khi lạc vào cả "rừng" máy.

Trên các trang mạng xã hội, và các sàn thương mại điện tử (TMĐT), máy đo SpO2 được rao bán nhan nhản với đủ mọi mức giá khác nhau. Các shop "online" của sàn TMĐT  bán máy đo SpO2 với đủ các thể loại, hãng sản xuất cho đến mức giá.

Dùng máy đo SpO2 trôi nổi, nguy hiểm cho người bệnh  - Ảnh 1.

Nhân viên một cửa hàng thiết bị y tế đang trao đổi với phóng viên về loại máy đo SpO2

Tham khảo của phóng viên cho thấy, các sản phẩm đến từ Trung Quốc thường có giá từ 150.000 - 400.000 đồng. Cá biệt, loại máy Finger Tip Oximeter rao bán chỉ có 65.000 đồng, trong khi ở một sàn TMĐT khác cũng loại máy này rao giá 129.000 đồng.

Ngoài ra, trên rất nhiều trang mạng đơn lẻ của các cửa hàng trôi nổi cũng rao bán đủ loại máy, mỗi loại một giá khác nhau. Ví dụ như Oxy Yuwell giá 750.000 đồng, Beurer PO30 giá 2.400.000 đồng, Pulse giá 260.000 đồng, Gerathem GT300 giá 1.350.000 triệu đồng.

Đến với "chợ" thiết bị y tế trên phố Phương Mai, các chủ cửa hàng ở đây đều cho biết, kể từ khi có dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu về máy đo SpO2 tăng rất cao, có thể đến cả trăm lần. "Có người mua để sử dụng, lại có nhiều nhóm mua làm quà tặng từ thiện, để gom hàng bán lại, nói chung là đủ mọi nhu cầu" – bà chủ một cửa hàng tại "chợ" thiết bị y tế thẳng thắn cho biết.

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Đức, quản lý một cửa hàng Thiết bị y tế  vừa giới thiệu với phóng viên một số sản phẩm đo SpO2 của mình, vừa cho biết: "Trên thị trường hiện nay có từ 30 – 40 loại máy đo SpO2, đủ các thể loại và đủ các hãng. Nhưng hàng chính hãng chỉ có vài loại như: Beurer Đức, Imedicare của Singapore…".  

Giải đáp thắc mắc vì sao có những máy đo SpO2 giá bằng hai bát phở trong khi có máy vài triệu đồng, anh Đức phân tích: "Thứ nhất giá máy cao là do thương hiệu của máy. Những hãng máy của Đức thường đứng đầu bảng nên giá khá mắc. Ngoài ra, máy hãng tên tuổi thì độ nhạy cũng cao hơn, có kết nối bluetooth, và có nhiều công dụng đo các chỉ số khác so với những loại máy vài trăm nghìn đồng.

Cũng theo anh Đức, hiện nay rất nhiều cửa hàng điện máy, và cả cá nhân bán hàng xách tay cũng đứng ra nhập các loại máy không tên tuổi, hàng nhái theo đường tiểu ngạch. Trên thị trường, những máy đo SpO2 dưới 500.000 đồng chắc chắn là hàng hàng nhái, độ sai số rất nhiều. Những máy này lúc nào cũng hiển thị chỉ số tốt (98-99%), nên nếu người bệnh đang ở trạng thái thiếu oxy thì nguy hiểm thật đến tính mạng.

"Những máy vài chục nghìn đồng thì chắc chắn là đồ chơi, vì chỉ một đôi pin cho máy đã bên em mua đã 20.000 đồng rồi. Thậm chí, có máy anh cho cái bút vào kẹp thay ngón tay nó cũng đo lên chỉ số. Những người bán hàng chộp giật này không bao giờ có bảo hành, và hết dịch người ta cũng nghỉ bán luôn" – anh Đức chỉ rõ.

Theo dõi tại mạng xã hội và ngay tại các trang bán sản phẩm, các thiết bị đo SpO2 với giá dưới 300.000 đồng đều nhận phản hồi tiêu cực về chất lượng và bị đánh giá rất thấp, độ sai số lung tung, có máy chập chờn lúc hiện lúc không.

Thận trọng với máy đo SpO2 "giá bèo"

Trước tình hình thời gian qua, rất nhiều cá nhân lợi dụng dịch bệnh, tung ra quảng cáo bán các thiết bị hỗ trợ trong việc điều trị tại nhà như các loại máy thở, các loại thuốc, các loại đo nồng độ oxy trong máu SpO2… với giá từ rất "bèo", chỉ vài chục, được mô tả là có thể dùng để đo chỉ số oxy trong máu tại nhà, thậm chí còn "nổ" là phát hiện triệu chứng COVID-19.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa có công văn số 874/TMĐT-QL yêu cầu các sàn thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ những sản phẩm loại máy thở, máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 vi phạm quy định thương mại, không nguồn gốc xuất xứ để có căn cứ xử lý vi phạm.

Dùng máy đo SpO2 trôi nổi, nguy hiểm cho người bệnh  - Ảnh 3.

Hàng loạt máy đo SpO2 giá "bèo" được bán nhan nhản trên các sàn TMĐT đang bị phản ánh vi phạm, không đảm bảo chất lượng

Chỉ số SpO2 chỉ là một trong những phương tiện giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng, phù hợp cho những ai đang theo dõi người thân đang là F0 tại nhà. Bởi vậy, cơ quan chức năng khuyến nghị người dân không nên nghe quảng cáo rồi mua quá nhiều thiết bị không cần thiết, thậm chí hiển thị những chỉ số sai biệt.

Đồng thời, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, đặc biệt không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên mạng và khuyến khích người dân nếu phát hiện các gian hàng vi phạm hãy phản ánh về Cục.

Mới thấy, tuy việc sử dụng thiết bị đo SpO2 khá đơn giản nhưng cũng cần lưu ý vì có thể xảy ra sai số trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, với những thiết bị trôi nổi, không rõ nguồn gốc được bán với giá rẻ, không thể đảm bảo độ chính xác và gián tiếp gây ra nguy hiểm cho người bệnh nếu căn cứ vào chỉ số của máy mà không xử trí kịp thời. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự "loạn trào" trong thị trường máy thở, máy cung cấp oxy trong các bài kế tiếp.

Mời độc giả xem thêm video đang được theo dõi

Nguyên nhân gây rụng tóc và cách điều trị


Minh Thu
Ý kiến của bạn