Hiểu biết để dùng đúng loratadin
Loratadin được hấp thu nhanh ở đường tiêu hóa sau khi uống, đạt nồng độ tối đa trong máu sau khi uống khoảng 1 giờ. Thuốc và các chất chuyển hóa của nó được tìm thấy trong sữa mẹ, nhưng thuốc không qua được hàng rào máu não.
Loratadin được dùng điều trị làm giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng như hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mũi, ngứa và rát mắt.
Không dùng thuốc nếu bạn mẫn cảm với loratadin. Đối với phụ nữ mang thai: hiện chưa có những nghiên cứu đầy đủ về sử dụng loratadin trong thai kỳ. Vì vậy, chỉ sử dụng loratadin trong thai kỳ khi thật cần thiết, với liều thấp và trong thời gian ngắn. Ở các bà mẹ cho con bú, vì loratadin và chất chuyển hóa descarboethoxyloratadin tiết vào sữa mẹ, cho nên khi cần sử dụng loratadin, chỉ dùng thuốc với liều thấp và trong thời gian ngắn.
Dùng loratadin điều trị các triệu chứng viêm mũi dị ứng như chảy nước mũi, ngứa mũi, đỏ ngứa và rát mắt.
Thận trọng khi dùng thuốc
Bạn chỉ nên dùng liều ban đầu thấp hơn bình thường cho bệnh nhân suy gan nặng. Bạn cũng thận trọng khi dùng thuốc cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Nếu vì lý do nào mà bạn uống quá liều, sẽ thấy các dấu hiệu quá liều gồm: buồn ngủ, tim đập nhanh, nhức đầu. Khi đó, bạn phải nhanh chóng gây nôn, tiếp theo là uống than hoạt tính để hấp thụ phần thuốc còn lại ở dạ dày. Trường hợp không nôn được thì phải đến cơ sở y tế để rửa dạ dày bằng nước muối thông thường. Có thể dùng thuốc tẩy nhẹ như nước muối cũng có thể có ích để làm loãng nhanh lượng thuốc trong ruột.
Các nghiên cứu cho thấy: nồng độ loratadin trong máu tăng khi sử dụng cùng lúc với các thuốc: ketoconazole, erythromycin, cimetidin trong các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng, nhưng không có các thay đổi lâm sàng đáng kể. Các bác sĩ khuyên cần thận trọng khi dùng loratadin đồng thời với các thuốc ức chế quá trình chuyển hóa ở gan.
Tác dụng phụ phức tạp của loratadin
Các nghiên cứu lâm sàng trên khắp thế giới, người ta ghi nhận các tác dụng ngoại ý của loratadin khá phức tạp như sau: ở hệ thần kinh tự động, thuốc làm thay đổi sự chảy nước mắt, thay đổi về sự tiết nước bọt, gây đỏ bừng mặt, giảm cảm giác, liệt dương, tăng tiết mồ hôi, khát nước. Bệnh nhân bị phù thần kinh mạch, suy nhược, đau lưng, nhìn bị nhòa, đau ngực, đau tai, đau mắt, sốt, chuột rút chân, khó chịu, rét, ù tai, nhiễm virut, tăng cân. Trên hệ tim mạch: thuốc gây hồi hộp đánh trống ngực, loạn nhịp nhanh tâm thất, bất tỉnh, tim đập nhanh… Đối với hệ thần kinh trung ương và ngoại biên: thuốc này gây co thắt mí mắt, hoa mắt, chóng mặt, khó phát âm, tăng trương lực, đau nửa đầu, dị cảm, rùng mình. Trên hệ hô hấp: có thể bị viêm phế quản, co thắt phế quản, ho, khó thở, chảy máu cam, ho ra máu, viêm thanh quản, khô mũi, viêm họng, viêm xoang, hắt hơi. Ở hệ tiêu hóa: bệnh nhân có thay đổi vị giác, biếng ăn, táo bón, tiêu chảy, khó tiêu, đầy hơi, viêm dạ dày, nấc, tăng sự thèm ăn, buồn nôn, ói mửa, viêm miệng, đau răng… Ở hệ cơ xương: người bệnh có đau khớp, đau cơ. Về tâm thần: bệnh nhân bị kích động, quên, lo âu, lú lẫn, giảm khả năng tình dục, trầm cảm, thiếu tập trung, mất ngủ, dễ bị kích thích… Ở phụ nữ: bị đau vú, đau bụng kinh, rong kinh, viêm âm đạo... Trên da: có viêm da, khô da, khô tóc, nhạy cảm với ánh sáng, ngứa, ban xuất huyết, phát ban, nổi mày đay… Ở hệ tiết niệu: thay đổi màu nước tiểu, đái dầm, bí tiểu.
Do tác dụng phụ của thuốc phức tạp như vậy, khi gặp một hay nhiều triệu chứng của tác dụng phụ nói trên, bạn cần ngưng dùng thuốc, nhanh chóng đến khám ở bệnh viện để được xử lý kịp thời. Đồng thời báo cho bác sĩ điều trị biết, để được tư vấn về cách phòng và xử lý khi gặp tác dụng phụ hoặc thay đổi thuốc điều trị thay thế loratadin.