Tôi nhớ lần đầu gặp ông ở một bữa ăn thân mật 3 người, do ông bạn chung là Chiến Sĩ tổ chức. Có lẽ vào khoảng đầu những năm 60, sau giải phóng Thủ đô. Chiến Sĩ, chắc cũng chạc tuổi ông Tuân là người Đức, tên thật là E.Borchers, một trí thức chống phát-xít, nhập đội quân lê dương Pháp sang ta thời Nhật chiếm đóng, sau liên lạc được với ông Trường Chinh và tham gia Việt Minh, làm địch vận trong kháng chiến chống Pháp, được phong trung tá. Về Hà Nội, ông làm đại diện cho AND, hãng thông tấn xã Đông Đức ở Việt Nam. Ông rất giỏi tiếng Pháp vì đã học đại học cả ở Pháp và Đức.
Bữa cơm Việt rất ngon do vợ Chiến Sĩ là một phụ nữ Việt răng đen làm. Rượu cố nhiên là rượu Tây, nói chuyện cũng tiếng Tây. Cuộc nhậu kéo dài, chuyện miên man về thời sự, về văn hoá Pháp. Từ sau bữa ăn đó, tôi thỉnh thoảng lại gặp, chuyện trò với ông Tuân. Ông hay bàn với tôi về văn học Pháp, ông rất sành về văn hoá và tiếng Pháp. Khi ông đề nghị tặng tôi cuốn Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi năm 1972, ông viết mấy dòng bằng tiếng Pháp, và cầu kỳ dùng bút mấy màu khác nhau. Ngày Quốc khánh Pháp, tổ chức ở sứ quán Pháp, ông ngồi rất lâu ở một góc, nhâm nhi rượu Pháp, có lẽ là khách ra về sau cùng. Vì biết ông rất cẩn thận về tiếng Pháp. Nên khi viết gì liên quan đến ông bằng tiếng Pháp, bao giờ tôi cũng đưa ông xem trước rồi mới cho in. Khi tôi làm chủ bút tạp chí Le Vietnam en marche (tiếng Pháp, Anh) dịch xong bài của ông về tiếng cười của người Việt Nam, tôi đem bản dịch đến cho ông góp ý. Những năm 70-80, ông Nguyễn Khắc Viện và tôi chủ biên bộ Tuyển tập văn học Việt Nam tiếng Pháp 4 tập, 1.000 trang. Về việc chọn tác giả và trích đoạn, chúng tôi được sự giúp đỡ của Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên. Tiểu sử mỗi tác giả chỉ được một hai trăm chữ. Đến trường hợp Nguyễn Tuân, tôi bàn với Tế Hanh, làm sao thu gọn đời văn của ông trong chục dòng. Thống nhất rồi, tôi viết tiếng Pháp để Nguyễn Tuân thông qua: “... cho đến 1945, duy mỹ và đôi chút nghệ sĩ lang thang, Nguyễn Tuân từ chối mọi dấn thân. Nhưng từ Cách mạng 1945, ông quyết định một hướng đi, đi cùng nhân dân như đa số nhà văn thế hệ ông. Là người kể chuyện có duyên, khuấy động bởi một sự tìm hiểu không mỏi mệt, nhất là những gì liên quan đến truyền thống, phong tục tập quán đất nước hay địa phương, ông viết luận văn, ký, truyện ngắn, với phong cách vừa hiện thực vừa lãng mạn”.” Ông Nguyễn Tuân xem từng chữ, đồng ý cho in.
Nhà văn Nguyễn Tuân với nhạc sĩ Văn Cao. |
Ai cũng biết tính ông Tuân thẳng và ngang, không đồng ý điều gì là biểu lộ ra mặt. Có lần, ở một cuộc họp, một vị tai mặt trong giới văn nghệ đang thao thao bất tuyệt, tôi thấy ông từ hàng ghế cuối tiến đến gần bục diễn giả thì quay ra cửa đi thẳng. Ông Tuân hay hài hước mỉa mai sự ngu dốt. Có lần tôi đến chơi, thấy trong góc phòng ông có bầy một cuốn tạp chí Pháp, bìa là chân dung Einstein. Ông mỉm cười cắt nghĩa cho tôi: “Có anh cán bộ chính trị cảnh giác cao, cứ khen mãi Tây nó truy bắt tội phạm tích cực: để truy lùng thủ phạm, nó in ảnh thật to lên bìa báo!” Thì ra anh ta lõm bõm tiếng Pháp, không hiểu chữ recherche là “nghiên cứu” khoa học, lại tưởng nghĩa là truy lùng. Lại không biết mặt nhà khoa học Einstein, tưởng là tội phạm (!).
Nhiều văn nghệ sĩ nước ngoài tìm gặp Nguyễn Tuân để tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Có lần tôi dẫn bà bạn là Francoise Corrèze đến hỏi ông Tuân về ca trù. Về nước, bà đã viết về cuộc gặp trong cuốn Thuyền và lái (Paris- 1984): “Muốn biết về cô đầu, phải đến gặp Nguyễn Tuân ở phòng ông, tầng hai một ngôi nhà cũ, giữa đống sách, tranh và đồ cổ. “Xưởng nghệ sĩ” ấy là nơi ông đã viết và đang viết, nhà văn, nhà viết ký, triết gia ấy đã tiếp chúng tôi. Chúng tôi lắng nghe. Nụ cười của ông vừa đậm đà vừa mỉa mai luôn điểm những lời nói khi tỏa ánh, khi mập mờ, dường như bất tận. Cô đầu bắt đầu hát trong làng, nhiều khi do làng vào đám tế thành hoàng. Các chị nông dân hát, khi tạm bỏ ruộng đồng. Xưa họ hát hay lắm!”.
Nguyễn Tuân ngừng nói, hình như để lắng nghe qua cửa sổ và thời gian.
- Dĩ nhiên, các kỳ mục ngồi chiếu trên!
Chỉ cần ít tiền và ít văn hoá là tạm tổ chức một buổi hát. Cô đầu vừa hát vừa gõ phách. Người kép gẩy chiếc đàn hình chữ nhật không đáy. Khách cầm chầu đánh trống tán thưởng.
- Ông có viết truyện về một ca nương?
- Một truyện ư? ...à, có, có, mà truyện nào rồi chẳng tan biến mất...
Ông Tuân mỉm cười và kể:
- Xưa có một ca nương hát tuyệt hay. Cô yêu anh kép đệm đàn. Anh đột tử. Cô thề sẽ không bao giờ hát nữa. Có người đến năn nỉ cô hát. Cô bảo đã thề không hát nữa, nếu tôi hát, ai là người cầm trống chầu nghe hát sẽ mất mạng! Khách đáp là chết cũng được, xin đổi mạng lấy tiếng hát!
Ca nương cất tiếng hát, nước mắt đầm đìa. Mỗi lời ca rơi một giọt máu của khách. Tới hết bài, cả hai đều chết. Nhân dân lập miếu thờ, gọi là Chùa Đàn...
Người nghe xuýt xoa, xúc động... “Không có miếu đâu, chuyện bịa ấy mà!” Đúng là Nguyễn Tuân!...
Hữu Ngọc