Đừng điều khiển phương tiện giao thông khi dùng thuốc ngủ

18-06-2020 14:17 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Mất ngủ gây tác động nghiêm trọng đến chất lượng sống của người bệnh, vì vậy việc điều trị mất ngủ mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe. Tuy nhiên đã có nhiều báo cáo ghi nhận nhiều trường hợp tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do tài xế ngủ gật khi sử dụng thuốc ngủ.

Ảnh hưởng của thuốc đến sự tỉnh táo

Điều trị chứng mất ngủ tập trung vào 2 vấn đề riêng biệt là đi vào giấc ngủ và duy trì chất lượng giấc ngủ. Các thuốc điều trị mất ngủ có thể giải quyết được một hay cả hai vấn đề này. Đối với những bệnh nhân khó đi vào giấc ngủ, loại thuốc tác dụng ngắn có thể có hiệu quả và không gây nguy cơ an thần vào sáng hôm sau. Đối với bệnh nhân khó duy trì giấc ngủ, những thuốc tác dụng dài hơn (thời gian bán hủy lâu hơn) được sử dụng rộng rãi.

Ở Việt Nam, hiện nay rất nhiều người hiểu sai về thuốc ngủ nên dễ dãi mua về uống. Đây là việc làm hết sức sai lầm gây tổn hại không nhỏ cho sức khỏe. Bởi lẽ, mất ngủ còn có thể là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào đó. Vì vậy, người bệnh cần đi khám để được bác sĩ tư vấn, bởi thuốc còn có các tác dụng phụ gây nguy hiểm.

Zolpidem là thuốc điều trị mất ngủ thông dụng và được kê đơn nhiều nhất, thuộc nhóm thuốc hệ thần kinh trung ương, phân nhóm thuốc ngủ và thuốc an thần; Đây là một chất phóng thích tức thì dùng cho bệnh nhân khó đi vào giấc ngủ. Tuy nhiên, kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa nồng độ zolpidem trong máu và suy giảm chức năng điều khiển phương tiện giao thông. Xem xét, đánh giá bệnh nhân 3 giờ sau khi dùng thuốc, kết quả có suy giảm khả năng điều khiển phương tiện giao thông ở bệnh nhân có nồng độ zolpidem trong máu cao hơn 50ng/ml. Việc suy giảm chức năng này được cho là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tai nạn giao thông. Chính vì lý do này, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo mọi người, nhất là nhóm người cao tuổi khi dùng zolpidem nên tư vấn bác sĩ và dùng theo chỉ dẫn. Cơ quan này cũng khuyến cáo nên ghi chi tiết các thông tin trên nhãn thuốc, nếu lái xe chỉ nên dùng liều thấp hoặc không dùng zolpidem.

Khi đã dùng thuốc ngủ thì không nên lái xe.

Khi đã dùng thuốc ngủ thì không nên lái xe.

Những lưu ý khi sử dụng

Phát hiện ngưỡng nồng độ thuốc trong máu có thể gây suy giảm khả năng điều khiển phương tiện giao thông cho phép đánh giá hàm lượng của các dạng thuốc khác chứa zolpidem nhằm quyết định liều lượng nào gây nguy cơ giảm khả năng điều khiển phương tiện giao thông vào sáng hôm sau. Ở một số bệnh nhân, đặc biệt nữ, quá trình đào thải zolpidem chậm hơn nam do đó nồng độ thuốc trong máu vào sáng hôm sau cao hơn 50ng/ml sau khi dùng liều khuyến cáo  vào giờ đi ngủ.

Phân tích dữ liệu từ các nghiên cứu zolpidem phóng thích nhanh cho thấy 8 giờ sau khi dùng 10mg zolpidem, kết quả có 15% phụ nữ và 3% nam giới vẫn có nồng độ zolpidem trong máu từ 50ng/ml trở lên. Khi dùng viên liều cao phóng thích có điều chỉnh (12,5mg), tỷ lệ trên còn cao hơn  là 33%  nữ và 25% nam.

Do đó, khi thấy xuất hiện bất cứ hiện tượng bất thường nào ở người đang dùng zolpidem cũng phải được thăm khám đánh giá lại. Vì một số tác dụng phụ xảy ra liên quan đến liều, nên điều quan trọng là cố gắng dùng liều thấp nhất có hiệu quả, đặc biệt đối với người cao tuổi.

Sử dụng thuốc cần hết sức thận trọng. Tránh kết hợp với các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương và rượu vì có cộng hợp hoặc tăng tác dụng. Tránh dùng thuốc kéo dài. Khi dùng thuốc từ 1 - 2 tuần trở lên, phải giảm liều dần dần trước khi ngừng để tránh hội chứng cai thuốc. Cũng tránh ngừng zolpidem đột ngột hoặc giảm liều quá nhanh ở người bệnh dùng thuốc kéo dài (như trên 1-2 tuần).

Ở người trầm cảm, người có tiền sử nghiện thuốc, người bệnh bị tổn thương chức năng hô hấp, nghiện rượu, suy gan (trường hợp nặng không được dùng), suy thận, suy giảm chức năng hô hấp và người cao tuổi, sử dụng thuốc cần được sự chỉ định của bác sĩ điều trị, không tự ý sử dụng.

Việc đánh giá suy giảm khả năng điều khiển phương tiện giao thông do dùng thuốc đã được tiến hành, các phân tích định lượng về mối quan hệ giữa liều lượng thuốc, nồng độ thuốc trong máu, và suy giảm khả năng điều khiển phương tiện đã được chứng minh. Vì vậy, cần phải cảnh báo cho người bệnh biết thuốc ảnh hưởng đến các hoạt động đòi hỏi khéo léo, phối hợp như lái xe, vận hành máy móc để tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.


DS. Nguyễn Mạnh Hùng
Ý kiến của bạn