Ở người trưởng thành, nhịp tim bình thường là 60 - 100 lần/ phút, ngoài hai ngưỡng vừa kể là LNT. LNT là rối loạn thường gặp trong số các biểu hiện bệnh tim mạch, có thể gây khó chịu nhẹ cho người bệnh, nhưng cũng có thể là một tình trạng bệnh lý nặng.
LNT được chia chủ yếu làm 2 loại: Nhanh (tachycardia) khi nhịp tim đập trên 100 lần/phút, chậm (bradycardia) khi nhịp tim đập dưới 40 lần/phút. Ngoài ra, LNT còn có loạn nhịp trên thất (rung nhĩ, cuồng nhĩ), loạn nhịp tâm thất (xoắn đỉnh), rung thất… Đo điện tâm đồ là một xét nghiệm rất quan trọng trong chẩn đoán LNT.
Nguyên nhân dẫn đến LNT
Trong cuộc sống thường ngày, LNT có thể xuất hiện khi có rối loạn tâm lý, căng thẳng, stress; lao động gắng sức; hay sử dụng một số chất kích thích như: rượu, chè, cà phê, thuốc lá...
Bên cạnh đó, các bệnh lý tim mạch như: tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, các bệnh van tim, viêm cơ tim, các bệnh tim bẩm sinh... cũng sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình dẫn truyền xung động trong tim và gây ra LNT.
LNTcòn có thể gặp ở một số nguyên nhân khác như: rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, béo phì, cường giáp, bệnh viêm phổi - phế quản cấp hay mạn tính, thiếu máu, rối loạn cân bằng kiềm - toan và điện giải, do thuốc điều trị bệnh...
thường là 60 – 100 lần/ phút
Các thuốc trị loạn nhịp tim
Thuốc điều trị LNT có tác dụng điều hòa, làm giảm nhịp tim nhanh hay tăng nhịp tim đập quá chậm hay diều chỉnh lại rối loạn nhịp tim đập không đều. Riêng LNT nhanh rất cần được điều trị sớm để giảm triệu chứng hồi hộp, trống ngực, choáng ngất… và phòng các biến chứng như huyết khối, suy tim, đột quỵ. Người bệnh cần có những hiểu biết đúng và đầy đủ về loại thuốc này, để thuốc đạt hiệu quả và hạn chế mức thấp nhất những tác dụng không mong muốn khi sử dụng.
Các thuốc trị LNT điều chỉnh các rối loạn xung điện trong tim, hồi phục nhịp tim bình thường, qua các cơ chế tác động sau: giảm hoặc tăng tốc độ dẫn truyền các xung điện trong tim; kéo dài thời gian trơ, tăng thời gian hồi phục cơ tim; ngăn chặn tính tự động bất thường của nhịp tim.
LNT có nhiều loại, tùy theo bệnh cảnh và thể trạng người bệnh mà bác sĩ điều trị sẽ lựa chọn thuốc phù hợp từ nhiều nhóm thuốc khác nhau. Ta cần biết có những nhóm thuốc trị LNT sau.
Nhóm thuốc chống loạn nhịp: được sử dụng để ngăn chặn nhịp điệu bất thường của tim, chẳng hạn như rung nhĩ, cuồng động nhĩ, rung thất… Các thuốc này thường được bào chế dưới dạng viên giải phóng kéo dài dùng 1-2 lần trong ngày hoặc tiêm tĩnh mạch dùng trong trường hợp cấp cứu khẩn cấp. Gồm có: quinidin, amiodarone, flecainide, procainamide, lidocaine, digoxin…
Nhóm thuốc chẹn beta trị LNT: có tác dụng làm chậm nhịp tim, thư giãn cơ tim nên làm giảm gánh nặng hoạt động của tim và làm giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất. Gồm có: metoprolol, atenolol, bisopropol…
Nhóm thuốc chẹn kênh canxi trị LNT: có tác dụng giãn mạch, ngăn chặn sự vận chuyển canxi vào mô tim và mạch máu nhờ đó làm giảm nhịp tim do nồng độ canxi cao là yếu tố quyết định sự co cơ tim. Gồm có: verapamil, diltiazem…
Nhóm thuốc chống đông máu - phòng ngừa huyết khối cho người bệnh LNT:
Nhịp tim bất thường làm ảnh hưởng tới hoạt động co bóp của tim và gây ứ trệ máu tại các buồng tim, làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông - thủ phạm gây ra nhồi máu cơ tim, đột quỵ não. Do đó, bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc chống đông máu vào phác đồ điều trị LNT để phòng ngừa nguy cơ huyết khối. Gồm có: aspirin, clopidogrel, warfarin…
Lưu ý về việc dùng thuốc trị LNT an toàn:
- Trong một số các trường hợp, LNT có thể là vô hại, nhưng đa phần là biểu hiện của một tình trạng bệnh lý nặng, đe dọa đến cuộc sống của bạn. Vì vậy, nếu cảm thấy bất kỳ sự khác thường nào của trái tim, tốt nhất bạn nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và phát hiện sớm những vấn đề về tim mạch.
- Khi được chữa trị, luôn mang theo tất cả các loại thuốc được bác sĩ kê đơn theo bên mình để điều trị kịp thời.
- Không được tự ý ngưng sử dụng bất kỳ loại thuốc nào đã được kê, cũng như không được tự ý thay đổi liều nếu không được sự đồng ý của
bác sĩ.
- Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc, bạn phải báo ngay cho bác sĩ điều trị biết.
- Những điều bạn nên làm trong cuộc sống: ăn các loại thực phẩm tốt cho tim (ăn nhiều rau xanh, cá, hạn chế mỡ động vật); tăng cường hoạt động thể chất (theo chỉ dẫn của bác sĩ); bỏ hút thuốc lá, hạn chế các chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, trà đặc; giảm bớt sự căng thẳng trong cuộc sống.