Trong các hội nghị khoa học bàn về năng lượng sạch, mọi người đều hiểu rằng các nhà máy nhiệt điện chạy than là những quả bom môi trường trong tương lai và các nước nên tránh. Các nhà quản lý cần rất thận trọng và có những điều chỉnh vừa đảm bảo chính sách năng lượng, lại không tổn hại đến môi trường...
Đánh giá tác động môi trường đối nghịch thực tế
Theo Quy hoạch điện 7 (điều chỉnh), trong giai đoạn 2016-2030, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thêm 23 nhà máy điện các loại, không kể các nhà máy nhiệt điện đã có. Trong đó có tới 14 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 18.268MW. Quy hoạch mới hủy bỏ 5 nhà máy nhiệt điện than, gồm: An Giang, Kiên Lương 1, 2, 3 và Sông Hậu 3. Tuy nhiên lại bổ sung 3 nhà máy nhiệt điện Long An 2, Tân Phước 1, Tân Phước 2 và quy hoạch mới nhà máy nhiệt điện Tiền Giang.
Các nhà khoa học cho rằng, báo cáo đánh giá tác động môi trường của hai nhà máy của Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) khá sơ sài.
Trong hội thảo ngày 19/9 tại TP. Cần Thơ, các nhà khoa học đã tỏ ra lo ngại về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của một số nhà máy nhiệt điện than và cho rằng, đó là những “Formosa tương lai” khắp mọi nơi. Theo các chuyên gia môi trường tại hội thảo thì nhìn vào tất cả các ĐTM đều thấy có sự rập khuôn, trước tiên khẳng định dự án là cần thiết, không thể không làm và nằm trong quy hoạch, sau đó là tìm cách đánh giá “bóp méo” mức độ ô nhiễm. Ví dụ: Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải ở tỉnh Trà Vinh có tới 4 nhà máy nhưng chủ đầu tư chỉ làm ĐTM từng nhà máy, không có ĐTM tích lũy của cả 4 nhà máy này, mỗi nhà máy thì nhỏ nhưng tổng ô nhiễm lại lớn.
Bên cạnh đó, có một điểm chung mà nhiều nhà khoa học cùng bày tỏ lo ngại là quy định tham vấn cộng đồng của ĐTM. Chẳng hạn ĐTM của Nhà máy giấy Lee & Man chỉ lấy ý kiến của 20 người dân, nhưng ý kiến của họ là yêu cầu bồi thường thỏa đáng, cho con vào làm việc trong nhà máy, không nói gì đến ô nhiễm môi trường hay các tác động KT-XH họ có thể gặp phải. Có thể thấy, nếu không nhanh chóng sửa đổi, điều chỉnh quy định về ĐTM thì trong tương lai còn xuất hiện thêm nhiều “Formosa” khắp mọi nơi.
Hại nhiều hơn lợi
Điều đáng lo nhất là ô nhiễm không khí từ nhiệt điện than, những chất có trong khí thải từ nhiệt điện than gồm: hạt bụi PM, SO2, Nox, CO2. Quy hoạch điện 7 cũng ước tính được thiệt hại “khủng” từ việc phát triển nhiệt điện than. Theo đó, thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra bởi nhiệt điện đến năm 2030 là 9 tỷ USD, thiệt hại do mưa axit là 729 triệu USD và các chi phí liên quan đến vấn đề sức khỏe do bụi SO2, Nox là 639 triệu USD. Nghiên cứu của Đại học Harvard năm 2015 cho biết, ô nhiễm từ nhiệt điện than có thể làm 31.000 người Việt Nam chết yểu mỗi năm, riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long con số này khoảng 8.000 người.
Theo TS. Trần Văn Bình, một chuyên viên tư vấn bậc cao ngành năng lượng và môi trường tại CHLB Đức, những nhà máy phát điện than này tạo ra rất nhiều khói xỉ/mụi nên phải có những hệ thống làm sạch qua nhiều giai đoạn, chất khí thải ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Ngoài ra, một tỷ lệ lớn khí CO2 được tạo ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch ở các nhà máy nhiệt điện này.
Ngày nay, trên thế giới rất nhiều quốc gia đã và sẽ đóng cửa nhiều nhà máy nhiệt điện đốt nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, khí... nhất là đốt than để tránh gây ô nhiễm, tàn phá môi trường, thì tại Việt Nam các nhà máy mới không ngừng được xây dựng.
Nhiều trí thức, chuyên gia khuyến cáo, nên nghiên cứu, kêu gọi đầu tư vào năng lượng xanh và sạch như điện gió và điện mặt trời tốt hơn là làm điện than. Bởi lẽ, khí độc từ than thổi đi khắp nơi, lan tỏa không giới hạn địa phương hay vùng miền nào cả. Bài học từ ô nhiễm bụi đen của Thủ đô Trung Quốc, rồi Vĩnh Tân - Tuy Phong - Bình Thuận là những ví dụ, kinh nghiệm đau thương. Thiết nghĩ, Việt Nam cần phải điều chỉnh chiến lược phát triển nguồn năng lượng theo xu hướng chung của các nước tiên tiến trên thế giới.