Khi bị các bệnh cấp và mạn tính ở đường hô hấp có kèm tăng tiết dịch phế quản không bình thường (tăng tiết dịch nhầy) nhất là trong đợt cấp của viêm phế quản mạn, hen phế quản... sẽ làm cho người bệnh khó thở hoặc thở khò khè, thì ambroxol tôi sẽ là một trợ thủ góp sức giúp bạn đánh bật tình trạng này.
Tôi có tác dụng làm lỏng các dịch tiết ra từ niêm mạc khí quản - phế quản do làm thay đổi cấu trúc của dịch nhầy, dẫn đến giảm độ nhớt, độ quánh đặc của đàm nhầy trong phế quản. Vì vậy, các chất nhầy đàm có thể di chuyển dễ dàng và được tống ra khỏi đường hô hấp bằng hệ thống lông chuyển hoặc bằng sự khạc cho long đờm... làm cho người bệnh dễ thở. Một vài tài liệu còn cho biết, ambroxol tôi còn cải thiện được triệu chứng và làm giảm số đợt cấp tính trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng.
Hiện trên thị trường ambroxol tôi có nhiều dạng như viên nén, dung dịch uống, viên nang giải phóng chậm, khí dung, thuốc tiêm... nên người dùng cần lưu ý:
Đối với dạng uống nên uống sau khi ăn để tránh kích ứng dạ dày. Viên nang giải phóng chậm cần nuốt nguyên viên thuốc mà không được nhai, bẻ, nghiền ra khi uống. Không dùng cho người bị loét dạ dày tá tràng tiến triển, quá mẫn với ambroxol hoặc các thành phần có trong sản phẩm thuốc.
Khi dùng ambroxol tôi kết hợp với kháng sinh như amoxicilin, cefuroxim, erythromycin, doxycyclin... sẽ làm tăng nồng độ kháng sinh trong nhu mô phổi, giúp điều trị bệnh có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, không phối hợp thuốc long đờm như ambroxol tôi với một thuốc chống ho (giảm ho như codein) hay một thuốc làm khô đờm (như atropin chẳng hạn). Vì các thuốc làm giảm ho hay khô quánh đờm sẽ làm cho đờm không được tống ra ngoài, ứ đọng lại đường hô hấp, sẽ càng gây khó thở, khiến bệnh trầm trọng hơn.
Một vài bất lợi có thể xảy ra thường gặp trên đường tiêu hóa như ợ nóng, khó tiêu, buồn nôn, nôn... tuy nhiên, các bất lợi này thường nhẹ và chủ yếu xảy ra sau khi dùng dạng thuốc tiêm. Dị ứng (chủ yếu là phát ban), miệng khô... ít khi xảy ra. Trường hợp xảy ra dị ứng thuốc nặng cần ngừng điều trị.