Hà Nội

Đừng mắc ung thư cổ tử cung chỉ vì quan niệm sai lầm về phòng ngừa HPV

21-06-2024 20:00 | Y tế
google news

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm với phụ nữ nhưng hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh được nếu chỉ cần thay đổi quan niệm sai lầm phổ biến.

Thực trạng về nguy cơ ung thư cổ tử cung do HPV tại Việt Nam

Cổ tử cung là cơ quan nằm trong hệ sinh dục của phái nữ, nối giữa âm đạo và tử cung, có vai trò quan trọng đối với sức khỏe, sinh lý và khả năng sinh nở của người phụ nữ. Bệnh ung thư cổ tử cung thời gian gần đây có những ghi nhận đáng lo ngại về xu hướng gia tăng và trẻ hoá ở phụ nữ.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư cổ tử cung đang là 1 trong 5 loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ tuổi từ 15 đến 44 (1). Căn bệnh này cũng là nguyên nhân gây tử vong thứ 8 ở phụ nữ trong độ tuổi này tại Việt Nam (2). Theo số liệu thống kê năm 2020, mỗi năm có khoảng hơn 4.000 ca mắc mới (chiếm 2,3% tỷ lệ ung thư chung), và khoảng hơn 2.000 ca tử vong (tỷ lệ là 3,4 trên 100 ngàn người) (3). Vấn đề dậy thì sớm và bước vào đời sống tình dục nhanh hơn so với trước của trẻ vị thành niên cũng có góp phần gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm đối tượng này.

Đừng mắc ung thư cổ tử cung chỉ vì quan niệm sai lầm về phòng ngừa HPV- Ảnh 1.

Hơn 99% số ca mắc ung thư cổ tử cung có liên quan đến HPV, gồm hơn 100 týp virus gây u nhú

Những con số biết nói trên cho thấy mức độ đáng quan ngại của ung thư cổ tử cung ở Việt Nam, nhưng quan trọng hơn cả chính là nguyên nhân gây bệnh. Hội thảo khoa học do Hội Y học Dự phòng Việt Nam và Viện Pasteur TP.HCM tổ chức đã chỉ ra ung thư cổ tử cung là do HPV (một loại virus gây u nhú ở người) gây viêm nhiễm dai dẳng. Qua xét nghiệm, gần 100% trường hợp mắc ung thư cổ tử cung đều có liên quan đến HPV (4). Có trên 100 týp (loại) HPV, bao gồm cả những týp chỉ gây mụn cóc vô hại trên da. Hai týp nguy hiểm nhất trong đó là HPV 16 và 18 là nguyên nhân trực tiếp của hơn 70% số ca ung thư cổ tử cung (5) .

Những quan niệm sai lầm về phòng tránh HPV khiến tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung ngày càng gia tăng

Hầu hết mọi người đều biết rằng HPV lây nhiễm khi quan hệ tình dục, nhưng trên thực tế loại virus này vẫn có thể lây gián tiếp qua đường miệng hoặc tiếp xúc da với dịch tiết cơ thể hay bộ phận nhiễm bệnh (6).

Chính hiểu lầm này dẫn đến tâm lý chủ quan, cho rằng chỉ cần không quan hệ trực tiếp hoặc có sử dụng bao cao su là đủ bảo vệ, khiến nhiều phụ nữ vô tình nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, nếu không có thói quen thăm khám, xét nghiệm thường xuyên thì khó phát hiện mình bị nhiễm bệnh và trở thành nguồn lây mới.

Đừng mắc ung thư cổ tử cung chỉ vì quan niệm sai lầm về phòng ngừa HPV- Ảnh 2.

Hiểu chưa đủ về HPV là nguyên nhân gây gia tăng tỷ lệ ung thư cổ tử cung

Đây là điểm khiến HPV nguy hiểm, bởi virus tiến triển âm thầm, các triệu chứng cũng khá mờ nhạt trong thời gian dài (7). Đối với HPV, loại virus này vẫn chưa có thuốc đặc trị khi bị nhiễm (8), nhưng với đa số mọi người có hệ miễn dịch hoạt động bình thường thì cơ thể có khả năng tự đào thải HPV trong vòng 2 năm và không gây hại gì đến sức khỏe (9). Nhưng ngay cả khi đã âm tính HPV thì bệnh nhân vẫn có khả năng tái nhiễm loại virus này (cùng týp hoặc týp khác) từ lối sống và sinh hoạt (10).

Có nhiều cách để chủ động phòng tránh nhiễm HPV bằng các hành vi quan hệ tình dục an toàn như dùng bao cao su và vệ sinh cá nhân. Quan trọng nhất là phụ nữ ở mọi độ tuổi cần thường xuyên thăm khám định kỳ, kiểm tra sức khỏe và được tư vấn bởi các y bác sĩ có chuyên môn. Ngoài ra để tăng hiệu quả dự phòng HPV, phụ nữ ở mọi độ tuổi cần nâng cao khả năng phòng vệ của hệ miễn dịch bằng một lối sống lành mạnh, có chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lý để duy trì sức đề kháng cho cơ thể, giúp bảo vệ triệt để và lâu dài khỏi ung thư cổ tử cung và các loại bệnh liên quan đến HPV.

Hiện nay, việc chủ động dự phòng HPV vẫn chưa đạt được độ phủ rộng như mong muốn. Theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2021, chỉ 7,5% phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi từ 15-29 đã được dự phòng HPV và chỉ 28,2% phụ nữ từ 30 - 49 tuổi đã được khám sàng lọc về ung thư cổ tử cung (11). Nguyên nhân phần lớn là do có quan niệm chưa đúng đắn về HPV theo từng độ tuổi. Theo đó, phần lớn phụ nữ trên 27 tuổi đã quan hệ tình dục trước đó vẫn tin rằng việc dự phòng này không dành cho mình. Đây là những thông tin hiện tại đã lỗi thời và trở thành rào cản khiến cho nhiều phụ nữ bỏ lỡ cơ hội chủ động phòng ngừa, trở thành đối tượng có nguy cơ cao bị lây nhiễm HPV.

Đừng mắc ung thư cổ tử cung chỉ vì quan niệm sai lầm về phòng ngừa HPV- Ảnh 3.

Phụ nữ cần chủ động tham vấn chuyên gia và thực hiện các biện pháp dự phòng HPV hiệu quả (Hình ảnh mang tính chất minh họa)

Do đó, việc cập nhật đầy đủ và kịp thời những thông tin chính xác từ những nguồn đáng tin cậy là hết sức quan trọng đối với việc giảm thiểu nguy cơ nhiễm HPV và mắc ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Chủ động phòng ngừa sẽ giúp phụ nữ an tâm vui sống, bảo đảm sức khỏe và tương lai không chỉ cho bản thân mà cả gia đình và xã hội.

*Các nguồn tham khảo:

(1),(2),(3) HPV Information Centre, Human Papillomavirus and Related Diseases report Vietnam, March 2023

[https://hpvcentre.net/statistics/reports/VNM.pdf][12-03-2024]

(4) WHO. Cervical Cancer. Updated March 2024

[https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/cervical-cancer][03–05-2024]

(5) Dr Silvia de Sanjose S, Quint WG, Alemany L, et al. Human papillomavirus genotype attribution in invasive cervical cancer: a retrospective cross-sectional worldwide study. Lancet Oncol. 2010

[https://www.thelancet.com/journals/lanonc/article/PIIS1470-2045(10)70230-8/abstract][17-05-2024]

(6) Therapeutic strategies for human papillomavirus infection and associated cancers. Frontiers In Bioscience

[https://www.spandidos-publications.com/10.3892/etm.2020.9316?text=fulltext][12-03-2024]

(7) Cancer Council. Cervical Cancer. Updated February 2024

[https://www.cancer.org.au/cancer-information/types-of-cancer/cervical-cancer][18-03-2024]

(8) CDC. About Genital HPV Infection. Updated February, 2024.

[https://www.cdc.gov/sti/about/about-genital-hpv-infection.html][03-05-2024]

(9) Huber J, Mueller A, Sailer M, Regidor PA. Human papillomavirus persistence or clearance after infection in reproductive age. What is the status? Review of the literature and new data of a vaginal gel containing silicate dioxide, citric acid, and selenite. Women's Health (Lond). 2021

[https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8785287/][03-05-2024]

(10) Sylvia L. Ranjeva, Edward B. Baskerville, Vanja Dukic et al (2017). Recurring infection with ecologically distinct HPV types can explain high prevalence and diversity

[https://www.pnas.org/doi/full/10.1073/pnas.1714712114][03-05-2024]

(11): UNICEF & Tổng cục Thống kê Việt Nam - Điều tra các chỉ tiêu phát triển bền vững về Trẻ em và Phụ nữ Việt Nam 2020-2021

[https://www.unicef.org/vietnam/media/8716/file/B%C3%A1o%20c%C3%A1o%20t%C3%B3m%20t%E1%BA%AFt%20-%20MICS%206.pdf][17-05-2024]

"Nội dung này do Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam cung cấp và được MSD tài trợ vì mục đích giáo dục."

VN-GSL-00788 13052026

Thu Hồng


Ý kiến của bạn