Đừng làm rối thêm không gian Hồ Gươm!

15-04-2009 16:46 | Văn hóa – Giải trí
google news

Không gian Hồ Gươm vốn đã chật chội, hiện đang có kế hoạch cải tạo theo hướng mở rộng không gian cây xanh, ngăn chặn sự xâm lấn của các công trình hiện đại. Vì thế, khi Công ty kính nghệ thuật Hà Nội bày tỏ thiện ý hiến tặng Thủ đô một biểu tượng Rùa xanh và Rồng vàng cao 12m trị giá 8 tỷ đồng

Không gian Hồ Gươm vốn đã chật chội, hiện đang có kế hoạch cải tạo theo hướng mở rộng không gian cây xanh, ngăn chặn sự xâm lấn của các công trình hiện đại. Vì thế, khi Công ty kính nghệ thuật Hà Nội bày tỏ thiện ý hiến tặng Thủ đô một biểu tượng Rùa xanh và Rồng vàng cao 12m trị giá 8 tỷ đồng mang tên “Huyền thoại Thăng Long” đặt tại khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục để chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, dư luận không khỏi băn khoăn. Liệu có nên đặt vào không gian cổ kính của Hồ Gươm  một biểu tượng minh họa truyền thuyết theo tinh thần hiện đại?

Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã có công văn giao cho Sở Văn hóa, thể thao và du lịch và Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội xem xét và đề xuất hướng giải quyết việc đặt biểu tượng Rùa xanh, Rồng vàng trong không gian Hồ Gươm. Tuy nhiên, đa số ý kiến của người dân trên công luận đều tỏ ý không ủng hộ việc này.

 Mô hình biểu tượng Huyền thoại Thăng Long.

Bất ổn về cảnh quan kiến trúc

Trong buổi thuyết trình ý tưởng trước hội đồng gồm có sự tham gia của các nhà khoa học, sử học, văn hóa học, ông Bùi Chí Công, Tổng Giám đốc Công ty kính nghệ thuật cho biết biểu tượng “Huyền thoại Thăng Long” kết hợp 2 linh vật hùng tráng của thủ đô là Rùa thần và Rồng vàng bay lên mang ý nghĩa về một thành phố mạnh mẽ, kiên cường và luôn phát triển. Biểu tượng Rùa thần có chiều dài là 3m, ngang 2m và nặng khoảng 2 tấn làm bằng thủy tinh màu xanh ngọc bích sẽ được nâng lên từ dòng nước tạo cảm giác bay bổng, thần tiên. Biểu tượng Rồng vàng được làm theo mẫu rồng thời Lý thanh mảnh nhưng vẫn khỏe khoắn, có chiều dài là 12m làm bằng chất liệu inox thiếp vàng sẽ ôm lấy Rùa thần, tạo thành hình xoáy trôn ốc bay lên trời xanh. Hai biểu tượng này sẽ được làm sống động bằng kỹ thuật động của nước vào ban ngày và được chiếu bởi ánh sáng 5 màu vào ban đêm. Theo ông Bùi Chí Công, từ trước đến nay chưa có biểu tượng nào của Việt Nam là sự kết hợp của 2 linh vật là Rùa và Rồng, vì thế biểu tượng này đặt ngay tại vị trí Hồ Gươm sẽ không chỉ mang yếu tố tâm linh, tạo cảnh quan đẹp mắt mà còn thể hiện đúng tinh thần văn hiến của Hà Nội 1000 năm tuổi. Ông Công cũng khẳng định, biểu tượng này sẽ không làm thay đổi thiết kế, cấu trúc của đài phun nước vốn có ở đây từ nhiều năm và không phá vỡ cảnh quan, làm mất tầm nhìn của Hồ Gươm bởi vì mặc dù cao tới 12m nhưng hình Rồng mảnh mai cuốn xoắn ốc chứ không phải là một khối đặc lớn.

Hiện nay, đa số các ý kiến cho rằng thiện ý của ông Bùi Chí Công là rất đáng quý, song hiện nay, không gian Hồ Gươm đã ngày càng bị thu hẹp vì biến dạng bởi những công trình mới trong đó có cả những công trình cũng xuất phát từ thiện ý muốn làm đẹp thêm cảnh quan Hồ Gươm. Vì thế,  nguyện vọng của những người yêu quý Thủ đô ngàn năm văn hiến đều hướng tới sự thuần khiết của cảnh quan Hồ Gươm, không muốn xuất hiện thêm các cụm kiến trúc mới trong không gian cổ kính, tạo nên sự hỗn tạp tân cổ giao duyên trong kiến trúc.

Bất cập về phương diện tâm linh

Những người đề xuất việc hiến tặng có ý thức tạo một điểm nhấn về tâm linh bằng việc đặt biểu tượng của 2 linh vật liên quan tới các truyền thuyết về Thăng Long và Hồ Gươm tại không gian đông người qua lại. Tuy nhiên, việc này lại có những mặt bất cập về phương diện tâm linh như sau:

- Sức sống của các huyền thoại nằm ở chiều sâu tâm thức con người trong đó các yếu tố thiêng liêng lại nằm trong sự nhòe mờ, hư ảo. Vì vậy, việc cụ thể hóa các linh vật trong các huyền thoại thành các biểu tượng bằng thủy tinh và inox để quảng bá nơi công cộng bằng hiệu ứng ánh sáng kiểu quảng cáo sẽ phần nào đơn giản hóa, thô thiển hóa các linh vật này, giống như một thứ món ăn nhanh về phương diện tâm linh. Nói một cách hình tượng, nó giống như người nước ngoài nói tiếng Việt, không tránh khỏi ngô ngọng ít nhiều, gây phản cảm. Mặt khác, không gian ngã năm tấp nập và hiệu ứng ánh sáng sặc sỡ sẽ làm cho các biểu tượng mất đi độ trầm mặc uy nghi trong bản chất văn hóa thẩm mỹ vốn có, mà có vẻ như các món hàng đang đặt trong show quảng cáo.

Nếu coi 2 linh vật này là biểu tượng của Thăng Long ngàn năm văn vật thì đã đủ chưa? Ta biết rằng biểu tượng Rồng gắn liền với triều Lý và công cuộc dời đô, biểu tượng Rùa trả gươm gắn với thời Lê. Nhưng bên cạnh đó còn biểu tượng Trâu vàng Hồ Tây gắn với cuộc chiến tranh tâm linh với phương Bắc cũng là một linh vật.

Lâu nay, chúng ta vẫn quen hình dung truyền thuyết rùa đưa trả gươm là truyền thuyết chính của Thủ đô vì nó gắn liền với không gian Hồ Gươm vẫn được coi là trung tâm Hà Nội. Đây là một ấn tượng cảm tính vì truyền thuyết này chỉ xuất hiện từ thế kỷ 15 và việc lấy Hồ Gươm làm trung tâm Hà Nội chỉ xuất hiện từ thời Pháp thuộc. Trong khi đó, truyền thuyết về Trâu vàng gắn liền với Hồ Tây và nhà Lý xuất hiện từ thế kỷ thứ X. Nếu lấy nhà Lý làm chuẩn cho việc hình thành và phát triển của Thủ đô Thăng Long thì biểu tượng Trâu vàng phải được coi là một trong những biểu tượng  chính của Thăng Long,  có ý nghĩa không kém biểu tượng Rùa xanh, nếu không muốn nói là có giá trị tâm linh lớn hơn. Vì thế, không thể chỉ đặt biểu tượng Rùa xanh và Rồng vàng trong công trình Huyền thoại Thăng Long như ý đồ của Công ty kính nghệ thuật, mà phải đặt cả biểu tượng Trâu vàng  bên cạnh 2 biểu tượng này mới có thể coi là thỏa đáng về phương diện văn hóa tâm linh.

Vì những lẽ trên đây, thiết nghĩ Công ty kính nên xem xét lại nội dung và vị trí đặt cụm biểu tượng để thiện ý với Thủ đô ngàn năm văn hiến không trở thành một việc làm bất cập cả về cảnh quan đô thị và  văn hóa tâm linh.

Kim Long


Ý kiến của bạn