Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, trong số 2% người mắc Covid-19 tử vong, phần lớn là người có bệnh nền, người có thể trạng kém. Điều này cho thấy việc làm tăng sức đề kháng giúp cơ thể khỏe mạnh có thể khiến bạn an tâm hơn với dịch bệnh.
Khỏe sẽ lướt qua dịch bệnh
Trong thời điểm này, tăng cường dinh dưỡng để duy trì một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp chúng ta phòng chống các tác nhân gây bệnh có chứa virus corona. Vì vậy, để các bộ máy của cơ thể, trong đó có bộ máy miễn dịch hoạt động bình thường thì cần có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng. Như vậy, trong thành phần bữa ăn hàng ngày của chúng ta cần có chất bột đường để cung cấp năng lượng, chất đạm, chất béo để xây dựng nên các thành phần của một hệ miễn dịch.
Mỗi loại thực phẩm có một số chất dinh dưỡng đặc hiệu. Do đó, chúng ta nên ăn đa dạng, cân bằng tất cả các loại thực phẩm như ăn cân bằng nhóm thực phẩm giàu chất bột đường từ cơm, bún, phở, bánh mì,… Cân bằng với nhóm thực phẩm giàu chất đạm từ thịt, cá, trứng, sữa, một ít chất béo từ dầu hoặc các loại hạt và tăng cường gấp đôi rau xanh, trái cây trong khẩu phần để có thể cung cấp cho cơ thể đầy đủ các chất dinh dưỡng. Như vậy, khi cơ thể có đầy đủ chất dinh dưỡng đồng nghĩa với chúng ta có một hệ miễn dịch khỏe mạnh và tăng sức đề kháng để chống lại virus.
Cần tăng cường gấp đôi rau xanh, trái cây trong khẩu phần ăn
Chỉ cần vitamin, khoáng chất, chưa đủ!
Một số thực phẩm có nhiều vitamin C, vitamin A, vitamin -carotene, kẽm, polyphenol,… đây là những chất chống oxy hóa, có vai trò kháng khuẩn và hỗ trợ hệ miễn dịch, chống lại các tác nhân gây bệnh. Chẳng hạn sơ-ri, cam, bưởi, các loại ớt chuông, ổi, các loại rau có màu xanh đậm…có rất nhiều vitamin C, vitamin E sẽ tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Các loại thực phẩm khác như sữa tách béo, trứng, hải sản có nhiều vitamin D giúp phòng ngừa và hạn chế nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Ngoài ra, các loại hạt như hạt bí, hạt hướng dương, hạt điều, hạt óc chó... có nhiều kẽm, polyphenol.Đây là những thành phần có những chất chống oxy hóa.Đồng thời, hỗ trợ, cải thiện đường tiêu hóa của chúng ta tốt hơn.
Một số thực phẩm đặc biệt khác như trà, tỏi, hành, gừng trong thành phần của nó có những chất chống viêm và làm tăng hoạt động của hệ tế bào miễn dịch.
Sữa chua sẽ cung cấp một nguồn probiatic. Đây là những lợi khuẩn đường ruột, giúp cho chúng ta chống lại những tác nhân gây bệnh từ virus và các chất xơ tan từ gạo ít xay xát, lúa mạch, cam, chuối, khoai lang,… sẽ cung cấp nguồn bổ dưỡng cho lợi khuẩn đường ruột này.
Bên cạnh đó, chúng ta cần uống đủ nước, ít nhất 1,5l mỗi ngày và nhiều hơn khi tập thể dục, vận động mạnh vì nước tham gia vào tất cả các quá trình sinh lý của cơ thể. Một khi cơ thể bị mất nước các tác dụng chống lại các tác nhân gây bệnh cũng bị ảnh hưởng theo.
Không có thực phẩm riêng bảo vệ phổi
Hệ hô hấp cũng giống như tất cả các hệ cơ quan khác trong cơ thể, đều phụ thuộc vào bộ máy miễn dịch chung, bao gồm các tế bào diệt vi khuẩn và các kháng thể. Để các tế bào hoạt động bình thường đều cần những chất dinh dưỡng nói trên, và không có thực phẩm đặc biệt nào dành riêng cho hệ hô hấp để tăng cường sức đề kháng.
Theo một số nghiên cứu, nếu cơ thể thiếu vitamin D làm cho tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn. Vì vậy, chúng ta phải bảo đảm vitamin D cho cơ thể. Đối với vitamin D có 2 nguồn cung cấp từ ánh nắng mặt trời hoặc từ thực phẩm như sữa tách béo hoặc hải sản, trứng, nấm,…
Thành phần trong thực phẩm chức năng sẽ nhiều hơn so với những chất dinh dưỡng lấy từ thực phẩm cần thiết.
Đối với những người khỏe mạnh, bình thường nếu sử dụng thường xuyên những thuốc hoặc thực phẩm chức năng có khả năng dư vitamin và khoáng chất cho cơ thể hoặc gây ra những tác dụng phụ đối với cơ thể.
- Tại Ấn Độ nhiều người tin rằng chà phân bò lên người sẽ ngăn được virus. Còn tại Myanmar nhiều người truyền nhau lời khuyên nên đặt tiêu trên lưỡi để chống virus.
- Không chỉ Ấn Độ và Myanmar, dưới sức mạnh của công nghệ 4.0, nhiều nước khác cũng mách nhau nhưng tuyệt chiêu dân dã ngăn virus corona như uống nước tỏi đun sôi, ngậm muối, bôi dầu mè… Các thông tin này nhiều và phát liên tục trên mạng xã hội, nhất là các nhóm chat khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải lên tiếng bác bỏ những phương pháp vô căn cứ này.
- Theo WHO, tỏi là một thực phẩm rất tốt cho sức khỏe và có thể có một số tính kháng khuẩn, tuy nhiên, hiện nay không có bằng chứng từ đợt phát hiện virus corona cho thấy ăn tỏi bảo vệ mọi người khỏi virus Covid-19 (2019-nCoV). Dầu mè có giá trị dinh dưỡng nhưng nó cũng không diệt được virus Covid-19.WHO cho biết việc tự ý sử dụng vitamin C, kháng sinh, đeo nhiều khẩu trang cũng không được khuyến cáo vì không hiệu quả, mà ngược lại có thể gây hại.Kể cả việc súc họng cũng chỉ giúp sát khuẩn vệ sinh vùng miệng và hầu họng chứ không ngăn nhiễm nCoV.