Tiêu tốn năng lượng và gia tăng phát thải?
Thời gian gần đây, một số tờ báo đăng tải thông tin dịch từ nước ngoài cho rằng sử dụng điều hòa ở các nước như Việt Nam tốn điện hơn rất nhiều so với các nước khác. Theo đó, không phải nhiệt độ, mà độ ẩm" chính là vấn đề thử thách người dân tại các khu vực khí hậu nóng ẩm như Việt Nam trong mùa hè. Sự oi bức xảy ra khi độ ẩm quá cao, khiến mồ hôi không thể bốc hơi, dính vào da gây khó chịu. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng cuộc sống, mà còn tác động tới hoạt động của điều hòa. Đây là thiết bị tiêu tốn năng lượng và chiếm 4% phát thải khí nhà kính toàn cầu, gấp đôi toàn bộ ngành hàng không.
Giới chuyên gia cảnh báo các thế hệ điều hòa hiện tại sẽ không thể đáp ứng nhu cầu trong điều kiện thời tiết nóng ẩm tương lai. Máy có hai khả năng là làm mát không khí và giảm độ ẩm. Tuy nhiên, phần lớn được thiết kế cho nhiệm vụ đầu tiên và không phải sản phẩm nào cũng được tính toán vận hành một cách tối ưu với độ ẩm cao. Khi độ ẩm cao, người dùng thường cảm thấy nóng hơn dù nhiệt độ không tăng. Họ thường hạ nhiệt độ điều hòa để đối phó với sự oi bức, dẫn đến tình trạng tiêu thụ nhiều năng lượng.
Trong khi đó, máy điều hòa hiện nay không được thử nghiệm ở môi trường phù hợp. Chúng được kiểm tra với nhiệt độ 35 độ C, tốc độ máy nén cố định, không phản ánh đúng điều kiện nóng ẩm tại các nước Nam Á và Đông Nam Á. Do đó, người dân ở khu vực này tốn nhiều tiền điện hơn khi sử dụng thiết bị.
"Điều hòa phải làm lạnh quá mức để giảm độ ẩm không khí, ngốn điện hơn mức cần thiết", Nihar Shah, Giám đốc Chương trình Hiệu quả Làm mát Toàn cầu tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley (LBNL) ở Mỹ, nhận xét.
GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học Công nghệ Nhiệt lạnh và Điều hòa không khí cho rằng quan điểm trên là sai hoàn toàn vì quá trình làm lạnh không khí của điều hòa luôn gắn liền với quá trình khử ẩm. Máy 9000 BTU trung bình mỗi giờ tách được từ 1 đến 1,6 lít nước tùy loại. Các dòng máy lớn hơn thì tách ẩm cũng lớn hơn.
Năng suất lạnh của máy điều hòa gồm 2 thành phần là nhiệt hiện và nhiệt ẩn. Nhiệt hiện là dùng để làm lạnh phòng (hạ nhiệt độ). Nhiệt ẩn là để tách ẩm (hạ độ ẩm). Để điều hòa đạt được hiệu suất cao, người ta khống chế nhiệt ẩn càng thấp càng tốt. Lượng nước tách ra càng nhiều thì thành phần nhiệt ẩn càng lớn, thời gian làm lạnh phòng càng chậm. Vì vậy nếu cùng năng suất, máy điều hòa nào tách ẩm ít hơn thì được coi là tốt hơn, dàn lạnh nặng hơn, dày dặn hơn. Ví dụ với máy 9000 BTU thì loại tách 1 lít/h sẽ tốt hơn máy tách 1,6 lít/h.
Sử dụng điều hòa mùa hè không cần kết hợp với máy phun ẩm
Về mùa hè, độ ẩm ngoài nhà có thể rất cao nhưng khi đi qua dàn lạnh, ẩm bị tách ra và độ ẩm luôn đảm bảo trong giới hạn cho phép từ 50 đến 70%. Do đó người dân khi sử dụng điều hòa tuyệt đối không nên phun ẩm cho phòng vào mùa hè.
Vào mùa đông, vì dàn trong nhà là dàn nóng nên nó không tách ẩm. Mà ngược lại nó làm cho độ ẩm tương đối có thể giảm xuống dưới mức cho phép nên có thể phun ẩm, tăng ẩm cho phòng khi cần.
Thông tin về việc có thể tiết kiệm điện điều hòa nhiệt độ đến 10 lần chỉ với thao tác đơn giản đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người khi mùa hè đang đến. Theo đó thì chỉ cần dùng điều khiển để chuyển chế độ lạnh từ "Cool" (hơi lạnh, hình ảnh biểu thị là bông tuyết" sang chế độ "Dry" (trừ ẩm, hình ảnh biểu thị là giọt nước) là có thể giúp căn phòng được mát mẻ mà rất tiết kiệm điện. Chế độ này khiến nhiệt độ căn phòng không thấp quá 23°C. Với chế độ này, công suất tiêu thụ điện của điều hòa sẽ giảm đi 10 lần, bởi vì, chức năng trừ ẩm là đem độ ẩm của căn phòng giảm xuống.
GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho rằng, việc sử dụng điều hòa ở chế độ Dry có tiết kiệm điện hơn khi dùng ở chế độ Cool, tuy nhiên khả năng làm mát của chế độ Dry thì không mấy tác dụng nếu nhiệt độ ngoài trời quá cao. Trong trường hợp nhiệt độ ngoài trời không quá nắng nóng (khoảng dưới 36°C) và độ ẩm cao, việc sử dụng chế độ Dry sẽ rất hiệu quả trong việc tạo cảm giác dễ chịu trong phòng và tiết kiệm điện. Tuy nhiên, những ngày nắng nóng và độ ẩm thấp thì việc sử dụng chế độ Dry không có ý nghĩa gì mấy bởi nó không có chức năng làm giảm nhiệt độ, khiến không khí trong phòng vẫn nóng, khó chịu và khi đó, lựa chọn duy nhất để làm mát là chuyển sang chế độ Cool. Lúc này, sử dụng chế độ Cool lại tiết kiệm điện hơn vì Cool làm mát nhanh hơn, sau khi nhiệt độ trong phòng đã đủ mát thì điều hòa có thể tự ngắt điện.
Thông thường với những điều hòa không khí có dán nhãn tiết kiệm năng lượng là có thể tiết kiệm được 5% điện năng tiêu thụ. Không có chuyện chỉ cần bật chế độ đó mà tiết kiệm được đến 10% điện tiêu thụ. Việc sử dụng chế độ làm mát không có nhiều ý nghĩa khi thời tiết mùa hè liên tục trên 35° C. Có một thói quen sử dụng điều hòa nhiệt độ khá phổ biến nhưng sai lầm là đang ở ngoài trời nóng vào nhà, ngay lập tức bật điều hòa mức nhiệt độ thấp nhất để nhanh được làm mát, rồi sau đó mới tăng nhiệt độ. Thực tế thời gian làm mát của điều hòa là như nhau. Bộ máy bên trong điều hòa lúc nào cũng chạy hết công suất cho đến mức nhiệt độ ban đầu là 26°C.
Có thể tính công thức điện năng tiết kiệm được khi tăng nhiệt độ điều hòa như sau: Phần trăm tiết kiệm = (nhiệt độ mới - nhiệt độ cũ) : (nhiệt độ bên ngoài - nhiệt độ cũ) x 100. Ví dụ, nếu nhiệt độ bên ngoài là 37 độ C, tăng điều hòa từ 20 lên 25°C, bạn sẽ tiết kiệm được: (25 - 20): (37-20) x 100 = 29,4%. Nhiệt độ trong phòng điều hòa và ngoài trời chênh lệch càng lớn, điện năng tiêu thụ càng nhiều. Mức nhiệt trong phòng không nên chênh lệch quá 10°C so với nhiệt độ ngoài trời, và không nên thấp dưới 20 độ C. Có thể tiết kiệm điện bằng cách dùng quạt kèm với điều hòa. Quạt có thể tạo ra gió giúp người trong phòng cảm thấy mát và dễ chịu hơn. Khi dùng quạt, bạn có thể tăng nhiệt độ của điều hòa lên 2 - 4°C mà vẫn thấy thoải mái.
Theo các chuyên gia, không có công thức cố định nào đối với chiếc điều hòa nhiệt độ để có thể tiết kiệm điện mãi mãi. Tùy vào từng điều kiện nhiệt độ, mục đích sử dụng để có chế độ bật điều hòa phù hợp, tiết kiệm điện.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Miền Bắc Chuẩn Bị Có Đợt Mưa Lớn Đến 200mm Từ 23/6, Chấm Dứt Nắng Nóng Kéo Dài | SKĐS