Dùng dimethyl trong trị bệnh đa xơ cứng: Thận trọng với bất lợi trên tiêu hóa

26-08-2019 06:10 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Kết quả thống kê trong thử nghiệm EVOLVE-MS-2 (một nghiên cứu pha 3, đa trung tâm, mù đôi, có đối chứng với chất có hoạt tính trong 5 tuần) cho thấy dimethyl fumarate gây nhiều tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa hơn so với diroximel ở bệnh nhân mắc bệnh đa xơ cứng tái phát - thuyên giảm (RRMS - thể tái phát thành các đợt gián đoạn).

Dimethyl fumarat có hiệu quả tương tự diroximel fumarat nhưng có khác biệt về cấu trúc hóa học nên có thể gây kích ứng trên đường tiêu hóa nhiều hơn so với diroximel.

EVOLVE-MS-2 đánh giá khả năng dung nạp trên tiêu hóa của diroximel fumarat (462mg hai lần/ngày) so với dimethyl fumarat (240 mg hai lần/ngày) trên 506 bệnh nhân mắc RRMS. Theo tiêu chí chính của nghiên cứu EVOLVE-MS-2, số ngày xuất hiện các triệu chứng trên đường tiêu hóa của các bệnh nhân sử dụng diroximel fumarat ít hơn có ý nghĩa thống kê so với những bệnh nhân điều trị bằng dimethyl fumarat.

Các biến cố không mong muốn thường gặp được báo cáo ở cả hai nhóm điều trị bao gồm nước tiểu đỏ, tiêu chảy và nôn (lần lượt là 32,8%, 15,4%, và 14,6% đối với diroximel fumarat; 40,6%, 22,3%, và 20,7% đối với dimethyl fumarat). Tỷ lệ bệnh nhân ngừng điều trị do các biến cố bất lợi là 1,6% đối với diroximel fumarat và 6,0% đối với dimethyl fumarat. Trong số những bệnh nhân này, tỷ lệ bệnh nhân ngừng điều trị do các biến cố bất lợi trên đường tiêu hóa trong quá trình điều trị là 0,8% đối với diroximel fumarat và 4,8% đối với dimethyl fumarat.

BS. Robert Naismith, giảng viên khoa thần kinh, Trường đại học Y khoa Washington, St. Louis, Missouri cho biết đối với những bệnh mạn tính như đa xơ cứng, gián đoạn hoặc ngừng điều trị do các tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa có thể khiến bệnh tái phát.


ThS.DS. Dương Khánh Linh (Theo Medscape.com 8/2019)
Ý kiến của bạn