Đừng gặm của người nghèo

12-05-2013 01:15 | Thời sự
google news

Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Quảng Nam vừa thực hiện lệnh bắt tạm giam, phục vụ điều tra, bị can Trần Thị Tuyết Hoa, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thắng, đơn vị được huyện Phước Sơn giao khai thác 496m3 gỗ để làm nhà 167 cho người nghèo, theo chương trình 30a của Chính phủ.

Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Quảng Nam vừa thực hiện lệnh bắt tạm giam, phục vụ điều tra, bị can Trần Thị Tuyết Hoa, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thắng, đơn vị được huyện Phước Sơn giao khai thác 496m3 gỗ để làm nhà 167 cho người nghèo, theo chương trình 30a của Chính phủ. Đây là vụ án được cơ quan công an xác định quá phức tạp bởi vụ án chiếm đoạt hàng trăm mét khối gỗ làm nhà cho người nghèo liên quan đến nhiều đối tượng. Theo cơ quan chức năng, Công ty TNHH Hoàng Thắng là 1 trong 2 đơn vị được huyện Phước Sơn giao khai thác 600m3 gỗ để làm nhà 167 cho người nghèo, nhưng công ty này đã dùng gỗ phế phẩm, gỗ kém chất lượng để làm nhà cho dân và mang hơn 225m3 gỗ quý để đóng cửa, khung ngoại, la phông cao cấp của nhà biệt thự để bán. Tính chất nghiêm trọng của vụ án thể hiện ở việc các đối tượng đã dựa vào chủ trương lớn của Chính phủ là làm nhà cho người nghèo để chiếm đoạt hàng trăm mét khối gỗ quý và tàn phá hàng chục hécta rừng. Dư luận đang rất quan tâm đến vụ án này bởi để xảy ra vụ việc là có sự thông đồng của cả một đường dây. Gỗ không đến được với người nghèo cũng đồng nghĩa với một điều là hàng chục tỷ đồng rơi vào túi những kẻ bất lương. Điều đáng nói ở đây là vụ án này dù đã xảy ra gần 3 năm, nhưng bây giờ các cấp, ngành liên quan của tỉnh Quảng Nam mới đưa được vụ việc này ra ánh sáng.

Trước đó, ngày 15/3, Hội đồng kỷ luật UBND huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa ra quyết định buộc thôi việc đối với ông Nguyễn Văn Ba, công chức văn hóa xã Hoằng Xuyên về hành vi lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái quy định của pháp luật với mục đích vụ lợi cá nhân, ăn chặn tiền hỗ trợ hộ nghèo xây nhà. Trước đó, sau khi nhận được đơn thư tố cáo, UBND huyện Hoằng Hóa đã thành lập đoàn thanh tra xác minh sự việc. Theo kết luận thanh tra, 62 hộ nghèo ở xã Hoằng Xuyên được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà ở đều đã ký nhận đủ số tiền 7,2 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, sau đó có 5 hộ phải đưa lại cho ông Nguyễn Văn Ba một phần kinh phí với lý do là tiền bồi dưỡng, làm thủ tục hồ sơ, chi phí xăng xe... Ông Ba đã nhận của 5 hộ dân này 14,6 triệu đồng. Trước hành vi nghiêm trọng của ông Ba, UBND huyện Hoằng Hóa đã thống nhất buộc thôi việc đối với ông này. Liên quan đến vụ việc, Chủ tịch UBND xã Hoằng Xuyên, ông Nguyễn Văn An cũng bị cảnh cáo vì buông lỏng công tác quản lý nhà nước, để công chức chuyên môn lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái.

Cũng trong tháng 3/2013, Chi bộ ấp 4, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang vừa thông qua hình thức kỷ luật về mặt Đảng đối với ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ấp 4 vì dính líu tới việc ăn chặn tiền chế độ hộ nghèo, tiền Tết của gia đình khó khăn. Sau Tết Quý Tỵ 2013, nhiều hộ dân ở ấp 4 tố cáo ông Dũng không phát tiền chế độ chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Qua kiểm tra, UBND xã Hòa Mỹ phát hiện ông Dũng có dấu hiệu sai phạm trong việc ký khống để nhận tiền chế độ hộ nghèo, tiền hỗ trợ Tết... của nhiều hộ ở địa phương để chi tiêu cá nhân.

Nước ta hiện còn hàng triệu hộ nghèo với khoảng 10 triệu người đang sống trong cảnh khó khăn. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ thường quan tâm hỗ trợ tiền, gạo cho người nghèo và đối tượng chính sách được hưởng Tết đầy đủ như mọi người khác. Nhưng những hành động ăn chặn của một bộ phận đơn vị và cán bộ như con sâu làm rầu nồi canh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Các đối tượng sai phạm đã bị xử lý nghiêm trước pháp luật, tuy nhiên dư luận cho rằng, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn ngay từ cấp cơ sở. Có như thế, những manh nha ăn chặn của người dân mới được ngăn chặn kịp thời từ trong trứng nước.       
 
  Nguyễn Huyền

Ý kiến của bạn