Dùng lại đơn thuốc cũ, cảnh báo tai biến nguy hiểm và tốn kém vô nghĩa

03-09-2023 07:13 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Mặc dù đơn thuốc chỉ có giá trị sử dụng một lần tại thời điểm khám chữa bệnh, nhưng nhiều người bệnh vô tư tái sử dụng đơn thuốc cũ, thậm chí còn nhiệt tình tư vấn cho người thân quen sử dụng theo đơn thuốc của mình mà không biết rằng đây là một thói quen rất nguy hiểm.

Khi dùng thuốc cần phải đúng bệnh, áp dụng liều lượng và liệu trình phù hợp, sử dụng đúng đối tượng, đúng đường dùng, đúng cách mới có hiệu quả điều trị tốt và hạn chế được tối đa các tác dụng bất lợi hoặc tai biến.


Dưới đây là những lý do tại sao không được tái dùng đơn thuốc cũ của chính mình hoặc sử dụng theo đơn người khác:


1. Triệu chứng lâm sàng giống nhau nhưng chưa chắc đã là cùng một bệnh

Nhiều bệnh có triệu chứng lâm sàng có thể cảm nhận rất giống nhau hoặc như nhau nhưng chưa chắc đã cùng bệnh, mà là những bệnh hoàn toàn khác nhau về nguyên nhân và cách điều trị. Ví dụ:

+ Sốt do virus, sốt xuất huyết, sốt phát ban, sởi…

+ Bệnh viêm đại tràng mn, viêm đại tràng co thắt (Hội chứng ruột kích thích)...

Cùng một bệnh có vẻ như nhau nhưng có thể do những nguyên nhân tác động khác nhau, do những kháng nguyên khác nhau, cách điều trị bắt buộc phải bằng các thuốc và cách thức khác nhau. Ví dụ:

+ Bệnh lỵ do trực khuẩn (Shigella), do Amip (Entamoeba histolitica)...

+ Khó thở do hen phế quản, do tắc nghẽn phổi mãn tính COPD và rất nhiều các bệnh khác tương tự

Như vậy, dù cùng một triệu chứng lâm sàng có cảm nhận rất giống nhau hoặc như nhau, hoặc cùng một bệnh do các tác nhân và nguyên nhân khác nhau cần phải có phác đồ thuốc, cách dùng thuốc hoàn toàn khác nhau.

photo-1691815109492

Tái sử dụng đơn thuốc cũ có thể gây nguy hiểm.

2. Một đơn thuốc chỉ phù hợp với cá nhân cụ thể và tình trạng bệnh thực tại

Nên hiểu rằng cùng một căn bệnh có mức độ và biểu hiện lâm sàng như nhau nhưng ở cá thể khác nhau cần phải cho sử dụng thuốc khác nhau. Việc sử dụng các loại thuốc cụ thể, liều lượng và liệu trình áp dụng cho mỗi cá thể cần phải khác nhau.

Cần nhớ rằng mỗi đối tượng, mỗi cá thể sẽ có đáp ứng khác nhau với cùng 1 thuốc.

Nên lưu ý ở tất cả các tình huống sau:

- Từng độ tuổi của trẻ: Sơ sinh, trẻ nhỏ, trẻ em 12 tuổi trở xuống, người cao tuổi rất khác nhau về dược động học và đáp ứng sinh học, phải áp dụng tính liều lượng và cần liệu trình khác nhau.

- Phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú là đối tượng đặc biệt, cần chú ý tránh các thuốc tác động ảnh hưởng đến thai nhi và nguồn sữa. Dùng thuốc theo chỉ định cho một cá thể khác không thể tránh khỏi gây nguy hiểm cho mẹ, cho thai nhi, đồng thời mất sữa là hoàn toàn có thể.

- Người bệnh có một bệnh nền khác kèm theo, trong đó đặc biệt là bệnh dạ dày, bệnh tim mạch, bệnh gan thận, bệnh dễ chảy máu, bệnh đái tháo đường... cần tránh dùng rất nhiều loại thuốc. Mọi chỉ định cần loại bỏ các thuốc có tác động bất lợi trực tiếp hay gián tiếp.

- Người bệnh có kháng thể giảm sút, sức đề kháng kém, không thể dùng như người bình thường mà cần bổ xung nhất định các thuốc tăng đề kháng, thậm chí một số trường hợp có thể phải tăng liều. Việc bỏ qua khi máy móc theo đơn (không phải cho người bệnh hiện tại) gây sức cản cho hiệu quả điều trị rất hạn chế.

- Hơn nữa, nhiều người bệnh có thể bị dị ứng với một số loại thuốc nhất định, đặc biệt dễ gặp ở các loại kháng sinh. Khi đó không thể dùng như cá thể khác, cần tránh tuyệt đối và phải loại trừ hoàn toàn.

- Tương tác thuốc: Việc tự ý loại trừ hay dùng bổ sung cho các thuốc đã kê sẵn rất dễ xảy ra các tương tác hiệp đồng, gây tăng tác dụng, có thể quá mức hay tương kỵ, đối kháng lẫn nhau làm giảm hoặc mất tác dụng của các thuốc dùng đồng thời.

- Nhiều người bệnh phải dùng dài ngày các thuốc gây tích luỹ, các thuốc phải hạn chế thời gian sử dụng, thuốc cần phải kiểm soát đợt dùng tối đa, phải thay đổi tăng, giảm liều bắt buộc càng cần lưu ý được dùng cho phù hợp với cá thể. Đặc biệt chú ý các thuốc: Corticoid, giảm đau chống viêm không steroid (NSAID), các thuốc điều trị tim mạch...

Do tình trạng kháng kháng sinh khá phổ biến, vì vậy mỗi cá thể cần phải xử lý để điều chỉnh bằng loại có hiệu quả. Đặc biệt là các thuốc kháng sinh như penicillin, ampicillin, amoxicillin... hiện đang có tỷ lệ bị kháng rất cao.

Tình trạng nhờn thuốc do dùng dài ngày, không đạt liều, không đúng cách... đang phổ biến, vì vậy mỗi cá thể người bệnh bắt buộc phải thay thế thuốc khác, hoặc điều chỉnh tăng liều trong giới hạn cho phép.

Điều quan trọng là rất có thể sẽ dùng thừa một số thuốc vô nghĩa, nếu đơn cũ trước đó đã kê dùng cho người có cả những bệnh lý khác kèm theo.

Những tình huống trên nếu chỉ máy móc áp dụng theo đơn chỉ định cũ của một cá thể khác (kể cả của chính mình trong quá khứ) sẽ không thể tránh khỏi bất lợi, thừa, thiếu không phù hợp hoặc tai biến nguy hiểm.

3. Tùy tình trạng bệnh và đáp ứng phải điều chỉnh thuốc khi đang dùng thuốc

Tại thời điểm chỉ định thuốc, dù đơn kê đã chỉ định đúng, không có sai sót nhưng sau một số ngày có thể không còn phù hợp nữa, cần phải nhận rõ chuyển biến để điều chỉnh:

+ Nếu không đạt được mong muốn, cần phải tăng liều, phối hợp thêm thuốc hoặc thay thuốc khác.

+ Nếu phát sinh tác dụng bất lợi, mẫn cảm, bắt buộc cũng phải thay hoặc cắt bỏ thuốc.

Tuỳ tình trạng đáp ứng và mức độ tiến triển bệnh của từng cá thể, phải điều chỉnh tăng giảm thuốc, dùng một thuốc hay nhiều thuốc phối hợp, không thể dùng chung cho mọi trường hợp.

Do vậy, cần khẳng định:

- Không nên dùng thuốc theo đơn cũ của chính mình (đã được kê) trong quá khứ, đơn trị bệnh của người khác có triệu chứng tương tự hay đã được chẩn đoán cùng một bệnh.

- Dùng chưa đúng, chưa đầy đủ khó khỏi dùng sai thuốc không khỏi bệnh, có thể gây tai biến.

- Nhiều thuốc với từng cá thể người bệnh, cần giới hạn liều dùng, đợt dùng và yêu cầu kiểm tra các chỉ số sinh hoá, chức năng sống liên quan, nếu dùng thời gian dài. Với các tình huống đó nếu không được chỉnh lý, chỉ dẫn, dùng sai cách có thể gây tác dụng bất lợi không mong muốn và không loại trừ gây bệnh mới do thuốc, thậm chí gây suy một số cơ quan nội tạng (tim, gan, thận, thượng thận...).


Để dùng thuốc an toàn, cần thực hiện các nguyên tắc và qui định chuyên môn, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 52/2017/TT - BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017 Quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hoá dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú. Trong đó qui định đơn thuốc có giá trị mua, lĩnh thuốc trong thời hạn tối đa 05 ngày, kể từ ngày kê đơn thuốc.

Thực tế điều trị ngoại trú, thì yếu tố thời gian có giá trị 5 ngày cũng chỉ là tương đối, tuỳ diễn biến bệnh, đáp ứng và các bất thường trong quá trình dùng thuốc, có khi chỉ thời gian rất ngắn đã phải thay đổi điều chỉnh.

Do đó, không nên dùng đơn cũ trong quá khứ, đơn kê cho người khác, giá trị điều trị hoàn toàn không thể đạt yêu cầu, chẳng khác gì việc tự ý dùng thuốc, thậm chí có thể bị nhiễu loạn dùng sai không khỏi bệnh và không loại trừ xảy ra các tai biến nguy hiểm.

Không nên dùng theo chỉ dẫn hoàn toàn từ "bác sĩ" Google và quảng cáo phiến diện (đôi khi là quảng cáo lừa dối) trên thông tin đại chúng và mạng xã hội.

Mời độc giả xem thêm video:

7 lợi ích của vitamin C


DSCKI. Trần Đình Bách
Ý kiến của bạn