Tôi 65 tuổi, hay bị tiểu buốt, tiểu dắt, kèm theo có cảm giác ngây ngấy sốt. Bạn tôi nói, có thể tôi bị viêm đường tiết niệu giống như ông ấy và khuyên tôi nên uống thuốc kháng sinh. Tôi xin hỏi là có thể dùng được loại thuốc nào để chữa bệnh này?
Lục Ngân Quán (Lào Cai)
Trước hết, muốn biết chính xác có đúng bị viêm đường tiết niệu hay không, bác cần phải đi khám bệnh để xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, từ đó bác sĩ mới có phác đồ chính xác để điều trị bệnh cho bác được.
Người bị viêm đường tiết niệu có thể uống thêm bông mã đề.
Thông thường, viêm đường tiết niệu thường do các loại vi khuẩn gây nên. Loại vi khuẩn hay gặp nhất là E. Coli (chiếm tới khoảng 80% các trường hợp viêm đường tiết niệu ở người lớn). Tại bệnh viện, các bác sĩ có thể soi trực tiếp hoặc cấy khuẩn làm kháng sinh đồ để tìm ra loại kháng sinh thích hợp nhất đối với loại vi khuẩn gây viêm đường tiết niệu. Nếu là vi khuẩn thông thường thì có thể điều trị như sau:
Sử dụng kháng sinh: Các nhóm thuốc hay dùng là cephalosporin thế hệ thứ 3; nhóm thuốc quinolon và trimethoprin kết hợp sulfamethoxazol (bactrim, biseptol)....
Nếu đái buốt nhiều thì có thể uống thêm các thuốc giảm đau, làm giãn cơ trơn như visceralgin hoặc nospa. Tuy nhiên, đây chỉ là phác đồ điều trị chung cho bệnh viêm đường tiết niệu do vi khuẩn thông thường, còn đối với từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh, các bệnh lý đi kèm (nếu có) để quyết định sử dụng thuốc nào, liều lượng, thời gian điều trị thích hợp... Do vậy, bác không nên nghe theo lời “mách” của bạn thân mà tốt nhất bác nên đến chuyên khoa tiết niệu để được khám và tư vấn một các cụ thể.
Ngoài ra, cần đảm bảo uống nhiều nước, khoảng >2 lít/ngày (uống chủ yếu vào ban ngày, không uống vào buổi tối vì gây mất ngủ do phải thức dậy đi tiểu). Có thể uống nước râu ngô, bông mã đề cũng có tác dụng tốt, nhưng quan trọng là phải đủ lượng nước như đã nêu trên.
TS. Nguyễn Hải