Viêm mũi dị ứng là một bệnh dị ứng phổ biến với tỷ lệ mắc ngày càng cao. Viêm mũi dị ứng là một phản ứng viêm đối với các chất gây dị ứng trong niêm mạc mũi, gây ra các triệu chứng chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa mũi và nghẹt mũi.
Việc điều trị viêm mũi dị ứng bao gồm nhiều lựa chọn khác nhau, bao gồm các liệu pháp điều trị không dùng thuốc, thuốc kháng histamin, corticosteroid tại chỗ, thuốc chống phù nề sung huyết, thuốc đối kháng thụ thể leukotriene đường uống, chất ổn định tế bào mast....
1. Tác dụng của thuốc kháng histamin
Histamin là một trong những chất trung gian giữ vai trò quan trọng trong sốc phản vệ và phản ứng dị ứng. Histamin được tìm thấy ở khắp các mô trong cơ thể nhưng sự phân bố của nó không đồng đều. Histamin được dự trữ nhiều nhất trong các tế bào mast ở các mô và trong các hạt bài tiết của tế bào ưa kiềm. Do vậy, histamin có chủ yếu ở các mô phổi, ruột, da là nơi tế bào mast xuất hiện tương đối nhiều.
Khi bị tác động của các yếu tố bên ngoài (lạnh, hóa chất, bụi trong không khí...), các tế bào chứa phức hợp này bị kích thích giải phóng ra histamin dạng tự do. Lượng histamin này vượt ngưỡng cho phép của cơ thể và gắn với những vị trí nhạy cảm gọi là thụ thể histamin tại tế bào đích gây ra phản ứng dị ứng. Histamin H1 tác động trên đường hô hấp gây sổ mũi, ngạt mũi. Lliều nhỏ histamin cũng có thể gây co thắt cơ trơn khí phế quản, làm xuất hiện các cơn khó thở giống hen phế quản.
Các thuốc kháng histamin H1 đóng vai trò là đối kháng cạnh tranh với thụ thể histamin tại tế bào đích, làm histamin không gắn được với thụ thể nên không có tác dụng trên tế bào.
Viêm mũi dị ứng gây ra các triệu chứng chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa mũi và nghẹt mũi...
2. Vai trò của thuốc kháng histamin trong điều trị viêm mũi dị ứng
Hiện nay, thuốc kháng histamin sử dụng trong điều trị viêm mũi dị ứng dưới 2 dạng: Đường uống hoặc dùng tại chỗ ở mũi.
2.1. Thuốc kháng histamin đường uống:
Thuốc kháng histamin đường uống được khuyến cáo là thuốc đầu tay ở những bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ của viêm mũi dị ứng hoặc những người có triệu chứng chính là hắt hơi và ngứa. Những thuốc này có hiệu quả làm giảm hầu hết các triệu chứng của viêm mũi dị ứng như ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi và chảy nước mắt nhưng chúng không làm giảm nghẹt mũi.
Thuốc kháng histamin đường uống được chia thành hai thế hệ, khác nhau bởi tác dụng phụ và liều lượng của chúng. Tất cả các thuốc đều có hiệu quả như nhau.
- Thuốc kháng histamin đường uống thế hệ đầu tiên bao gồm diphenhydramine, chlorpheniramine, hydroxyzine, promethazine, brompheniramine.
Tác dụng phụ phổ biến nhất và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của bệnh nhân nhất là tác dụng an thần, gây buồn ngủ. Ngoài ra thuốc còn gây khô miệng, khô mắt, bí tiểu và lú lẫn do tác dụng kháng cholinergic của thuốc. Bên cạnh đó, thời gian thuốc tác dụng ngắn nên người dùng phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày.
- Thuốc kháng histamin đường uống thế hệ thứ hai có tất cả các lợi ích của thuốc thế hệ thứ nhất mà không có tác dụng an thần và kháng cholinergic.
Thuốc kháng histamin thế hệ thứ hai được dung nạp tốt nhưng không vượt qua hàng rào máu não như thuốc thế hệ 1 nên không có tác dụng an thần, thường được dùng một lần hoặc hai lần mỗi ngày. Do đó, các thuốc này được sử dụng phổ biến hơn để kiểm soát viêm mũi dị ứng.
Các thuốc nhóm này bao gồm cetirizine, loratadine, fexofenadine, desloratadine và levocetirizine...
Việc sử dụng thuốc kháng histamin trị viêm mũi dị ứng cần dùng đúng chỉ định của bác sĩ.
2.2. Thuốc kháng histamin dùng tại chỗ
Đây là phương pháp điều trị hiệu quả thứ hai sau thuốc kháng histamin đường uống cho bệnh nhân có các triệu chứng viêm mũi dị ứng nhẹ và có thể được sử dụng cho những bệnh nhân có các triệu chứng từ trung bình đến nặng của viêm mũi dị ứng.
Trong các thử nghiệm lâm sàng, thuốc kháng histamin dùng qua đường mũi được chứng minh là ngang bằng hoặc vượt trội hơn so với thuốc kháng histamin đường uống trong việc kiểm soát triệu chứng như nghẹt mũi và ít gây tác dụng toàn thân.
Những thuốc này đã được chứng minh là có lợi ở những bệnh nhân không đáp ứng với thuốc kháng histamin đường uống. Thuốc kháng histamin đường mũi có thời gian bắt đầu tác dụng từ 15 đến 30 phút và được chấp thuận sử dụng cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên.
Azelastin là thuốc thuộc nhóm này, được dùng hai lần mỗi ngày. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm nhức đầu, an thần và có vị đắng sau khi dùng.
3. Lời khuyên dùng thuốc an toàn
Để dùng thuốc an toàn trị viêm mũi dị ứng cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Thuốc kháng histamin chống chỉ định tuyệt đối cho bệnh nhân glaucom góc hẹp và glaucom góc đóng bởi vì cơ chế kháng cholinergic của thuốc có thể gây tác dụng tăng nhãn áp. Cần thận trọng khi dùng thuốc cho người bị bệnh gan và người phì đại tuyến tiền liệt.
- Hầu hết các thuốc kháng histamin H1 đều có nhiều tác dụng phụ nên phải dùng đúng liều lượng và thời gian, theo chỉ định của bác sĩ, không nên lạm dụng thuốc, đặc biệt chú ý ở các đối tượng phụ nữ mang thai và trẻ em.
- Trong khi dùng thuốc kháng histamin, đặc biệt là thuốc kháng histamin thế hệ 1, người bệnh cần tránh uống rượu. Nguyên nhân là rượu có thể làm tăng tác dụng an thần của thuốc và đồng thời cũng cần lưu ý chặt chẽ khi dùng các thuốc an thần kết hợp với thuốc kháng histamin.
- Thuốc kháng histamin chỉ giúp điều trị triệu chứng dị ứng (ngưa, hắt hơi, chảy nước mũi...) chứ không điều trị được nguyên nhân nên không giúp bệnh nhân khỏi bệnh được hoàn toàn. Do vậy, điều quan trọng là phải tìm ra và loại trừ các tác nhân gây dị ứng (thuốc, mỹ phẩm, bụi, thời tiết, thức ăn...) mới có thể trị được bệnh. Việc dùng thuốc do đó cũng phải kiên trì, phải dùng nhiều đợt mới hạn chế được tái phát.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Adenovirus- Nghi phạm gây bệnh viêm gan bí ẩn có khả năng gây bệnh gì?