Mặc dù cuối năm 2010, Tòa án phúc thẩm thành phố Paris (Pháp) đã khép lại hồ sơ về vụ hormon tăng trưởng đã gây ra cái chết thương tâm cho hàng trăm thanh niên, nhưng cho đến nay, danh sách các nạn nhân bị nhiễm bệnh bò điên do sử dụng loại hormon này vẫn đang ngày một dài ra. Sau gần 30 năm, bóng đen vẫn bao phủ lên danh tiếng của Viện Pasteur Paris chỉ bởi sự bất cẩn, cẩu thả của những người “mượn” danh “nhà khoa học”!
Những tuyến yên “có vấn đề”
Viện nghiên cứu Pasteur Paris từ lâu là một trong những gương mặt lớn của nền y khoa nước Pháp. Nhưng trong suốt gần 30 năm qua, viện đã phải đương đầu với một xì-căng-đan lớn và cho đến nay mọi việc vẫn chưa kết thúc. Câu chuyện bắt đầu với hormon tăng trưởng (HTT). Từ những năm 1970, giới khoa học Pháp đã chiết xuất HTT từ tuyến yên nằm trong gốc não của các xác chết để chữa bệnh lùn ở trẻ em (do tuyến yên hoạt động kém). Xác định đây là một cơ hội làm ăn lớn và để hợp lý hóa việc sản xuất, tiêu thụ HTT, năm 1973, Pháp thành lập Hiệp hội Tuyến yên quốc gia (AFH) có nhiệm vụ thu thập tuyến yên từ những xác chết trong các bệnh viện. Những “nguyên liệu” này được gửi cho Viện Pasteur Paris để chiết xuất ra những lọ HTT, đóng gói 5g rồi giao cho Công ty Dược phẩm Trung ương Pháp (PCH) tiêu thụ. AFH tìm hàng, Viện Pasteur sản xuất, PCH phân phối, còn cha mẹ của những trẻ em mắc bệnh lùn thì tin tưởng sử dụng và vui vẻ khi thấy lũ trẻ cao lớn thêm.
Công việc làm ăn rất phát triển. Nhưng rắc rối bắt đầu vào cuối năm 1982, khi nguồn cung nguyên liệu tuyến yên trong nước không đủ cầu. Viện Pasteur đã nghĩ đến việc nhập khẩu tuyến yên. Họ liên lạc với Công ty Maimex (Bulgarie) và Công ty Techland (Bỉ) để ký hợp đồng nhập khẩu. Mọi việc tưởng suôn sẻ, nhưng đến năm 1985, một số bệnh nhân trẻ được dùng HTT đã xuất hiện triệu chứng của bệnh bò điên, đầu tiên ở Mỹ sau đó đến Pháp. Số người nhiễm bệnh ngày một gia tăng.
Những lô hàng HTT bắt đầu được lôi ra xem xét dẫn đến sự khai hỏa cho hàng loạt cuộc điều tra phức tạp. Phải nói là “phức tạp” vì về mặt khoa học, Viện Pasteur còn phải pha chế trước khi giao cho PCH để phân phối. Bản thân PCH cũng “gia cố” những lô hàng này trước khi tung ra thị trường. Tóm lại, một tuyến yên “có vấn đề” sẽ gieo họa cho nhiều người, trong khi công việc truy tìm nguyên nhân là rất khó, nếu không muốn nói là bất khả thi. Ban đầu, người ta gieo nghi vấn cho các đầu mối cung cấp mà không hề nghi ngờ gì bên sản xuất cũng như bên tiêu thụ. Bấy giờ, chẳng mấy ai nghĩ rằng Viện Pasteur có thể phạm sai lầm, vì danh tiếng của viện quá lớn. Về sau, khi sự việc trở nên trầm trọng thì cả 3 mắt xích: Viện Pasteur, AFH và PCH bắt đầu đổ lỗi cho nhau.
Đến năm 1988, khi HTT đã được tổng hợp thành công và việc thu thập tuyến yên trong các nhà xác chấm dứt thì Viện Pasteur Paris đã “xử lý” khoảng 200.000 tuyến yên được rút thẳng từ những xác chết mà nhiều người tin rằng xuất xứ của nó là từ các nước nghèo của châu Phi, nơi nội chiến và bệnh AIDS tạo ra vô số xác chết. Đã thế, công việc rút tuyến yên thường được thực hiện bởi các sinh viên mà không được kiểm tra và nhất là không cần biết đến nguyên nhân tử vong của người chết.
Tuyến yên - Nơi tiết ra hormon tăng trưởng. |
Cái giá phải trả cho sự cẩu thả
Tháng 6/2001, bệnh nhân mắc bệnh bò điên do sử dụng HTT đầu tiên qua đời ở tuổi 30, đó là Pascale Fachin người Pháp. Mọi chuyện trở nên rùm beng khi gia đình Pascale khởi kiện những cơ quan liên quan. Tòa án yêu cầu gia đình Pascale phải được bồi thường 600.000 euro do cả Viện Pasteur và AFH chi trả. Sau đó, những gia đình khác cũng bắt đầu lên tiếng. GS. Dray ở Viện Pasteur là người đề nghị nhập khẩu tuyến yên vào năm 1982 gặp rắc rối, bị kết tội ngộ sát, lạm dụng tín nhiệm, nhập khẩu bất hợp pháp. Không những thế, phiên tòa còn làm sáng tỏ hậu trường vốn mờ ám của công việc thu thập tuyến yên. Người ta phát hiện ra rằng, GS. Dray đã được hưởng 5% cho mọi vụ mua bán giữa Viện Pasteur và các công ty đối tác. Số tiền chênh lệch trong các vụ mua đi bán lại là không nhỏ. Trong đường dây mù mờ và kỳ quặc này, người ta chỉ chú ý đến lợi nhuận mà không hề quan tâm đến chất lượng của các sản phẩm do mình cung cấp.
Tính đến phiên tòa cuối cùng gần đây nhất (kết thúc vào ngày 24/11/2010) đã có 11 nhà khoa học, bác sĩ và nhân viên y tế phải ra hầu tòa. Trong phiên sơ thẩm kéo dài từ tháng 1 - 5/2008, 7 bác sĩ và điều dưỡng đã được tuyên vô tội. Đến phiên tòa phúc thẩm cuối năm 2010, chỉ còn 2 bị cáo là Fernand Dray, 88 tuổi - cựu giám đốc một phòng thí nghiệm của Viện Pasteur và Elisabeth Mugnier, 61 tuổi - bác sĩ nhi khoa đã nghỉ hưu và một bị cáo khác đã qua đời là ông Marc Mollet - Giám đốc Cơ quan Quản lý thuốc các bệnh viện (PCH). Cáo trạng đối với Fernand Dray và Elisabeth Mugnier vẫn như cũ: Ngộ sát do “bất cẩn và cẩu thả” khi điều trị cho 1.698 trẻ em bằng hormon điều chế từ tuyến yên lấy trên người chết. Tính đến nay đã có 120 em bị thiệt mạng trong khi ở phiên tòa sơ thẩm chỉ thấy báo cáo là 115 em. Do ủ bệnh kéo dài tới hơn 30 năm nên con số này có thể còn tăng thêm.
Theo bên nguyên, sự cẩu thả trải dài suốt quá trình sản xuất hormon. Các công ty cung cấp chỉ chú trọng đến hiệu suất và thu hoạch tuyến yên cả trên những thi thể đáng ngờ. Sau đó, Viện Pasteur chiết xuất hormon mà không thực hiện các biện pháp thanh trùng cần thiết. Còn PCH thì không hề kiểm tra. Các quan tòa qua tổng hợp lời khai đã phán quyết rằng: “Từ năm 1980, các bác sĩ, nhà sinh học và dược sĩ tham gia vào quá trình sản xuất và phân phối hormon đã ý thức được rằng, những bệnh nhân được điều trị bằng hormon đó có nguy cơ nhiễm bệnh bò điên, tuy nhiên, do cẩu thả, thiếu trách nhiệm và tham lợi nhuận, người ta vẫn để cho những liều HTT “có vấn đề” lưu hành trên thị trường”. Phán quyết này được đúc kết sau 16 năm điều tra đã khiến gia đình các nạn nhân sững sờ.
Sau vụ kiện, Tổng giám đốc đương nhiệm Viện Pasteur Paris, ông Philippe Kourilsky và các cộng sự vẫn phải gánh chịu một khoản bồi thường khổng lồ. Theo ước tính của một số nhà chuyên môn, tính đến giờ, số tiền mà viện phải bồi thường cho các gia đình nạn nhân đã gần 100 triệu euro (trên nguyên tắc). Đây thực sự là một đám mây đen tối mà viện nghiên cứu danh tiếng này chưa thể xua tan trong ngày một ngày hai.
Liên Nhi (Theo Figaro Magazine)