Biệt danh “hâm, khùng”
Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi) là một trong những doanh nhân nổi tiếng hàng đầu Việt Nam. Ít ai biết, tên cúng cơm của ông Dũng là Huỳnh Phi Dũng. Sau này ông đổi tên với mong muốn cuộc đời bớt sóng gió, gian nan.
Ông Dũng sinh năm 1961 tại Bình Định. Vì gia đình khó khăn nên khi chưa học hết lớp 12, ông Dũng đả phải bỏ nghiệp đèn sách để nhập ngũ và tham gia cuộc chiến biên giới Tây Nam. Thời gian trong quân ngũ ông Dũng sớm bộc lộ khả năng kinh doanh khi “khởi nghiệp” với muối.
Khi xuất ngũ, vì quá nghèo khổ, ông Dũng mở lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp. Xí nghiệp làm ăn phát đạt khiến Dũng “lò vôi” bắt đầu phất lên từ đó. Và kể từ đây, ông Dũng “chết” ở cái tên Dũng “lò vôi”.
Sau khi lò vôi đi xuống, ông vực dậy công ty mỹ nghệ Thành Lễ rồi rót vốn vào khu công nghiệp Bình Đường, Sóng Thần 2, Sóng Thần 3.
Nhưng phải đến khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến (Đại Nam), ông Dũng với được nhiều người biết đến. Nhưng điều đáng nói ở chỗ, ông được đặt biệt danh “điên, khùng” vì quyết định “bỏ tiền tỷ, thu bạc cắc". Thời điểm đó, không nhiều người dám tin vào khả năng thành công của dự án “điên, khùng” này.
Mặc kệ những lời bàn ra tán vào, ông Dũng vẫn trung thành với mơ ước xây dựng một khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á với diện tích 700ha. Vào những năm cuối thế kỷ 20, nơi đây vẫn chỉ là một vùng đất hoang sơ, có chỗ là rừng cao su bạt ngàn.
Khu du lịch Đại Nam Văn Hiến khởi công từ tháng 9/2007 và ngốn của Dũng 5.000 tỷ đồng. Công trình hoành tráng này mất 10 năm để hoàn thiện. Và Đại Nam một lần nữa khẳng định biệt danh “hâm, khùng” mà người đời dành cho ông Dũng không phải không có cơ sở. Công trình hoàn toàn không tốn tiền thiết kế. Ông chủ của Đại Nam đã nghĩ ra phối cảnh, tự hình dung ra bản mẫu và chỉ đạo công việc xây dựng.
Ông Dũng khiến dư luận đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trong thời gian thi công dài đằng đằng, ông Dũng vừa quán xuyến lo từng viên gạch, từng bao xi măng nhưng mỗi khi đêm xuống, ông lại bình tâm viết sách, làm thơ.
Và cuối cùng, sau bao nhọc nhằn, khu du lịch Đại Nam cũng hoàn thành và đón khoảng 5 triệu khách mỗi năm. Đại Nam sớm trở thành một trong những khu du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam.
Để đáp lại những “tiếng bấc ném qua, tiếng chì ném lại”, trên bia đá ngay trước Đền thờ Đại Nam, ông cho khắc bài viết “Thì ra vậy!”, với nội dung: “Lại là một ước mơ ngu xuẩn nữa của ‘anh’ chứ gì? Khi những người khác nói với tôi rằng: Tôi không thể làm chuyện này, chuyện nọ…Rằng tôi chỉ là một kẻ mơ mộng, điên rồ, ngông cuồng, kiêu kỳ và rồi tôi sẽ thất bại.
Tôi cảm thấy bị tổn thương và tức giận. Tôi đã dùng nguồn năng lượng tiêu cực của họ cộng với tình cảm tiêu cực của tôi đối với họ, để tạo ra sự bùng nổ cảm xúc, đủ lớn, đủ mạnh để trợ giúp cho tôi thực hiện những giấc mơ gian khổ. Một lần nữa xin trả lời: Thành công là sự trả ơn ngọt ngào nhất! Thì ra vậy!!!”.
Ồn ào kiện tụng
Nổi danh từ thời xây dựng khu du lịch Đại Nam, từ đó đến nay, ông Dũng “lò vôi” vẫn không ngừng nổi danh. Là một doanh nhân nhưng mức độ ồn ào mà ông Dũng mang đến lại không hề kém cạnh so với “vua thị phi showbiz” Đàm Vĩnh Hưng.
Năm 2013, ông Dũng khiến dư luận “nóng 100 độ” khi tố cáo ông Lê Thanh Cung, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương về hành vi cố ý “ngâm” dự án khu đất ở 61,5 ha nằm trong khu công nghiệp Sóng Thần 3 với tổng diện tích 533 ha gây nhiều thiệt hại.
Vụ việc, chưa kịp lắng xuống thì ông Dũng tiếp tục tố cáo ông Cung về hành vi “vu khống”, “lợi dụng quyền tự do ngôn luận, xúc phạm đến uy tín, danh dự công dân”, sau khi ông Cung trả lời phỏng vấn trên Báo điện tử VTC News.
Cuối năm 2014, Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thông báo kết quả thanh tra tới ông Huỳnh Uy Dũng và yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương tổ chức thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương phải khẩn trương khắc phục những thiếu sót, vi phạm trong quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng; xử lý theo thẩm quyền những tổ chức, cá nhân có vi phạm, giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.
Điều đó có nghĩa trong vụ kiện tụng ồn ào này, ông Dũng đã “thắng kiện”. Thế nhưng, cũng trong khoảng thời gian được “giải oan”, ông Dũng lại gây chú ý khi viết đơn xin Bộ Tài chính thanh, kiểm tra thuế Đại Nam.
Cuối 2014 có lẽ là khoảng thời gian đáng nhớ của ông Dũng. Trước khi nhận được quyết định từ Thanh tra Chính phủ, ông Dũng khiến dư luận hoang mang khi facebook mang tên "Huỳnh Uy Dũng Dũng Lò Vôi" lừa đảo với chương trình “Tặng tiền khi đi du lịch tại Đại Nam”.
Rất may, ông Dũng sớm được minh oan khi cơ quan chức năng khẳng định có kẻ mạo danh ông Dũng để lừa đảo.
Quyết định siêu sốc
Ồn ào có lẽ là điều theo chân ông Dũng từng ngày vì ông Dũng là người thường có những quyết định rất gây sốc. Năm 2013, khi kiện Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Dũng “dỗi” bằng cách tuyên bố đóng cửa khu du lịch ngàn tỷ Đại Nam.
Trước khi cho Đại Nam “nghỉ hưu”, ông Dũng mở của miễn phí khu du lịch này để tri ân du khách. Và thế là hiện tượng chưa từng có đã xảy ra. Mọi nẻo đường đi vào khu du lịch Đại Nam đã tắc nghẽn hàng cây số. Sự kiện này xôn xao trên mặt báo trong thời gian dài.
Cũng trong năm 2013, ông Dũng đã làm việc chẳng giống ai. Đó là trao khối tài sản khổng lồ của mình cho cậu con trai mới 1 tuổi Huỳnh Hằng Hữu. Chưa hết, cậu bé này còn chính thức trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch Đại Nam trong lễ thôi nôi của mình.
Sau đó, cuối năm 2014, ông Dũng lại gây “chấn động” khi treo thưởng 100 tỷ đồng cho bất cứ ai chứng minh được vợ ông - bà Nguyễn Phương Hằng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam - đem tài sản của ông đi thế chấp vay tiền bên ngoài.
Ông Dũng làm vậy là để bảo vệ vợ vì thời gian đó, dư luận đồn thổi bà Nguyễn Phương Hằng đem tài sản của ông Dũng đi thế chấp cho các ngân hàng vay số tiền trên 2.000 tỷ đồng và lợi dụng uy tín của ông để huy động tiền bên ngoài với lãi suất đến 3,4%/tháng.
Ồn ào là vậy nhưng đến nay ông Dũng “lò vôi” đã viết xong cuốn “Đại Nam văn hiến sử thi”, với 12.344 câu, thể song thất lục bát nói về toàn bộ quá trình hình thành dựng nước, giữ nước từ giai đoạn Vua Hùng dựng nước đến giai đoạn năm 1945.
Bảo Linh