1. Kem dưỡng ẩm hoạt động thế nào?
Các chất dưỡng ẩm hoạt động theo 3 cơ chế:
-Cơ chế bít: Chất dưỡng ẩm tạo trên da một lớp màng, giúp da tránh mất nước. Loại này có 2 chất điển hình là vaseline và lanolin. Kem dưỡng ẩm này có ưu điểm là dưỡng ẩm sâu, tác dụng kéo dài, ít gây kích ứng vì không chứa nhiều thành phần, giá thành rẻ. Tuy nhiên, vaseline và lanolin có nhược điểm là gây nhờn da. Hơn nữa do cơ chế gây bít nên dễ gây viêm nang lông.
-Cơ chế phục hồi hàng rào bảo vệ: Loại này bao gồm ceramide, cholesterol, các acid béo tự do… Các thành phần trong kem dưỡng này giống lớp hàng rào bảo vệ của cơ thể. Chúng ngăn chặn quá trình thẩm thấu, từ đó khóa độ ẩm, ngăn khô da và da kích ứng với thời tiết.
- Cơ chế hút nước: Khi dùng kem dưỡng ẩm loại này, sẽ hút nước từ môi trường và từ dưới da lên. Các chất này gồm: Glycerin, các loại rượu mạch carbon thấp, ure, acid lactic, HA… Ưu điểm của loại chất dưỡng ẩm này là không gây viêm nang lông, nhưng có nhược điểm là có thể gây kích ứng da (ure, lactic…), ít tác dụng khi môi trường có độ ẩm thấp.
Để tăng tác dụng dưỡng ẩm và hạn chế các nhược điểm của từng chất, trên thị trường hiện nay các sản phẩm dưỡng ẩm thường phối hợp các chất có các cơ chế trên.
2.Cách chọn sản phẩm dưỡng ẩm phù hợp
Các sản phẩm dưỡng ẩm có các dạng:
- Dạng mỡ, điển hình là mỡ vaseline.
- Dạng kem phổ biến trên thị trường.
- Dạng dung dịch lỏng.
Chọn dưỡng ẩm phù hợp phụ thuộc vào các yếu tố: Vị trí thoa, đặc điểm da khô, tuổi tác, thời tiết và tình trạng da bị bệnh.
Tuy nhiên, về mặt thẩm mỹ và hiệu quả, thì các loại dưỡng ẩm dạng mỡ mang lại hiệu quả dưỡng ẩm hơn dạng cream và dạng dung dịch, cho hiệu quả dưỡng ẩm sâu và kéo dài. Nhược điểm là gây cảm giác khó chịu do cơ chế bít và mất thẩm mỹ hơn do dính và nhờn. Vì thế, để phù hợp thì nên dùng dạng mỡ vào buổi tối, dạng cream hoặc dạng dung dịch vào ban ngày. Khi tổn thương khô nhiều nên dùng dạng mỡ.
Với trường hợp viêm da cơ địa có tổn thương ở mặt, da có mụn hoặc có xu hướng gây mụn, chú ý không dùng các loại dưỡng ẩm có cơ chế gây bít tắc. Nên dùng loại có cơ chế hút nước như glycerin.
Với tổn thương ở bàn tay bàn chân ưu tiên dưỡng ẩm chứa ure. Tổn thương ở vùng lông như da đầu, nên ưu tiên dùng dạng dung dịch.
Với tổn thương đang giai đoạn chảy dịch, ưu tiên dạng dung dịch, tổn thương khô da do dày sừng nhiều ưu tiên dạng mỡ. Riêng với trẻ bị viêm da cơ địa đang bị viêm nặng nên điều trị chống viêm trước, sau đó mới dùng dưỡng ẩm, do dưỡng ẩm khó dung nạp trong giai đoạn viêm nặng.
Với trẻ em cũng không khuyến cáo sử dụng dưỡng ẩm chứa ure. Bởi chất này có thể gây kích ứng da và rối loạn chức năng thận ở trẻ nhỏ, trừ khi có chỉ định của bác sĩ da liễu và phải dùng với nồng độ thấp. Dưỡng ẩm propylene glycol cũng dễ gây kích ứng cho trẻ dưới 2 tuổi nên cũng không khuyến cáo dùng cho trẻ em.
Với mùa hè ra nhiều mồ hôi, nên dùng dạng dung dịch vì dễ dung nạp hơn. Nếu tổn thương quá khô có thể dùng dạng cream hoặc mỡ. Với mùa đông khô hanh dạng dung dịch dưỡng ẩm không sâu và chỉ được thời gian ngắn nên dùng dạng mỡ hoặc dạng kem.
Nếu tình trạng khô da có ngứa kèm theo có thể sử dụng dưỡng ẩm có thành phần giảm ngứa như menthol, bisabolol.
3.Cách dùng dưỡng ẩm đúng
Dưỡng ẩm nên được dùng đều đặn mỗi ngày ít nhất 2 lần với đủ lượng cần thiết. Trường hợp bị viêm da cơ địa, trung bình với người lớn cần dùng khoảng 250g/tuần, trẻ em cần khoảng 100g/tuần.
Cần dưỡng ẩm duy trì lâu dài để hạn chế tình trạng da khô tái phát. Ngay cả khi đã hết tổn thương vẫn phải bôi vì tình trạng viêm vi thể ở dưới da vẫn còn.
Nên dưỡng ẩm cho da sau tắm 5 phút. Sử dụng sớm sau sinh cho trẻ có yếu tố nguy cơ cao bị viêm da cơ địa có thể làm giảm tỷ lệ bị viêm da cơ địa về sau.
Ngoài biện pháp dưỡng ẩm, các trường hợp đang bị viêm da cơ địa có thể cần dùng cùng với thuốc điều trị như corticoid. Nên dưỡng ẩm trước bôi corticoid ít nhất 30 phút. Với tacrolimus bôi dưỡng ẩm trước ít nhất 60 phút.
Mời độc giả xem thêm video:
Sốt xuất huyết - Những sai lầm khiến bệnh chuyển nặng